Rất ít rác thải nhựa được tái chế
Bờ Biển Ngà và Hà Lan được đánh giá là 2 trong số các quốc gia đang tích cực giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa và hướng tới những lợi ích của nền kinh tế nhựa tuần hoàn.
Chính phủ Hà Lan có nhiều hành động đầy tham vọng đối với vòng đời của nhựa. Hà Lan cũng ký cam kết toàn cầu về nền kinh tế nhựa mới và là thành viên của Hiệp hội Đối tác toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác biển. Trong khi đó, từ năm 2014, Bờ Biển Ngà đã cấm sử dụng túi ni lông và chuyển sang sử dụng bao bì có thể tái chế, dễ phân hủy. Thành phố lớn nhất của Bờ Biển Ngà là Abidjan đã trở thành một trung tâm cho các công ty khởi nghiệp tìm giải pháp chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày Môi trường thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1973. Trong 5 thập niên qua, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề toàn cầu và đang ở trong tình trạng báo động, không chỉ làm gia tăng phát thải khí CO2 mà còn đe dọa tới đa dạng sinh học, đặc biệt là sự sinh tồn của các loài sinh vật biển. Các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong máu, sữa mẹ, nhau thai người cũng như ở dạ dày các loài chim biển. Ước tính, mỗi người trên hành tinh này tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm, thậm chí còn nhiều hơn nữa nếu tính đến việc hít phải.
Theo Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), sản lượng nhựa hàng năm đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua, lên 460 triệu tấn và đang trên đà tăng gấp 3 trong vòng 40 năm, nếu không có hành động khẩn cấp. Ước tính khoảng 66% lượng nhựa sản xuất hàng năm bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần, trong khi chưa đến 10% được tái chế. UNEP lưu ý trên toàn cầu chỉ có khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế. Trong khi đó, có tới 22% tổng số vật liệu nhựa bị quản lý sai cách và trở thành rác thải.
Cần dừng sản xuất không bền vững
Trước đó, trong cuộc đàm phán kéo dài 5 ngày tại thủ đô Paris của Pháp, các phái đoàn của 175 quốc gia của Ủy ban đàm phán liên chính phủ đã thảo luận về các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nhựa, cũng như xem xét có nên xây dựng kế hoạch quốc gia cho từng nước hay đặt mục tiêu toàn cầu để giải quyết vấn đề.
Kết thúc phiên họp, đại diện các nước đã đồng ý xây dựng một dự thảo, có thể sớm trở thành một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý, phản ánh nhiều quan điểm của các quốc gia khi bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, các bên liên quan đã dường như tập trung vào vấn đề ô nhiễm hơn là cắt giảm sản lượng nhựa trong khi theo giới phân tích, mục tiêu trước hết là giảm sản xuất nhựa mới và cấm càng sớm càng tốt những sản phẩm gây ô nhiễm nhất, nguy hiểm nhất cho sức khỏe. Trong thông điệp bằng video được gửi đến cuộc họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các quốc gia tham gia đàm phán chấm dứt mô hình sản xuất “toàn cầu hóa và không bền vững” mà theo đó các nước giàu xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước nghèo hơn.