Tiết lộ vũ khí Mỹ bị Nga hạ gục dễ dàng khiến Ukraine phải dừng sử dụng

Kiều Anh/VOV |

Theo các báo cáo, một loại vũ khí dẫn đường chính xác mới của Mỹ đã bị quân đội Ukraine ngừng sử dụng vì Nga đang loại bỏ chúng bằng tác chiến điện tử.

Các quan chức Ukraine và phương Tây nhận định với Wall Street Journal rằng Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do Boeing và công ty Saab của Thụy Điển sản xuất đã hỏng và không còn được sử dụng.

GLSDB là một quả bom dẫn đường có tầm bắn hơn 150km nhờ đôi cánh nhỏ kéo dài từ thân. Năm 2022, các tài liệu quảng bá loại bom này cho biết, hệ thống định vị của nó "được hỗ trợ bởi GPS có khả năng chống nhiễu cao".

Tiết lộ vũ khí Mỹ bị Nga hạ gục dễ dàng khiến Ukraine phải dừng sử dụng- Ảnh 1.

Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất. Ảnh: Saab AB

Theo Business Insider đưa tin trước đó, Ukraine đã nhận được loại bom này vào đầu tháng 2 sau nhiều tháng yêu cầu cung cấp vũ khí với hy vọng bắn trúng các mục tiêu ở những khu vực như Crimea.

Vào tháng 4/2024, Defense One dẫn lời quan chức cấp cao Lầu Năm Góc Bill LaPlante cho biết, phiên bản phóng từ mặt đất của vũ khí không đối đất này đã trở nên dễ bị tấn công bởi các hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Trang này nhận định, có thể quan chức Mỹ đang đề cập đến GLSDB.

"Khi bạn cung cấp thứ gì đó không hiệu quả cho những người đang trong cuộc giao tranh sinh tử thì họ sẽ thử nó 3 lần và ném nó sang một bên", ông LaPlante nói, đồng thời cho biết Ukraine không còn quan tâm đến loại vũ khí này.

Một tháng sau, 3 nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nhận định với Reuters rằng hệ thống dẫn đường của quả bom đã bị các hệ thống của Nga gây nhiễu, khiến cho nhiều vụ phóng trượt mục tiêu.

Wall Street Journal cho biết, các vũ khí này được dẫn đường bằng GPS, tức là Nga có thể gây nhiễu tín hiệu của chúng từ xa bằng các phương tiện tác chiến điện tử tinh vi của mình. Đây là một trong những loại vũ khí dẫn đường chính xác của Mỹ mà Nga có thể vô hiệu hóa hoặc làm giảm hiệu quả của việc sử dụng tác chiến điện tử tại Ukraine.

Các đơn vị tác chiến điện tử của Nga đã làm giảm hiệu quả của tên lửa phóng từ hệ thống pháo phản lực HIMARS và Đạn Tấn công Trực diện Phối hợp (JDAM) phóng từ trên không.

Business Insider đưa tin vào tháng 5 rằng Mỹ đang nghiên cứu cách giải quyết vấn đề này nếu chiến tranh nổ ra với một cường quốc quân sự.

Nga được cho là có khả năng thích nghi nhanh chóng để đối phó với mối đe dọa từ các vũ khí tinh vi do Mỹ sản xuất. Tại Ukraine, đạn pháo kiểu cũ, không dễ bị tấn công bởi tác chiến điện tử, đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột tiêu hao trên tiền tuyến.

Các nước phương Tây cũng đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ đạn pháo cho Ukraine, trong khi Nga tăng cường sản xuất đạn pháo và được cho là đang tìm thêm nguồn cung từ bên ngoài.

Sau khi Nga đạt được bước tiến vào đầu năm nay khi gói hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine bế tắc tại Quốc hội, việc nối lại dòng viện trợ mới đây đã khiến Ukraine có thể làm chậm lại các bước tiến này và cuộc xung đột lại một lần nữa rơi vào bế tắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại