Ngày nay, chúng ta thường nghe đến việc những ca sỹ khi làm sản phẩm thường sử dụng công nghệ chỉnh giọng - Auto-Tune - được ví như "Photoshop của giọng hát". Nhờ có nó mà những ca từ cất lên được ghi lại vào bản thu âm sẽ thánh thót hơn sau khi xử lý.
Hoặc thậm chí có những âm điệu mà không nhạc cụ thực tế nào có thể tạo ra, ngoại trừ sức mạnh của máy tính.
Vậy thực hư mặt mũi công nghệ này ra sao, và nó hoạt động như thế nào mà lại có tác dụng thần kỳ đến như thế?
Khởi nguồn của một phong trào
Nếu nói rằng người sinh ra công nghệ Auto-Tune là một công nhân dầu mỏ thì có lẽ chẳng ai tin nhỉ. Đó là Andy Hindebrand - một người đã cống hiến hơn cả tuổi thanh xuân và sức trẻ của mình cho công việc liên quan đến dầu mỏ, sáng chế ra cách tự động ghi lại dữ liệu rung chấn của đất.
Andy Hildebrand - cha đẻ của Auto-Tune.
Thế nhưng mà những năm kinh nghiệm đó lại cho ông thêm nhiều kỹ năng nữa, khi mà sau này ông lại tự tay tạo nên một công cụ giúp chỉnh sửa giọng hát và âm thanh (sau khi một cô gái "thách" ông làm sao để cô hát hay hơn).
Vậy là năm 1996, hình dạng khởi nguyên của Auto-Tune ra đời, nhưng hầu như chỉ được lưu hành nội bộ và kín kẽ như một chìa khóa vàng bí mật của một số ít nhà sản xuất.
Mãi cho tới năm 1998, ca khúc Believe của Cher xuất hiện với tông giọng cực "ảo" và thánh thót đã không thể lọt qua đôi tai của những tín đồ yêu nhạc, cho nên Auto-Tune dần được công khai và hiện diện nhiều hơn trong các tác phẩm về sau.
Diễn biến thăng trầm
Tuy mới lạ và độc đáo với khả năng mà con người khó có thể mô phỏng được, Auto-Tune mới đầu cũng vấp phải làn sóng khá mạnh mẽ từ dư luận vì bị chỉ trích, đến nỗi đã có thời gian bị tẩy chay và nhạt nhòa dần.
Rồi bất ngờ là năm 2005, rapper T-Pain ứng dụng nó như một cơn sốt làm đặc trưng cho giọng của mình và khơi dậy một phong trào thực sự.
Không chỉ chỉnh sửa được những góc cạnh nhỏ nhất khi ca sỹ dính đôi chút nhược điểm trong giọng hát, nó còn có thể giúp cho tông giọng của họ dao động một cách lý tưởng nữa.
Bộ phim Sóc chuột Chipmunk đầu tiên vào năm 2007 (sau đó là 2 phần nữa) đã là ví dụ điển hình nhất cho tuổi thơ của chúng ta để biết đến ứng dụng của Auto-Tune.
Các chú sóc chuột với giọng hát mang đậm chất điện tử của Auto-Tune.
Auto-Tune hoạt động ra sao?
Ban đầu, hệ thống sẽ chọn điểm mốc là một quãng nốt cao làm giới hạn, cùng với tiết tấu nền để từ đó làm cơ sở chỉnh sửa các khía cạnh khác theo chúng.
Sau đó, sự kết hợp trên sẽ được hoàn thiện dần xuyên suốt bài hát, khiến giọng hát trở nên mềm mại, uyển chuyển và toàn diện hơn nhờ được làm cho giống với quãng nốt cao gốc đó.
Nếu nghe nhạc mà thấy lời hát của ai đó có phần như thể tiếng kêu của robot, hoặc "lai tạp" giữa tiếng hát tự nhiên và máy móc thì đó là vì họ cố tình rút gọn quãng sửa đổi giọng đi sao cho tỷ lệ sửa dồn dập hơn, tạo nên hiệu ứng âm thanh đó.
Nói cách khác cho dễ hiểu, chẳng hạn như một ca sỹ muốn lên nốt cao nhất định, nhưng lại có phần... lệch tông cao hơn the thé một chút xíu, các nhà sản xuất sẽ dùng Auto-Tune để sửa tần số lại, sao cho tông giọng hạ trầm hơn, khớp với sự đồng điệu ban đầu được đặt ra về quãng nốt và tiết tấu.
Những ai sẽ sử dụng nó?
Auto-Tune giờ đây đã trở nên phổ biến và hiện diện rất nhiều rồi. Việc các ca sỹ dù cho nổi tiếng vẫn dùng Auto-Tune hỗ trợ không có gì là sai trái cả, giống như việc siêu mẫu chụp ảnh những vẫn cần Photoshop để sửa những nhược điểm không đáng có mà thôi.
Taylor Swift, Selena Gomez hay Beyoncé cũng là một số cái tên đang làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng và cả sự nổi tiếng của mình, nhưng vẫn coi Auto-Tune như một công cụ bình thường và dùng nó để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình làm ra, nhằm tạo điểm nhấn, trở nên bắt tai và hiện đại hơn.
Đôi bạn thân nổi tiếng giới giải trí toàn cầu cũng dùng Auto-Tune cho những bản thu của mình.
Dù vậy, việc lạm dụng quá thừa Auto-Tune tất nhiên sẽ phản tác dụng và bị nhiều người "ném đá" khó chịu. Vì thế, nhiều khi muốn làm ca sỹ cũng không phải chuyện dễ dàng, vì đến lúc hát live rồi bị so sánh với bản thu âm thì mới thấy rõ sự khác biệt và cả áp lực dư luận.
(Tổng hợp)