Nghiên cứu mới chỉ ra, chất độc từ ngành công nghiệp chế biến thịt đã và đang gây hại cho vùng biển ở vịnh Mexico, khiến cho nhiều sinh vật chết hoặc buộc phải di chuyển đến nơi khác. Điều này để lại nhiều hậu quả khó lường.
Hai nguồn ô nhiễm đáng ngại đổ ra vịnh Mexico. Ảnh: NOAA
Trước đó, các nhà khoa học cho biết, ngành công nghiệp chế biến thịt không chỉ gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu mà còn đang gieo rắc chất độc, tạo nên những "vùng chết" tồi tệ nhất trong lịch sử ở vịnh Mexico.
Theo các nhà nghiên cứu, chất độc hại từ phân bón và các chất thải từ động vật, con người khiến thúc đẩy sự phát triển của tảo có hại.
Khi tảo này chết đi, chúng sẽ làm làm suy giảm lượng oxy trong nước biển, khiến nhiều cá chết và gây hại cho nhiều sinh vật khác. Điều này tạo ra những vùng chết nguy hiểm cho hệ sinh thái biển.
Trước đó, nhóm nghiên cứu tại Đại học Louisiana (LSU), Mỹ cảnh báo, vùng nước chết ở vịnh Mexico trong năm 2017 sẽ mở rộng diện tích lớn nhất từ trước đến nay.
Nhiều sinh vật biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những vùng chết đáng sợ ở vịnh Mexico. Ảnh: The Advocate
Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho hay, vùng chết lớn nhất trên vịnh Mexico mở rộng diện tích lên tới 21.200 km2 ở ngoài khơi bờ biển bang Louisiana và Texas, cao hơn nhiều so với mức trung bình 13.720km2 và có xu hướng không ngừng lan rộng.
Hệ quả của việc phát triển quá mức công nghiệp chế biến thịt đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến một số sinh vật và nguy hại nghiệm trọng đến những vùng biển ở vịnh Mexico.
Tiêu thụ thịt quá mức khiến con người tạo thêm "gánh nặng" cho môi trường. Ảnh: World Resources Institute
Phần lớn vùng biển chết trên vịnh Mexico được hình thành là do dòng nước giàu nitơ từ các khu công nghiệp lớn như Tyson Foods đổ ra sông và chảy ra vịnh.
Bên cạnh đó, dòng nước độc hại còn được thu nạp thêm các chất thải bẩn từ phân bón nông nghiệp và nhiều chất thải từ dộng vật và con người. Điều này khiến cho diện tích "vùng chết" trên vịnh Mexico ngày càng mở rộng và để lại nhiều hậu quả khôn lường.
Những nghiên cứu trước đó từng chỉ ra, tình trạng thâm hụt oxy nghiêm trọng ở vịnh Mexico làm phá hủy môi trường sống của nhiều loài và thậm chí là làm mất khả năng sinh sản của nhiều loại cá.
Điều này đặt ra yêu cầu các công ty thực phẩm và nông trại tập trung cần phải có hướng phát triển bền vững hơn, giảm lượng thịt tiêu thụ là hoàn toàn thiết thực để có thể giảm "gánh nặng" cho môi trường.
Ảnh hưởng không dừng ở "vùng chết"
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) nhận định, việc tiêu thụ một lượng thịt lớn như vậy khiến cho nhiều công ty thực phẩm sản xuất ra hàng chục tiệu tấn phân chuồng (năm 2016) cũng như thải ra hàng trăm triệu tấn chất ô nhiễm đổ vào các con sông trong một thập kỷ vừa qua.
Hậu quả không chỉ dừng lại ở môi trường tự nhiên và ngay chính con người cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc tiêu thụ quá nhiều thịt này. Bằng chứng là nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm.
Nước uống bị ô nhiễm ở Mỹ. Ảnh: MNN
Theo một báo cáo của nhóm công tác môi trường cho hay, hệ thống nước phục vụ cho 7 triệu người thuộc 48 bang ở Mỹ có hàm lượng nitrat "đáng báo động". Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe vì tiêu thụ nitrat nhiều sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng bệnh ung thư.
Việc giải quyết bài toàn môi trường liên quan đến công nghiệp chế biến thịt và các nông trại ở Mỹ vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, để giải cứu những dòng sông ô nhiễm và thu hẹp "vùng chết" trên vịnh Mexico, đây thực sự là một thách thức mà con người cần phải đối mặt và giải quyết.
Nguồn: Organicconsumers.org, Theguardian