Doanh nghiệp tỷ USD
Ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh và hai con gái là bà Trần Uyên Phương, bà Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát. Trong đó, ông Thanh và bà Phương bị bắt tạm giam .
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đến nay có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát của ông Trần Quí Thanh được thành lập từ năm 1994, tiền thân là nhà máy bia Bến Thành. Tân Hiệp Phát đang sở hữu hơn 40 loại sản phẩm như nước tăng lực Number 1, trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, sữa đậu nành Soya, nước uống Number 1…
Nhà máy Tân Hiệp Phát ở tỉnh Bình Dương bị công an phong tỏa chiều 10/4.
Lâu nay, thành công của Tân Hiệp Phát luôn gắn liền với hình ảnh của ông Trần Quí Thanh. Đây là một trong số những doanh nhân hiếm hoi dùng hình ảnh của mình làm thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, ông Thanh lại không hề sở hữu cũng như nắm giữ các chức vụ của Tân Hiệp Phát.
Mới đây, ông Trần Quí Thanh đảm nhận chức vụ tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát. Ngoài ra, còn có ông Riddle David Charles (73 tuổi, quốc tịch Anh) làm phó tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật và bà Trần Ngọc Bích làm Giám đốc.
Tại thời điểm ngày 9/9/2022, Công ty Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1.706 tỷ đồng với các cổ đông, gồm bà Phạm Thị Nụ nắm 54,49% vốn điều lệ, bà Trần Uyên Phương nắm 29,38% vốn điều lệ, bà Trần Ngọc Bích nắm 16,12% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến ngày 22/9/2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát giảm còn 276 tỷ đồng nhưng các tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Thanh không thay đổi.
Người con duy nhất của gia tộc ông Trần Quí Thanh tên Trần Quốc Dũng không tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình mà lập công ty riêng, chuyên kinh doanh về collagen.
Ngoài nhà máy sản xuất chính đặt tại Bình Dương, các sản phẩm đồ uống của Tân Hiệp Phát còn được sản xuất tại các công ty thành viên như Number 1 Hà Nam, Number 1 Chu Lai, Number 1 Hậu Giang. Các công ty này đều do gia đình ông Trần Quí Thanh trực tiếp sở hữu thay vì do Công ty Tân Hiệp Phát góp vốn.
Năm 2014, Tân Hiệp Phát đạt doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 930 tỷ đồng và lãi sau thuế 730 tỷ đồng.
Năm 2019, chỉ riêng nhà máy tại Bình Dương, Tân Hiệp Phát đã ghi nhận doanh thu đạt 5.850 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 648 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lợi nhuận giữ lại chiếm phần lớn, đạt hơn 472 tỷ đồng.
Theo Bloomberg, trong năm 2019, ông Trần Quý Thanh cho biết đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để có thể đầu tư 3 tỷ USD, giúp Tân Hiệp Phát trở thành một “Red Bull” tiếp theo trong khu vực. Đối tác mới bên cạnh việc phải chịu chi còn cần có “bí quyết trong ngành” hoặc hệ thống phân phối, chứ không chỉ là một nhà đầu tư cổ phần.
Lúc đó, Tân Hiệp Phát kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi, lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD.
Một khu đất ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà bà Trần Ngọc Bích trúng đấu giá. Sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị thẩm tra lại hành vi của người trúng đấu giá.
Kế hoạch mới của Tân Hiệp Phát diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đã rót 500 triệu USD cho 3 nhà máy, và dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD nữa cho giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, theo Forbes, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ CocaCola với lý do hai bên có tầm nhìn khác nhau.
Trong một chương trình truyền hình có tên “The Successors” - Người kế nghiệp, bà Trần Uyên Phương - Phó Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã được gọi tên là “người kế nghiệp” của công ty này. Ông Trần Quí Thanh đã đặt mục tiêu cho người kế nghiệp của mình là đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2030.
Lấn sân qua bất động sản
Tích lũy nguồn tiền mặt lớn từ mảng đồ uống, gia tộc Trần Quí Thanh những năm gần đây bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với những động thái mạnh mẽ.
Tháng 6/2018, ông Trần Quí Thanh xuất hiện trong vai trò thành viên ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM, chia sẻ ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các hội viên khi họ thiếu vốn cho các dự án.
Trước đó, vào tháng 3/2018, giới chủ Tân Hiệp Phát đã thể hiện sự nhạy bén khi thành lập Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Với lượng tiền mặt lớn, Tân Hiệp Phát sở hữu một lợi thế đáng kể về nguồn lực để tham gia các thương vụ xử lý nợ xấu cho các ngân hàng, qua đó nhận về các tài sản bảo đảm mà phổ biến hơn cả là các bất động sản.
Ông Trần Quí Thanh và Trần Uyên Phương bị bắt tạm giam vào ngày 10/4.
Đặt trụ sở chính tại số 194 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TPHCM), Công ty VNAMC có vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, chia đều cho bà Trần Ngọc Bích và bà Trần Uyên Phương. Trong đó, bà Trần Ngọc Bích đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc tại VNAMC.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi thành lập VNAMC, tháng 4/2019, gia đình ông Trần Quí Thanh thành lập liên tiếp hơn chục công ty có đăng ký hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, với tổng vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các pháp nhân bất động sản kể trên đều đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế.
"Khẩu vị" của Tân Hiệp Phát khi tiến vào lĩnh vực bất động sản cũng có nhiều khác biệt khi nhắm vào những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất. Với chiến lược này, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều lô “đất vàng” tại Đà Nẵng, TPHCM và Vũng Tàu.
Ngoài ra, bà Trần Ngọc Bích cũng đã chi cả trăm tỷ đồng để tham gia đấu giá các khu đất có vị trí đắc địa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, gia tộc Trần Quí Thanh liên tục dính lùm xùm trong nhiều vụ đấu giá đất, mua bán đất đai ở TPHCM, Đồng Nai…