Gia tăng ở người trẻ
Chị Mai Thuý Quỳnh trú tại thành phố Việt Trì đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát vì thấy người mệt mỏi, sụt cân. Chị Quỳnh kiểm tra tại bệnh viện ở tỉnh bác sĩ kết luận tiểu đường type 2. Chị không tin vì mình mới 29 tuổi.
Chị Quỳnh xuống Hà Nội kiểm tra thêm lần nữa. Tại đây bác sĩ làm xét nghiệm máu cho kết quả đường huyết lúc đói của chị là 138 mg/dL.
Chị Quỳnh vô cùng hoang mang vì từ trước đến nay chị nghĩ khi nào đi tiểu có đường thì đó mới là đái tháo đường. Mặt khác, chị nghĩ mình trẻ thì không thể bị bệnh này được.
Qua tiểu sử bệnh tật, chị Quỳnh chưa bị bệnh lý nào khác. Hai lần sinh con chị đều có tiền sử sinh con to trên 4 kg.
Giáo sư Tạ Văn Bình - Viện trưởng Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa cho biết đây thực sự là mối nguy hiểm vì hầu như phụ nữ sinh con to trên 3,7 kg bác sĩ đều cảnh báo phải theo dõi đái tháo đường type 2 bắt đầu từ sau khi sinh con.
Giáo sư Tạ Văn Bình - Viện trưởng Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa
Theo giáo sư Bình tỷ lệ sinh con to ở phụ nữ như một dấu hiệu về bệnh đái tháo đường trong tương lai.
Không chỉ ở phụ nữ mà ngay cả trẻ em cũng xuất hiện đái tháo đường tuyp 2. Giáo sư Bình kể 1 trường hợp bệnh nhân là nam học sinh 9 tuổi nhưng nặng 90kg và gia đình không có ai bị tiền sử đái tháo đường.
Trường hợp này, giáo sư Bình cho biết cháu bị mắc tiểu đường là do lối sống thiếu lành mạnh như ăn nhiều đồ ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt... dẫn đến bệnh béo phì và tiểu đường.
Tiếc rằng cha mẹ cháu đã không quan tâm kịp thời nên để cháu mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Căn bệnh gây tử vong kinh hoàng
Giáo sư Bình cho biết bệnh đái tháo đường trong những năm gần đây đang là một trong 10 nguyên nhân chính gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo thống kê của Liên đoàn Tiểu đường thế giới, bệnh tiểu đường đã cướp đi mạng sống của 4,6 triệu người mỗi năm.
Và một phép tính cơ bản, nếu tính trung bình thì cứ 6 giây, trên thế giới lại có một người chết vì căn bệnh này.
Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ bệnh tiểu đường lớn nhất thế giới, nhưng bệnh tiểu đường ở Việt Nam phát triển nhanh nhất thế giới.
Một thực tế cho thấy, những người mắc bệnh tiểu đường ở nước ta đang có xu hướng trẻ hóa, thường ở độ tuổi từ 30-65, thậm chí đã có bệnh nhân tiểu đường mới chỉ 9-10 tuổi.
Dù tiểu đường là một căn bệnh được xếp vào hàng nguy hiểm nhưng nhiều người bệnh lại rất thờ ơ, thậm chí là coi thường căn bệnh này. Đặc biệt, có tới 2/3 số người mắc bệnh tiểu đường không biết mình mắc bệnh.
Số người mắc bệnh tiểu đường ở nước ta nhiều khủng khiếp. Điều này khiến cho các khoa nội tiết và chuyển hoá ở các bệnh viện lúc nào cũng quá tải. Đó là còn chưa kể đến 65 % số người chưa đi khám để biết mình mang bệnh.
Mỗi ngày, hầu như Giáo sư Bình lại gặp thêm nhiều bệnh nhân bị tiểu đường, thậm chí có những phụ nữ mới sinh hai con chưa đến tuổi 30 chỉ đi kiểm tra sức khoẻ và tình cơ phát hiện ra bệnh này.
Bệnh đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa có cơ chế bệnh sinh phức tạp, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính kèm theo các rối loạn chuyển hóa glucid, lipid, protid do tình trạng khiếm khuyết insulin, hoạt tính insulin của tụy hoặc cả hai.
Cái khó của việc phát hiện ra bệnh này đó là bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu và vì vậy bệnh thường chẩn đoán muộn khoảng 7-10 năm (chỉ có cách kiểm tra đường máu cho phép chẩn đoán được ở giai đoạn này).
Thường người ta chỉ phát hiện có bệnh khi đã xuất hiện các dấu hiệu của biến chứng như mệt mỏi, sụt cân, hoặc tình cờ khi đi xét nghiệm máu trước khi mổ.
Có khi, người bệnh chỉ phát hiện ra khi có biến chứng nặng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não; khi bị nhiễm trùng da kéo dài; bệnh nhân nữ hay bị ngứa vùng do nhiễm nấm âm hộ; bệnh nhân nam bị liệt dương.
Phòng ngừa bệnh chỉ có cách duy nhất là thay đổi lối sống với chế độ ăn uống và tập luyện thích hợp là nền tảng trong điều trị đái tháo đường như hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá vận động thể lực và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
GS Bình chia sẻ về vấn đề ăn uống của người Việt