Từng là một làng chài nhỏ ở Vịnh Ba Tư, Dubai giờ đã trở thành trung tâm thương mại giàu có của Trung Đông.
Là thành phố và thủ đô của Tiểu vương quốc Dubai - một trong những tiểu vương quốc giàu có nhất trong 7 tiểu vương quốc tạo nên liên bang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - Dubai được ví như hòn ngọc xinh đẹp của vùng đất sa mạc trải rộng ngút ngàn.
[7 tiểu vương quốc tạo nên UAE là Abu Dhabi, Ajman, Dubai, Fujairah, Ras Al-Khaimah, Sharjah và Umm Al-Quwain].
Nhắc đến Dubai là nhắc đến xa xỉ, đẳng cấp, sang trọng. Từ lối sống xa hoa đến những khu mua sắm cao cấp cùng tư duy sẵn sàng đi theo con đường chuyển đổi số của cuộc cách mạng 4.0, Dubai ngày càng thu hút giới thượng lưu thế giới.
Thành phố gần 4 triệu dân này hiện đang hội tụ những đặc điểm hiếm có trên hành tinh. Xứ sở của những tòa nhà chọc trời này là nơi có cảng biển sầm uất, kiến tạo môi trường hành chính hiệu quả thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc cho doanh nghiệp quốc tế, cùng tư duy đổi mới hiếm có. Tất cả điều này khiến cho Dubai nhanh chóng nổi lên là trung tâm trung chuyển hàng hóa hàng đầu của Trung Đông.
Sự chuyển mình mạnh mẽ của Dubai từ một làng chài yên tĩnh thành một đô thị toàn cầu lấp lánh quả là điều kỳ diệu.
Hãy thắt dây an toàn! DAMAC - nhà phát triển bất động sản cao cấp hàng đầu tại Dubai và UAE - sẽ đưa chúng ta khám phá câu chuyện đầy cảm xúc về cách thành phố Dubai trở thành một trong những thành phố giàu có nhất thế giới với tốc độ chóng mặt!
Vì sao Dubai giàu có đến vậy?
Năm 1966 là thời điểm mở ra kỷ nguyên vàng mới mẻ cho Dubai. Năm đó, họ phát hiện ra 'kho báu' mà cả thế giới 'khát' đến tận ngày nay: Dầu mỏ, thứ vốn được mệnh danh là "vàng đen" quý báu.
Việc DAMAC nhận định: "Vàng đen" đã biến Dubai từ một làng chài khiêm tốn thành một thành phố giàu có chỉ sau một đêm là cách nói ước lệ nhằm nhấn mạnh sự trỗi dậy mạnh mẽ của Dubai.
Hãy xem, dầu mỏ đã tạo bệ phóng kinh tế thế nào cho thành phố này dưới sự lèo lái thông minh của những người lãnh đạo nó.
1. Kỷ nguyên bùng nổ của "vàng đen" - Đóng góp 30% GDP cho Dubai
Như đã nói, năm 1966, dầu mỏ giúp Dubai lột xác. Phát hiện này là chất xúc tác cho sự phát triển nhanh chóng của thành phố. Sự bùng nổ dầu mỏ cùng chiến lược thông minh của những người lãnh đạo đã biến Dubai thành tâm điểm của sự giàu có và thu hút đầu tư nước ngoài.
Một năm sau ngày Dubai phát hiện dầu mỏ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gia nhập OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ).
Ba năm sau ngày phát hiện dầu, Dubai tiến hành xuất khẩu dầu ra thế giới. Lô hàng xuất khẩu dầu đầu tiên được sản xuất từ mỏ Fateh là khoảng 180.000 thùng. Fateh nghĩa là May mắn.
Lợi nhuận khổng lồ từ xuất khẩu dầu giúp Dubai đầu tư công nghệ cho việc khám phá các mỏ dầu giàu có khác của mình. Bên cạnh mỏ Fateh, các mỏ dầu chính như Falah (phát hiện năm 1972), Rashid (1973), Margham (1982) nhanh chóng trở thành trụ cột kinh tế của thành phố.
Theo số liệu thống kê chính thức năm 2024, Tiểu vương quốc Dubai sản xuất 50.000 đến 70.000 thùng mỗi ngày.
