Vợ chồng trẻ choáng vì giá cả leo thang
Làm IT cho một doanh nghiệp lớn, mỗi tháng tiền lương của anh Kiều Văn Quân (27 tuổi, Hà Nội) dao động trong khoảng 23-25 triệu đồng. Còn vợ anh làm trong bộ phận nhân sự của cơ quan nhà nước nên lương chỉ được khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Trước đây, đối với hai vợ chồng trẻ, số tiền 30 triệu cũng được gọi là thoải mái chi tiêu nên hầu như tuần nào anh Quân cũng dẫn vợ ra ngoài hàng ăn 2-3 buổi, tặng vợ váy vóc, quần áo. Chưa kể vợ anh có thói quen thích mua từ đồ ăn, thức uống đến vật dụng trong nhà ở siêu thị chứ không mua ngoài chợ cóc nên mỗi lần "quẹt thẻ" cũng cả triệu đồng.
Nhà ngoại ở khá gần, cách nội thành khoảng 30km nền hầu như cuối tuần nào hai vợ chồng cũng đi xe máy về thăm ông bà. Mỗi lần như vậy cũng phải mua ít đồ ăn ngon hay quà vặt.
Đồ ăn đắt lại cộng phí VAT khiến mỗi lần ăn ngoài hàng đều tốn không ít
Ban đầu, anh Quân thấy cách chi tiêu này cũng không quá hoang phí bởi càng chăm lo được cho vợ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nhưng đến nay khi đã có con nhỏ phải chi tiêu thêm tiền sữa, bỉm, cùng với đó là tiền xăng xe, giá cả thực phẩm đều tăng nhanh thì anh đã được nếm trải áp lực về kinh tế.
Chẳng hạn, mỗi tháng tiền nhà cùng điện nước, dịch vụ mất khoảng 6 triệu; tiền ăn trưa ở cơ quan của hai vợ chồng hết 6 triệu; tiền ăn tối khoảng 4 triệu; tiền xăng xe và phát sinh như cà phê, trà sữa khoảng 3-4 triệu. Như vậy, số tiền "cứng" mỗi tháng phải chi rơi vào khoảng 20 triệu. Số tiền còn lại phục vụ riêng cho em bé. Tuy nhiên, nếu bé bị bệnh phải đi viện, phải mua thuốc thang thì lại không đủ.
Trong tâm lý của một người đàn ông, anh không muốn vợ con phải lo lắng hay nghĩ rằng chồng của mình bất tài không chăm sóc được cho gia đình nên đôi khi anh Quân phải vay mượn thêm để bù đắp vào.
Lâu dần thấy tình trạng này không ổn, anh đã bàn với vợ để thắt chặt chi tiêu hơn. Chẳng hạn, thay vì gọi ship đồ ăn trưa thì hai vợ chồng sẽ nấu cơm rồi mang đi; cắt hết khoản mua trà sữa, cà phê, ăn vặt; mỗi tháng quy định chỉ được ăn ngoài hàng 1-2 lần; giảm tiền mua sắm đồ không cần thiết. Đặc biệt, mỗi tuần về quê sẽ mua sẵn thực phẩm để được rẻ hơn...
Bên cạnh đó, anh Quân cũng nhận thêm công việc buổi tối để thêm thắt cho những khoản bất ngờ phải chi tiêu. Rất may, vợ anh là người hiểu chuyện nên dù đang được "sướng" thì vẫn vui vẻ phải chấp nhận chịu "khổ" để vượt qua thời kỳ bão giá này.
Làm sao để chi tiêu hợp lý trong cơn bão giá?
Dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập của nhiều người dân sụt giảm. Trong khi đó, vật giá các mặt hàng tiêu dùng lại tăng phi mã khiến bất cứ ai cũng buộc phải cân đo đong đếm hơn trong chi tiêu.
