Theo thông tin từ VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam), Sport Radar là một tổ chức kiểm soát cá cược hàng đầu, trụ sở đặt tại Thuỵ Sỹ và có nhiều văn phòng ở các quốc gia trên thế giới. Sport Radar là đối tác của nhiều quốc gia, các giải đấu của FIFA, AFC…với khả năng nhận định các dấu hiệu bất thường, cung cấp số liệu, bằng chứng của từng trận đấu.
Nhưng nếu xét ở góc độ và đến thời điểm hiện tại, khi đến Việt Nam đối tác của VPF có vẻ như đang "tắt điện". EURO 2016 vừa qua là giai đoạn cao điểm của những ngờ vực bao trùm trên sân cỏ V.League. Nhiều trận đấu diễn biến bất thường, với kết quả khiến giới mộ điệu và người trong cuộc đều phải nghi ngờ.
Số lượng bàn thắng tăng vọt đã làm dấy lên nghi vấn, V.League đang "nổ tài". Báo chí khi đó đặt vấn đề về hiệu quả của Sport Radar với Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng. "Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa phát hiện thấy có cơ sở nào để khẳng định V.League có tiêu cực"-ông Chóng cho biết dựa theo dữ liệu từ Sport Radar cung cấp.
"Thắng hay thua độ đều được thanh toán bằng "tiền tươi, thóc thật" thì việc quản lý dữ liệu của Sport Radar không thể theo được. Ngoại trừ cơ quan điều tra có nghiệp vụ riêng, còn lại đều chỉ mang tính hỗ trợ", một cựu cầu thủ nhiều năm ở V League
Một cựu cầu thủ từng lăn lộn nhiều năm ở V.League cho biết, với các cách thức cá độ của bóng đá Việt Nam hiện nay thì Sport Radar khó lòng giúp VPF thu thập được những chứng cứ xác thực đủ khả năng đem ra để xử lý các đối tượng vi phạm.
"Thắng hay thua độ đều được thanh toán bằng "tiền tươi, thóc thật" thì việc quản lý dữ liệu của Sport Radar không thể theo được. Ngoại trừ cơ quan điều tra có nghiệp vụ riêng, còn lại đều chỉ mang tính hỗ trợ" - cầu thủ trên cho biết.
Ý kiến này cũng trùng với thừa nhận của Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng, là Sport Radar chỉ kiểm soát được các hoạt động bóng đá liên quan đến internet. Theo ông Chóng, dù vậy đây là những cơ sở đầu tiên để VPF cùng với cơ quan điều tra có những bước đi tiếp theo trong việc ngăn ngừa, phát hiện tiêu cực ở V.League.
Một quan chức cao cấp VPF khác cho biết thêm, bóng đá Việt Nam có những "bệnh" riêng, khó xử lý bằng luật pháp. Trầm kha nhất chính là thứ "bóng đá tình cảm", tồn tại qua cả chục năm và hiện cũng chưa hoàn toàn chấm dứt.
Một CLB đã ở vị trí an toàn hoàn toàn có khả năng "buông" để đối thủ đang cần điểm trụ hạng giành chiến thắng. Thực tế, VFF trước đây và VPF hiện nay đều nhận định được những trận đấu kiểu trên, nhưng không thể "bắt tận tay, day tận trán" vì thiếu chứng cứ.
"Trên sân, cầu thủ chỉ cần đưa mắt với nhau là tự hiểu. Ra ngoài thì không có giao dịch về tiền bạc, không thể có cơ sở nào để xử lý, ngoại trừ việc kêu gọi CLB, cầu thủ nâng cao ý thức chuyên nghiệp"-quan chức VPF trên cho hay.
Chuyện cầu thủ móc ngoặc với nhau, bán độ ở các trận đấu của V.Leauge và cả quốc tế cũng không hiếm. Mùa giải nào cũng xuất hiện những trận đấu "khét lẹt" mùi. Hai vụ việc lớn nhất bị đem ra ánh sáng tới nay là vụ bán độ ở CLB Ninh Bình và Đồng Nai, đều trong năm 2014.
Tuy nhiên, người trong cuộc thì biết rằng, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Từ đó đến nay, V.League chưa phát hiện thêm vụ việc nào tương tự, nhưng vẫn không ai trong số những người làm bóng đá Việt Nam dám khẳng định giải đấu thực sự "sạch".
Tác động tiêu cực của nó như thế nào thì đã rõ. Qua nhiều phen bị đem ra thử thách, ngày càng nhiều người hâm mộ đánh mất tình yêu với bóng đá quốc nội. Các sân cỏ V.League cứ ngày càng vơi dần, bất chấp lời kêu gọi từ phía những người làm bóng đá.
Tình yêu không thể cưỡng cầu, mà luôn cần sự hướng đến nhau từ hai phía. Thật khó để đòi hỏi các CĐV có thể duy trì tình yêu, sự ủng hộ đối với bóng đá Việt Nam, nếu mỗi lần đến sân đều mang sự hoài nghi và cảm giác bị diễn kịch ra về.