Tiêu chảy là một loại bệnh với các dấu hiệu đặc trưng như phân lỏng, khối lượng phân nhiều hơn và tần số đi đại tiện tăng lên.
Mặc dù tiêu chảy là một chứng bệnh thường gặp, nhưng trong một số trường hợp, tình trạng này có thể là tín hiệu cảnh báo ung thư.
Ung thư ruột: Tiêu chảy vào sáng sớm
Rối loạn trong thói quen đi vệ sinh là biểu hiện phổ biến của ung thư trực tràng. Đó có thể là đại tiện không đều đặn; tiêu chảy vào sáng sớm; táo bón và tiêu chảy kéo dài nhiều ngày hoặc diễn ra xen kẽ, không có quy luật.
Đặc biệt, khi tiêu chảy đi kèm với các triệu chứng như đại tiện ra máu, thiếu máu không rõ nguyên nhân, giảm cân đột ngột, mệt mỏi…rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư ruột.
Ung thư dạ dày: Tiêu chảy, buồn nôn, trào ngược axit
Biểu hiện sớm của ung thư dạ dày thường khó phân biệt, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của viêm ruột, viêm dạ dày. Do đó, bệnh nhần thường phớt lờ việc đi khám sớm.
Tuy nhiên, chúng ta cần cảnh giác nếu thấy cơ thể xuất hiện tình trạng tiêu chảy đột ngột không rõ nguyên nhân, phân có màu đen, cùng với đó là các hiện tượng như chán ăn, mệt mỏi, nôn mửa, dạ dày nóng, đau bụng.
Đặc biệt, những người trung niên từ độ tuổi 40 trở đi hoặc người có tiền sử mắc viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính, việc nội soi dạ dày định kỳ là rất cần thiết.
Ung thư gan: Tiêu chảy, đau bụng
Một nghiên cứu đã chỉ ra trước khi được chẩn đoán chính xác, 50% số bệnh nhân mắc ung thư gan đều có xuất hiện dấu hiệu tiêu chảy. Hiện tượng này xảy ra từ 2-20 lần/ngày.
Các chuyên gia y tế khẳng định, mặc dù không phải là biểu hiện đặc trưng, nhưng tiêu chảy cũng được coi là một dấu hiệu của ung thư gan.
Vì vậy, những người lớn tuổi, đặc biệt là các đối tượng có tiền sử mắc xơ gan hoặc viêm gan siêu vi.
Nếu thấy vùng gan sưng to, đau nhức, phía trên bụng phải không được khỏe, kèm theo cảm giác chán ăn, giảm cân sụt giảm thì nên đến bệnh viện siêu âm để kiểm tra chức năng gan càng sớm càng tốt.
Ung thư tuyến tụy: Tiêu chảy mãn tính
Do vị trí của tuyến tụy bị che khuất bởi dạ dày và đại tràng, nên những kiểm tra thông thường khó có thể phản ánh chính xác tình trạng bất ổn của cơ quan này. Bởi vậy, tỷ lệ chẩn đoán sớm ung thư tuyến tụy là rất thấp.
Khi tuyến tụy tiết dịch không bình thường hoặc bị viêm, thậm chí bị ung thư, người bệnh thường có biểu hiện tiêu chảy mãn tính.
Là một trong số các dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tụy, tiêu chảy mãn tính có các đặc trưng như thời gian tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần, bị dai dẳng, có thể tạm ngưng sau đó tái phát trở lại.
Tình trạng chung của bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy mạn tính là phân lỏng, không quá nhiều nước, có khi phân sền sệt.
Vì vậy, khi phát hiện thấy các dấu hiệu như tiêu chảy nhiều lần, phân có nhiều chất béo, tiêu hóa không ổn định, thắt lưng đau đớn, phần bụng trên khó chịu, giảm cân không rõ nguyên nhân…người bệnh nên đi khám ngay.
Các đối tượng nghiện thuốc lá, viêm tụy mãn tính hoặc gia đình từng có người mắc ung thư tuyến tụy là cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.
*Theo Sina Health