Worldometers cho biết, tính đến năm 2016, thế giới tiêu thụ 35.442.913.090 thùng dầu, tương đương 97.103.871 thùng mỗi ngày. Mức tiêu thụ dầu toàn cầu bình quân đầu người là 5 thùng dầu/người /năm (dựa trên dân số thế giới năm 2016 là 7.558.554.526 người).
Dữ liệu đơn lẻ này cho thấy, nhu cầu của thế giới với dầu đến nay vẫn cực kỳ "hot". Tạp chí International Business Magazine đánh giá, dầu là một trong những mặt hàng quan trọng nhất trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế bùng nổ đang thúc đẩy nhu cầu về dầu mỏ. Việc Dubai tìm thấy nhiều mỏ dầu đã giúp nơi đây nhanh chóng thu được lợi nhuận kếch xù, nhờ đó mà có cơ hội phát triển nhiều ngành mũi nhọn khác.
2. Lãnh đạo có tầm nhìn xa
Những người đứng đầu Dubai rất thông minh và có tầm nhìn. Dù đang bước vào kỷ nguyên vàng của dầu, họ đã sớm biết rằng dầu mỏ sẽ không tồn tại mãi mãi, vì vậy họ đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng một nền kinh tế đa dạng, không lệ thuộc dầu mỏ (non-oil economy).
Các nhà lãnh đạo Dubai có những giấc mơ lớn và những kế hoạch thậm chí còn lớn hơn. Cựu Thủ tướng UAE Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum (người có công lớn trong việc xây dựng Tiểu vương quốc Dubai hiện đại) và những người kế nhiệm ông đã hình dung ra một thành phố đẳng cấp thế giới. Tầm nhìn táo bạo và kế hoạch chiến lược của họ đóng vai trò then chốt trong sự trỗi dậy nhanh chóng của Dubai.
Nguồn tài sản thu được từ dầu mỏ mà thành phố này được hưởng trong khoảng thời gian từ những năm 1960 đến những năm 1990 đã được sử dụng để nâng cao các lĩnh vực khác của nền kinh tế bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất như xây dựng cảng, sân bay... nhằm hướng nền kinh tế tập trung vào du lịch, thương mại và bất động sản.
Biết rằng, ngành dầu khí của Dubai đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Dubai nhiều thập kỷ qua nhưng với trữ lượng đang cạn kiệt, sản xuất hydrocarbon đang ngày càng chiếm vị trí nhỏ hơn trong nền kinh tế đa dạng hóa cao của Dubai nói riêng và Tiểu vương quốc Dubai nói chung.
Việc sử dụng chiến lược nguồn tài sản từ dầu mỏ này đã tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng và đa dạng hóa kinh tế của Dubai, đảm bảo tăng trưởng và thịnh vượng bền vững.
3. Chuyển hướng kinh tế thông minh, đa dạng
Trái ngược với niềm tin phổ biến, Dubai không có nền kinh tế dựa trên dầu mỏ. Ngày nay, thương mại vẫn là cốt lõi của nền kinh tế Dubai, với việc thành phố này vận hành hai trong số những cảng lớn nhất thế giới và một trung tâm vận chuyển hàng không quốc tế bận rộn.
- Thương mại: Trái tim của Trung Đông
Vị trí của Dubai nằm ở ngã tư của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi khiến nơi đây trở thành cửa ngõ chiến lược cho thương mại và du lịch toàn cầu.
Vị trí chiến lược này đã biến nơi đây thành một trung tâm thương mại lớn của Trung Đông. Các cảng (như Rashid và Jebel Ali) và cơ sở hạ tầng hậu cần của thành phố này nằm trong số những cảng và cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại liền mạch (Nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa).
Cảng Jebel Ali và Sân bay quốc tế Al Maktoum đã đưa Dubai trở thành thành phố có hoạt động giao dịch thương mại lớn thứ 8 thế giới.
- Khu vực tự do: Kinh doanh không biên giới
Để thu hút các doanh nghiệp quốc tế, Dubai đã thành lập các khu tự do nơi các công ty có thể hoạt động với các hạn chế tối thiểu. Nổi tiếng nhất trong số này là Khu tự do Jebel Ali (JAFZA), được thành lập vào năm 1985.
