Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Cổ sinh vật có xương sống thuộc Đại học Mansoura ở Ai Cập cho biết hoá thạch cá voi bốn chân này thuộc giới Protocetidae – nhóm cá voi cổ đã tuyệt chủng từ rất lâu đời. Loài cá voi này có tên khoa học là Phiomicetus anubis, ước tính chiều dài cơ thể khoảng 3m và có khối lượng trung bình tầm 600kg, có thể được xếp vào loài động vật ăn thịt hàng đầu.
Ảnh dựng đồ họa cá voi Phiomicetus anubis. Ảnh: Reuters
Theo trưởng nhóm nghiên cứu, cá voi "cụ tổ" này có các đặc điểm của một thợ săn tài ba: Nó có thể đi săn ở cả trên cạn và dưới biển. Với hộp sọ và mõm dài, các nhà khoa học phán đoán rằng sinh vật này là một loài động vật ăn thịt có khả năng bắt và nhai con mồi rất nhanh. Nó cũng được cho là có thính giác và khứu giác nhạy bén.
Đây không phải là hóa thạch đầu tiên của cá voi bốn chân được tìm ra, nhưng phát hiện mới này được cho là một trong những hóa thạch lâu đời nhất ở ốc đảo Faiyum, Ai Cập. Theo nhóm nghiên cứu, việc tìm thấy hóa thạch của loài cá voi cổ đại này là chìa khóa giúp theo dõi quá trình tiến hóa của cá voi từ đất liền ra biển trong tiến trình khoảng 10 triệu năm.
Hóa thạch của Phiomicetus anubis được tìm thấy tại ốc đảo Faiyum, Ai Cập. Ảnh: Reuters
Tạp chí Anh Quốc Proceedings of the Royal Society B cho biết, sinh vật mới được phát hiện thuộc họ Protocetidae, loài cá voi bán thủy sinh đã sống và tuyệt chủng cách đây 59 đến 34 triệu năm. Mặc dù thời gian gần đây đã có những phát hiện hoá thạch về cá voi cổ đại, tuy nhiên quá trình tiến hoá ban đầu của cá voi ở Châu Phi vẫn là một bài toán khó mà các nhà khoa học vẫn đang vật lộn tìm lời giải.