Hiện tại, các "hổ lớn” như cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng hay cựu Chủ tịch văn phòng trung ương Lệnh Kế Hoạch đều đang bị giam giữ ở nhà tù "bí ẩn số 1" Trung Quốc này.
Số liệu của Trung Quốc cho biết, từ năm 2004 tới 2014, có hơn 100 quan chức cấp cao tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên bị giam giữ tại đây.
Trước đó, các quan chức tham nhũng cấp cao như cựu Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng hay cựu Bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ cũng bị giam tại đây. Trong khi các quan chức cấp thấp và thường phạm sẽ bị giam ở Nhà tù Yên Thành (Tam Hà, Hà Bắc).
Bởi vậy dư luận Trung Quốc đã gọi nhà tù Tần Thành là “Câu lạc bộ” của các quan chức tham nhũng cấp cao.
Lịch sử nhà tù
Tiền thân của nhà tù Tần Thành là nhà tù Công Đức Lâm do Quốc dân đảng xây dựng từ năm 1915. Nơi đây từng giam giữ các nhà hoạt động chính trị Lý Đại Chiêu - một trong những người sáng lập nên đảng cộng sản Trung Quốc
Sau khi nước Trung Quốc mới thành lập năm 1949, Bộ trưởng Bộ công an La Thụy Khanh đã chỉ thị cho các cán bộ cấp dưới tiến hành khảo sát, cải tạo và xây dựng nhà tù mới.
Trên cơ sở của nhà tù Công Đức Lâm, Bộ công an Trung Quốc đã tìm thêm địa điểm ở gần đó - thuộc thôn Tần Thành, khu Xương Bình, dưới chân núi Yên Sơn và Thập Tam Lăng, Bắc Kinh - để mở rộng diện tích xây dựng. Vì vậy, nhà tù Công Đức Lâm đổi tên thành nhà tù Tần Thành.
Năm 1958, nhà tù bắt đầu khởi công xây dựng, công trình này nằm trong 157 dự án do Liên Xô viện trợ chính phủ Trung Quốc.
Tới ngày 15/3/1960 công trình hoàn thành với bốn tòa nhà ba tầng được đánh số từ 201 tới 204. Tới năm 1967, do số lượng phạm nhân tăng lên nên Bắc Kinh phải xây thêm sáu tòa nhà nữa.
Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976), các cán bộ lãnh đạo ĐCSTQ bị quy tội phản cách mạng tăng lên nên nhà tù lại xây dựng thêm hai tòa nhà bốn tầng nữa.
Kể từ khi hình thành là nhà tù Công Đức Lâm tới nhà tù Tần Thành, được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (thế kỷ 19 tới thập kỷ 50, 60 của thế kỷ 20): Phạm nhân bị giam giữ trong nhà tù chủ yếu là những quan chức của chính quyền Mãn Thanh, các sĩ quan quân đội Nhật Bản và Quốc dân đảng, bao gồm cả cấp hàm từ Thiếu tướng trở lên.
- Giai đoạn 2 (thời kỳ Cách mạng văn hóa): Phạm nhân bị giam giữ trong nhà tù này là các cán bộ lãnh đạo ĐCSTQ bị quy kết là “phần tử phản cách mạng” như vợ chồng Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ hay thậm chí nguyên Cục trưởng Cục công an Bắc Kinh Phùng Cơ Bình - người chủ trì công tác xây dựng nhà tù và Bộ trưởng Công an La Thụy Khanh cũng bị giam giữ tại đây.
- Giai đoạn 3 (thập kỷ 70, 80 thế kỷ 20): Phạm nhân bị giam giữ chủ yếu là "bè lũ bốn bên" Giang Thanh, Trương Xuân Kiều... và thân tín của nhóm này.
- Giai đoạn 4 (đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 tới nay): Phạm nhân bị giam giữ là các cán bộ lãnh đạo cấp cao dính líu tới tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên, nhất là từ năm 2012 tới nay khi cuộc chiến chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ.
Những cán bộ lãnh đạo cấp cao này tuy không bị lao động khổ sai nhưng hàng tuần từ thứ Hai tới thứ Sáu, mỗi ngày phải dành 5 tiếng đồng hồ để tự kiểm điểm và cuối tuần viết bản thu hoạch về mức độ thành khẩn cải tạo.
Buổi tối từ 7 giờ tới 9 giờ, họ sẽ được xem tivi, đọc báo để biết tình hình trong và ngoài nước.
Tờ báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo ngày 5/12/2015 viết: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn tiếp tục đi trên con đường dài” và “vẫn còn nhiều 'hổ' ở phía trước”.
Tiếp đó, ngày 28/12/2016, Bộ chính trị ĐCSTQ họp xác định công tác xây dựng liêm chính và chống tham nhũng trong đảng, trong đó nhấn mạnh tiếp tục duy trì, đẩy mạnh chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc ở mức độ cao.
Trong thông điệp đầu năm 2017 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh việc tăng cường chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", thanh lọc tác phong nội bộ đảng.
Dư luận Trung Quốc cho rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới và “Câu lạc bộ quan chức cấp cao tham nhũng” trong Nhà tù Tần Thành sẽ đông hơn hiện nay./.