Nhờ sở hữu những ưu đãi như miễn thuế, thuộc sở hữu hoàn toàn của nước ngoài và không có thuế hải quan, các khu thương mại tự do đã biến Dubai thành một trung tâm kinh doanh toàn cầu, thu hút các công ty từ khắp nơi trên thế giới.
- Bùng nổ bất động sản: Xây dựng một đế chế - Đóng góp 13% GDP cho Dubai
Đường chân trời của Dubai rải rác những tòa nhà chọc trời mang tính biểu tượng và các khu phát triển xa hoa. Ngành bất động sản đóng vai trò to lớn trong sự giàu có của thành phố.
Những công trình 'độc nhất vô nhị' tại Dubai như tòa nhà cao nhất thế giới (829,8 mét) Burj Khalifa, quần đảo nhân tạo Palm Jumeirah trên vịnh Ba Tư và các dự án đầy tham vọng khác đã đưa Dubai nổi bật trên bản đồ thế giới.
Sự bùng nổ xây dựng không chỉ thu hút các nhà đầu tư mà còn tạo ra việc làm và thúc đẩy các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
- Du lịch: Điểm đến đẳng cấp thế giới - Đóng góp 16% GDP của Dubai
Dubai là điểm đến du lịch hàng đầu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Từ mua sắm xa xỉ đến những cuộc phiêu lưu ly kỳ, Dubai mang đến mọi thứ cho tất cả du khách năm châu muốn ngắm nhìn bờ biển quyến rũ, tắm trong nắng Mặt trời sa mạc và thưởng thức cuộc sống về đêm bất tận.
Với các điểm tham quan như Burj Khalifa, Trung tâm mua sắm Dubai, Safari sa mạc... du lịch đã trở thành nguồn doanh thu quan trọng, đóng góp hàng tỷ đô la cho nền kinh tế của Dubai.
Hiện, Dubai là nơi sinh sống của rất hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới, đến từ hơn 200 quốc tịch khác nhau. Sự sôi động, đa tầng văn hóa đang mang đến trải nghiệm khó quên cho tất cả du khách.
- Hàng không: Kết nối thế giới
Sân bay quốc tế Dubai (DXB) là một trong những sân bay bận rộn nhất trên toàn cầu. Emirates Airlines, có trụ sở chính tại Dubai, đã trở thành hãng hàng không hàng đầu, kết nối thành phố này với hơn 150 điểm đến toàn cầu.
Sự phát triển của ngành hàng không đã đóng vai trò quan trọng trong việc biến Dubai thành ngã tư đường toàn cầu.
- Đổi mới và công nghệ: Hướng tới tương lai bền vững
Như đã đề cập ở trên, trong bối cảnh công nghệ số đang sẵn sàng định hình tương lai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nổi lên như một ngọn hải đăng của sự tiến bộ. Trong đó, Dubai sừng sững như một minh chứng cho những bước tiến đáng kinh ngạc trong công nghệ và đổi mới.
Dubai đã đi đầu trong việc phát triển các thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng bền vững. Cam kết của thành phố đối với tính bền vững được thể hiện rõ trong các sáng kiến như Chiến lược năng lượng sạch Dubai 2050, nhằm mục đích biến Dubai thành trung tâm toàn cầu về năng lượng sạch và nền kinh tế xanh.
Các chuyên gia tài chính quốc tế đánh giá, cốt lõi của sự trỗi dậy mạnh mẽ của Dubai đến từ khả năng lèo lái có tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo Dubai. Từ sự giàu có về dầu mỏ đến nền kinh tế đa dạng, các nhà lãnh đạo của thành phố đã tạo ra một bản thiết kế cho sự thành công, thịnh vượng bền vững, tiếp tục đưa Dubai tiến lên.
Khi Dubai hướng tới tương lai, câu chuyện về sự chuyển đổi nhanh chóng của thành phố này đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các thành phố trên toàn thế giới.
Tham khảo: DAMAC, GulfNews, Britannica, Worldometers