Ảnh minh họa. ( Nguồn: Shutterstock)
Bên cạnh đó cũng có quốc gia không có ngày lễ dành riêng cho các thầy cô giáo như Nhật Bản, nhưng giáo viên của Nhật Bản luôn được cả xã hội trân trọng, tôn kính mọi lúc mọi nơi.
Ở Việt Nam, mỗi năm đến ngày Hiến chương các nhà giáo, rất nhiều thế hệ học trò cũ chạnh lòng nhớ về thầy cô của mình những ngày 20/11 xưa cũ, cái thời mà ngày 20/11 thực sự là ngày để học trò tri ân thầy cô giáo, thời mà đồng tiền không thể chen vào tình cảm thầy trò.
Những lứa học trò vô tư hồn nhiên đến chúc mừng thầy cô bằng những bó hoa tươi thắm, không phải nghĩ nhiều đến chuyện mua quà gì, tặng phong bì bao nhiêu tiền, hay đơn giản là thể hiện tình cảm qua nhiều món đồ tặng... như nhiều học trò ngày nay.
Nhân ngày 20/11, cùng tìm hiểu cách tri ân của học trò các nước trong khu vực dành cho thầy cô của mình.
Hãy để ngày 20/11 đúng là ngày hiến chương của các thầy cô, một ngày ý nghĩa của cô và trò như các thế hệ trước. (Nguồn: Shutterstock)
Trung Quốc
Ngày 10/9 hàng năm là ngày Hiến chương của các nhà giáo Trung Quốc.
Các học sinh, sinh viên thường tặng hoa và thiệp thể hiện sự kính trọng với thầy cô giáo của mình.
Cũng có nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc mua quà tặng thầy cô, nhưng có những cô giáo chia sẻ, quà tặng làm họ bối rối, khó xử trong quan hệ với học sinh, vì họ lo sau khi nhận quà sẽ phải thiên vị học sinh đó.
Bên cạnh đó nhiều hiệu trưởng trưởng học cũng nhắc nhở giáo viên về chuyện nhận quà tặng của phụ huynh.
Hong Kong
Trước khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc, ngày nhà giáo được tổ chức vào ngày 28/9 hàng năm theo truyền thống của Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1950.
Sau khi được trao trả về cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1997, Hong Kong tổ chức ngày Nhà giáo cùng thời điểm với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là ngày 10/9.
Tuy nhiên, ngày nay đa số người dân Trung Quốc muốn chuyển ngày nhà giáo sang ngày 28/9 là ngày sinh của Khổng Tử để tri ân vị triết gia lỗi lạc của đất nước họ.
Vào ngày này ở Trung Quốc, nhiều thế hệ học sinh cũng như các bậc ông bà, cha mẹ thường đến viếng thăm các đền thờ những vị hiền triết có công tạo dựng nền giáo dục của Trung Quốc như Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử...
Hàn Quốc
Ngày nhà giáo Hàn Quốc được chọn theo ngày một nhóm thanh niên là thành viên hội chữ thập đỏ đã đến thăm những thầy cô giáo cũ của họ bị ốm phải nằm trong bệnh viện vào ngày 15/5 từ năm 1963.
Đa số học sinh sẽ được nghỉ học trong ngày lễ của thầy cô. Vào ngày này, hoa cẩm chướng nở đỏ rực khắp đất nước.
Các học sinh Hàn Quốc sẽ mang hoa cẩm chướng đến tặng thầy cô để tỏ lòng biết ơn và tôn kính. Nên ở Hàn Quốc, hoa cẩm chướng được coi là loại hoa dành cho các thầy cô giáo.
Vào ngày lễ của các thầy cô, học trò Hàn Quốc sẽ tặng thầy cô của mình những bó hoa cẩm chướng đỏ thắm để bày tỏ lòng tôn kính
Thái Lan
Ngày Hiến chương các nhà giáo Thái Lan là ngày 16/1.
Đây là một ngày lễ tôn kính của quốc gia đạo Phật, người Thái Lan coi các nhà giáo như những ân nhân đem ánh sáng cho cuộc sống.
Ngày này, không chỉ các học sinh mà tất cả mọi người đều tỏ lòng kính trọng và biết ơn với các thầy cô giáo.
Malaysia
Ngày nhà giáo của Malaysia được gọi là Hari Guru theo tiếng Malay, tổ chức hằng năm vào ngày 16/5.
Ngày này bắt nguồn từ năm 1956, Ủy ban Lập pháp Liên bang Malaysia đã tiếp nhận những văn bản đệ trình của Ủy ban Giáo dục nước này, mang tên Báo cáo Razak, làm nền tảng cho chính sách giáo dục ở Malaysia và từ đó đến nay, Malaysia quyết định chọn ngày 16/5 hàng năm để tổ chức lễ chúc mừng các nhà giáo.
Nhiều hoạt động chúc mừng các nhà giáo được diễn ra ở khắp đất nước.
Ấn Độ
Ngày 5/9 hàng năm là ngày Hiến chương của các thầy cô giáo Ấn Độ.
Vào ngày lễ này, các học sinh sẽ tổ chức buổi tiệc văn nghệ cho thầy cô của mình.
Ấn Độ là đất nước có truyền thống nhảy múa, ca hát… vì thế ngày lễ dành cho nhà giáo, các học trò sẽ nhảy múa, diễn kịch đem lại niềm vui cho các thầy cô.
Bên cạnh đó, các nhà giáo sẽ được tôn vinh vì những thành tựu đạt được trong quá trình giảng dạy.
Nhật Bản
Một lớp học của Nhật Bản. (Nguồn: Shutterstock)
Là một nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất châu Á, sự nghiệp trồng người được coi trọng hàng đầu, nhưng Nhật Bản không có ngày tri ân các thầy cô như ngày 20/11 ở Việt Nam và phụ huynh không cần phải tặng hoa hoặc quà cho các thầy cô giáo vào bất kỳ ngày lễ nào.
Giáo viên coi việc giảng dạy tốt là giá trị dịch vụ đương nhiên học sinh của họ được hưởng.
Không có ngày nhà giáo không có nghĩa là giáo viên của Nhật Bản không được coi trọng, ngược lại ở Nhật, nghề giáo được coi là nghề thiêng liêng nhất, thầy cô luôn được xã hội tôn kính mọi lúc mọi nơi và được hưởng những dịch vụ ưu đãi dành riêng cho giáo viên, vì thế ở Nhật Bản ngày nào cũng được coi là ngày của nhà giáo./.