Tiêu chuẩn khắt khe
Ngoài những tiêu chuẩn để trở thành đặc công biển nói trên, những đặc công biển phải bơi được ít nhất là 12 km trên biển và lặn trong 3 phút. Được biết, 98% quân số các đơn vị được tuyển chọn từ các tỉnh ven biển theo các yêu cầu đặc biệt, cao hơn hẳn các quân binh chủng khác.
Yếu tố sức khỏe là quan trọng nhất đầu vào. Để thành chiến đấu viên của lực lượng đặc công biển, phải tuyển chọn khắt khe như vào phi công, bộ đội tàu ngầm.
Không chỉ có quy trình tuyển chọn khắt khe, ngay tiêu chuẩn ăn của lực lượng này cũng đặc biệt với 4 chế độ khác nhau, dành cho bộ binh, đặc công nước - chống khủng bố, đặc công người nhái và hải đội tàu.
Đặc thù nhiệm vụ đó đòi hỏi việc khám tuyển đặc công người nhái phải được thực hiện rất khắt khe. Chiều cao đặc công người nhái không dưới 1,65 m; trọng lượng cơ thể không dưới 52 kg; lực bóp tay yếu nhất không dưới 35 kg; lực kéo không dưới 200% trọng lượng cơ thể…
Ngoài ra, để có thể làm đặc công người nhái, các ứng viên còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn chức năng sinh lý về hệ tim mạch, hệ hô hấp, mắt, tiêu hóa…
Đặc công nước đã đặc biệt và lực lượng đặc công biển còn đặc biệt hơn, bởi ngoài các nội dung huấn luyện, rèn luyện như đặc công nước, họ còn phải huấn luyện những bài tập riêng.
Tính nguy hiểm của đặc công biển rất cao, nhất là phải đối mặt với các loại sinh vật biển nguy hiểm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc công người nhái phải đặc biệt dũng cảm; kỹ, chiến thuật đặc biệt điêu luyện; thể lực đặc biệt dẻo dai và đặc biệt mưu trí, thông minh, linh hoạt.
Đặc công biển ít, quý và đặc biệt cần thiết nhưng tuổi nghề không dài. Thường thì độ tuổi để có sức khỏe tốt nhất cho đặc công biển hoàn thành nhiệm vụ không quá 35 tuổi hoặc cùng lắm đến 40 tuổi.
Quá trình khổ luyện
Để trở thành chiến sĩ đặc công biển thực thụ, công tác đào tạo phải mất 2 năm. Kỹ năng của những người nhái đặc công cần phải có: Bơi không tiếng động liên tục tối thiểu 10km, lặn xa tối đa 1.000 m, chịu sóng cực tốt để có thể lặn sâu và đi máy bay hay tàu ngầm đều được.
Đặc công nước Việt Nam còn phải biết biết sử dụng thuần thục những vũ khí hạng nặng để tấn công khi nước ngoài xâm phạm lãnh hải, trong tình huống khó khăn nhất có thể ngụy trang chỉ trong 1-2 phút. Để bộ đội có thể bơi liên tục từ 12-15km trên biển, các chiến sĩ phải mất rất nhiều công sức huấn luyện cả thể chất lẫn tinh thần.
Cán bộ các cấp thường xuyên theo sát, cùng tập, cùng lặn, cùng bơi với chiến sĩ; tổ chức huấn luyện thực hành ngày đêm, kỹ thuật vượt qua dòng chảy, lách tránh sinh vật biển và rèn cả phương pháp xử trí khi bị trầy xước không để chảy máu thu hút những loài vật nguy hiểm bám theo.
Tất cả những kỹ năng đó người chiến sĩ đặc công nước phải thuần thục, độc lập xử trí để bảo đảm an toàn, hoàn thành nhiệm vụ một cách chính xác, hiệu quả, trong thời gian ngắn nhất.
Khắc nghiệt nhất của khóa huấn luyện là "ép nhái". Chiến sĩ được đưa vào một buồng tăng, giảm áp, điều chỉnh áp suất bằng với áp suất nước biển ở độ sâu tương ứng.
Quy trình này được tuân thủ nghiêm ngặt để rèn luyện sức chịu đựng của bộ đội khi lặn ở từng độ sâu khác nhau. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất để có thể lựa chọn được những người nhái đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong buồng tăng, giảm áp, sức ép sẽ làm cho lồng ngực có cảm giác như sắp vỡ tung ra, gây khó thở, khó chịu vô cùng. Nhưng đã là người nhái thì nhất thiết phải trải qua công đoạn này mới có thể lặn được ở độ sâu hàng chục mét, nếu không sẽ hy sinh bất cứ lúc nào khi thực hiện nhiệm vụ trên biển.