Nhằm phục vụ cho ngành nông nghiệp, chăn nuôi phát triển, những năm gần đây, Việt Nam liên tục đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón, đặc biệt là đậu tương.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu gần 1,45 triệu tấn đậu tương trong 8 tháng đầu năm 2024, trị giá khoảng 754,48 triệu USD, tăng 5,2% về lượng, giảm 14% kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình đạt, 521,6 USD/tấn, giảm 18,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng tháng 8/2024 đạt 132.031 tấn, tương đương 66,24 triệu USD, giá trung bình 501,7 USD/tấn.
Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024, đạt 852.614 tấn, tương đương gần 429,21 triệu USD, tăng 15,9% về lượng, nhưng giảm 2,3% kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2023. Quốc gia Nam Mỹ chiếm 59% trong tổng lượng và chiếm 56,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Thị trường lớn thứ 2 là Mỹ, trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 470.501 tấn, tương đương 253,46 triệu USD, chiếm 32,5% trong tổng lượng và chiếm 33,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Canada đứng vị trí thứ 3, đạt 83.221 tấn, tương đương 49,75 triệu USD, chiếm 5,8% trong tổng lượng và chiếm 6,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Đáng chú ý, Campuchia tích cực đưa mặt hàng này về Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Campuchia trong tháng 8/2024 đạt 430 tấn, tương đương hơn 314,7 nghìn USD. Trong khi đó, tháng 8/2023, Việt Nam không thực hiện nhập khẩu từ quốc gia này.
Tính chung 8 tháng, nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 4.178 tấn, tương đương 3 triệu USD, tăng mạnh 1014% về lượng, tăng 932% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương.
Đậu tương cũng là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), bởi là nguyên liệu đầu vào rất khó thay thế trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, một trong những ngành sản xuất thiết yếu tại Việt Nam hiện nay.
Trong báo cáo Tiến độ mùa vụ mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, nông dân Mỹ đã hoàn thành gieo trồng 93% diện tích đậu tương dự kiến, thấp hơn so với năm ngoái nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm.
Giá đậu tương đã đạt mức cao nhất trong hai tháng vào hôm 27/9 khi cơn bão Helene tàn phá mùa màng và cơ sở hạ tầng tại khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch hy vọng thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Mỹ do bão và sự gián đoạn thu hoạch có thể ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu.
Thị trường hiện đang kỳ vọng Mỹ sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm nay, khiến nguồn cung toàn cầu gia tăng. Nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ tăng trở lại và hoạt động gieo trồng đậu tương ở Brazil bị trì hoãn cũng có khả năng hỗ trợ giá đậu tương tăng mạnh trong tương lai.