Thời Tam Quốc, Mã Siêu là một trong những mãnh tướng được đánh giá là mạnh nhất với võ nghệ cao cường, từng lập được nhiều chiến công. Tuy nhiên, ông từng bị một tướng sĩ ít người biết tới đánh bại, thậm chí là suýt giết chết. Người đó là ai?
Tiểu tướng đánh bại Mã Siêu, mạnh hơn Trương Phi, Hứa Chử
Vị mãnh tướng bí ẩn mà chúng ta đề cập đến chính là Diêm Hành. Diêm Hành tự là Ngạn Minh sau lấy tên là Diêm Diễm là một viên võ tướng ở Tây Lương. Diêm Hành là người quận Kim Thành, sau lấy tên là Diễm. Từ thuở trẻ Diêm Hành đã có tiếng tăm, lúc đầu làm một viên tướng nhỏ, đi theo Hàn Toại. Năm 186, Hàn Toại mang vài chục vạn quân đánh quận Lũng Tây, thu hàng thái thú Lý Tương Như rồi cùng nhau đánh giết Thứ sử Lương châu là Cảnh Bỉ. Viên tư mã vốn dưới quyền Cảnh Bỉ là Mã Đằng – người đầu quân giúp Cảnh Bỉ từ khi Hàn Toại khởi binh và cũng đã ly khai nổi dậy vì mâu thuẫn với các đồng liêu - đầu hàng Hàn Toại. Từ đó hai người cộng tác với nhau cát cứ ở Lương Châu.
Có Mã Đằng tham gia, lực lượng Hàn Toại càng mạnh. Năm 188, Hàn Toại cùng Mã Đằng mang quân bao vây Trần Thương. Hán Linh Đế sai Hoàng Phủ Tung và Đổng Trác huy động rất nhiều quân đến mới giải vây được. Mã Đằng và Hàn Toại rút quân về.
Năm 189, Hán Linh Đế chết, Hán Thiếu Đế lên thay. Đổng Trác được Hà Tiến triệu vào Lạc Dương dẹp hoạn quan, nhân Hà Tiến chết đã trở thành người thao túng nhà Hán. Mã Đằng và Hàn Toại ở Lương châu bất bình với Đổng Trác bèn khởi binh chống lại. Sau đó, Mã Đằng theo lời dụ của Đổng Trác, quy phục nhà Hán, nhận lời cùng đánh các chư hầu Sơn Đông. Năm 192, Mã Đằng cùng Hàn Toại mang quân vào Trường An theo họ Đổng, thì Đổng Trác đã bị Lã Bố giết chết. Bộ tướng của Trác là Lý Thôi đánh đuổi Lã Bố, chiếm Trường An, giữ Hán Hiến Đế, phong cho Mã Đằng làm Chinh tây tướng quân sai giữ huyện Mi, Hàn Toại làm Trấn tây tướng quân sai giữ Kim Thành.
Khi cát cứ ở Lương Châu, Mã Đằng và Hàn Toại ban đầu rất thân thiết, sau lại cho bộ khúc thâm nhập đất của nhau, đổi thành thù địch. Mã Đằng đánh Hàn Toại, Hàn Toại bỏ chạy, sau đó lại họp binh quay lại đánh Mã Đằng, giết vợ con Mã Đằng, liên quân không hoà giải nổi.
Khi Hàn Toại và Mã Đằng mâu thuẫn, Diêm Hành khi đó là tiểu tướng của Hàn Toại đã dùng mâu kích đấu với Mã Siêu, mâu bị gãy, Diêm tiếp tục dùng mảnh mâu gãy tấn công vào cổ Siêu, chút nữa khiến Siêu mất mạng.
Mã Siêu thuộc hàng Ngũ hổ tướng của Thục Hán, Trương Phi và Hứa Chử từng phải cởi giáp, đổi ngựa mà không thể đánh bại Mã Siêu. Vậy mà Diêm Hành suýt chút nữa giết được Mã Siêu, có thể nói thực lực của ông ta nhỉnh hơn cả Trương Phi và Hứa Chử.
Vị tướng được Tào Tháo ngưỡng mộ
Năm 208, Tào Tháo muốn đi đánh Kinh châu nhưng không yên tâm về Mã, Hàn. Vì vậy trước khi xuống miền nam đánh Kinh châu, Tào Tháo đã nhân danh Hán Hiến Đế triệu Mã Đằng về Hứa Xương bổ nhiệm làm Vệ uý, ngoài mặt là phong chức nhưng kỳ thực để chia cắt với Hàn Toại, còn binh quyền của Mã Đằng giao cho con là Mã Siêu.
Tào Tháo bại trận Xích Bích trở về bắc. Năm 209, Hàn Toại sai Diêm Hành đến chỗ Tào Tháo. Tào Tháo hậu đãi Diêm Hành, cho làm Thái thú Kiện Vi (thuộc Ích châu), lại theo thỉnh cầu của Hành cho cha Hành vào làm Túc vệ. Diêm Hành trở về gặp Hàn Toại truyền lệnh của Tào Tháo gọi Hàn Toại vào kinh. Đồng thời, Diêm Hành cũng khuyên Hàn Toại nên gửi con tin cho Tào Tháo để bày tỏ lòng trung thành với triều đình. Hàn Toại không phản đối nhưng cũng không làm theo, muốn tiếp tục xem xét tình thế mới quyết định. Ông cử một người con đi cùng cha Diêm Hành vào kinh gặp Tào Tháo.
Sau đó, Mã Siêu lại muốn khởi binh phản Tào, báo thù cho cha, Hàn Toại cũng theo Mã Siêu làm phản. Diêm Hành can ngăn Hàn Toại nhưng Hàn Toại không nghe mà xuất binh tham chiến. Tào Tháo biết Diêm Hành đã nhận chức theo mình để chống Hàn Toại, nên chỉ hạ lệnh giết con cháu Hàn Toại ở kinh đô mà không giết cha Diêm Hành. Đồng thời, Tào Tháo lại viết mật thư nhắc Hành chống Hàn Toại.
Trong thư, Tào Tháo bày tỏ sự ngưỡng mộ với Diêm Hành và ngỏ ý muốn mời ông về cùng mình. Tào Tháo có viết: "Mặc dù ta đã giết con trai Hàn Toại nhưng chưa giết phụ thân của ông. Nay phụ thân ông đang tạm thời 'sống' trong ngục, đó không phải một nơi tốt để dưỡng lão. Tướng quân mau đến chỗ ta, vẫn là ông đích thân chăm sóc phụ thân thì tốt hơn".
Hàn Toại muốn lấy lòng Diêm Hành thắt chặt quan hệ, liền gả con gái út cho họ Diêm. Diêm Hành bất đắc dĩ phải lấy. Ông sai Diêm Hành mang quân ra trấn giữ quận Tây Bình.
Tào Tháo nghe tin Diêm Hành lấy con gái Hàn Toại, bắt đầu có ý nghi ngờ Hành. Để minh chứng lòng trung thành, Diêm Hành nhân một buổi đêm mang quân bản bộ tập kích Hàn Toại. Nhưng Hàn Toại vẫn đủ sức chống trả, đánh bại Diêm Hành. Hành bỏ chạy đến hàng Hạ Hầu Uyên.
Năm Công Nguyên 215, Diêm Hành theo Tào Tháo đi đánh Hàn Toại một lần nữa, sau đó không còn bất cứ ghi chép nào liên quan tới vị tướng này.
*Nguồn: Sina, Sohu