Để vượt qua thời kỳ khủng hoảng này, bạn có thể áp dụng một vào mẹo nhỏ được chính các chuyên gia gia đình chia sẻ dưới đây:
Ghi chép mọi khoản chi tiêu
Đây cũng là cách vợ chồng anh Quân áp dụng từ khi thực hiện tiết kiệm. Anh Quân cho biết, cách làm đơn giản chỉ cần dùng sổ tay, Excel hoặc các app quản lý tài chính trên điện thoại.
Thói quen này giúp anh Quân biết mình đang phung phí ở đâu? Khoản nào có thể giảm bớt? Khoản nào nên duy trì và đầu tư....Từ đó, tránh được tình trạng "rỗng ví", "cháy túi".
Chia riêng các khoản tiền để tránh tiêu hoang phí
Bên cạnh đó, anh Quân chia tiền hàng tháng thành 5 phong bì gồm: Tiền thuê nhà; tiền ăn sinh hoạt chung; tiền cho con; tiền phát sinh (đám cưới, ma chay, giỗ chạp...) và một cái là tiền tiết kiệm.
Nguyên tắc là không được tiêu quá số tiền có trong phong bì và luôn cố gắng đến cuối tháng bên trong vẫn có tiền. Số tiền này sẽ được chuyển sang chiếc phong bì số 5, nơi được xem là an toàn tuyệt đối, bất khả xâm phạm.
Săn hàng giá rẻ
Chị Nguyễn Thanh Phương (Thanh Trì, Hà Nội) là giáo viên mầm non chia sẻ, dạo gần đây số tiền chi ra đều nhiều hơn so với các tháng đầu năm và năm ngoái.
"Tôi coi kỹ sổ ghi chép thì thấy không có khoản phát sinh nào quá lớn, số tiền chênh lệch là do giá tăng. Chẳng hạn tiền xăng xe trước kia đổ 70.000 đồng là đầy thì nay phải thành hơn 100.000 đồng.
Do đó, tôi phải thắt chặt hơn, ưu tiên những món hàng được giảm giá hoặc giá thấp nhất. Sữa cho con cũng phải loại rẻ và cắt từ từ vì các con cũng lớn rồi. Nhờ vậy mà gia đình tôi đã kìm được phần nào tốc độ chi tiêu hơn so với trước", chị Phương cho hay.
Lựa chọn mua đồ giảm giá để tiết kiệm
Giảm mua sắm online
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì các sàn thương mại điện tử hay các cửa hàng thời trang, đồ ăn...đều đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Song, tâm lý chung của các chị em khi bước vào thế giới mua sắm là không thể dừng lại được, nên dù thấy số tiền không quá lớn nhưng cộng chung lại để thanh toán thì lại mất một khoản kha khá.
Do vậy để tiết kiệm hơn, vợ anh Kiều Văn Quân hay chị Thanh Phương đều chủ động xóa đi app săn sale, bỏ theo dõi các shop để không bị thu hút bởi những lời quảng cáo đường mật.
Đi làm bằng xe đạp, tàu điện trên cao
Hai tháng nay, anh Ngọc Lâm (30 tuổi) đã bỏ hoàn toàn xe máy và chọn cách di chuyển từ nhà đến chỗ làm bằng tàu điện trên cao vì ở gần bến tàu.
Đi tàu điện và xe đạp để không áp lực tiền xăng xe
"Hôm trước đổ xăng, tôi đến giật mình vì chiếc xe máy LX của tôi chưa bao giờ hết những 190.000 đồng cả. Để thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn bão giá, tôi quyết định chọn mua vé tháng tàu điện với mức giá 200.000 đồng. Loại vé này giúp tôi di chuyển thuận tiện, không bị giới hạn giữa các bến trong lộ trình", anh Lâm cho hay.
Cùng ở cơ quan anh Lâm, vài người cũng đã không còn mặn mà với xe máy và thay bằng xe đạp. Những ngày nắng nóng tuy có hơi vất vả nhưng nếu cố gắng đi làm sớm một chút thì vừa là phương pháp thể dục vừa bớt đi được một khoản đáng kể.