Một hành tinh tiền sử được ví von là "hành tinh bị mất" là nơi thiên thạch chứa kim cương Almahata Sitta thuộc về. Nó vốn nằm trong Hệ Mặt trời, có kích cỡ tương đương Sao Thủy hoặc Sao Hỏa, đã biến mất một cách bí ẩn từ hàng tỉ năm trước.
Viên thiên thạch được tìm thấy ở Sudan - ảnh: SETI
Tuy nhiên rất có thể nó đã vỡ vụn ra sau một cú va chạm với một vật thể lớn: có thể là thiên thạch hoặc một tiểu hành tinh khổng lồ.
Lý do người ta biết nó có thể lớn bằng Sao Thủy hoặc thậm chí là Sao Hỏa là vì với kích thước như thế, một hành tinh mới có đủ điều kiện về áp suất để tạo ra kim cương.
Nó chứa đầy kim cương - ảnh: EPFL
Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications này củng cố thêm một lý thuyết thú vị: Hệ Mặt trời của chúng ta ngày xưa không như những gì chúng ta đang thấy. Nó vốn có nhiều hành tinh và các vật liệu rất khác.
Chính những vụ nổ, vụ va chạm giữa các hành tinh đã giải phóng vô số mảnh vụn. Các mảnh vụn đó một lần nữa được tập hợp và cấu thành Hệ Mặt trời ngày nay.
Ước tính có đến hàng chục "hành tinh tiên phong" đã cung cấp vật liệu cho 8 hành tinh ngày nay và vô số thiên thể kề cận khác.
Lát cắt bên trong viên đá có nhiều kim cương trong và sáng - ảnh: Nature Communications
Thiên thạch chứa kim cương nói trên đã rơi xuống sa mạc Nubian (miền Bắc Sudan) vào năm 2008, sau khi tiểu hành tinh 2008 TC3 chạm trán bầu khí quyển.
Nó ở trong vòng bí ẩn lâu đến thế là vì các nhà khoa học mất khá nhiều thời gian để phân tích thành phần khoáng chất và chất hóa học trong nó, cũng như trong các mảnh vụn khác rải rác trên sa mạc.
Theo BBC, Daily Mail, NDTV