Thiếu Lâm tự không chỉ nổi tiếng với điểm đến nổi tiếng về Phật giáo mà còn vang danh khắp Á-Âu vì là nơi có nhiều bậc cao thủ võ thuật từ môn phái mang chính tên của ngôi chùa cổ kính này.
Nếu thường xuyên xem những bộ phim võ thuật của Hồng Kông, Trung Quốc thì chắc hẳn nhiều người đều biết đến cái tên chùa Thiếu Lâm và đặc biệt là những tuyệt kỹ "uy chấn thiên hạ" của võ phái Thiếu Lâm được các bậc cao thủ từng phô diễn trên màn ảnh, trong đó xuất hiện khá nhiều trong những tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung.
Lưu Gia Huy, ngôi sao võ thuật nổi tiếng trên màn ảnh của Trung Quốc. Ảnh: Internet
Trên thực tế, những đề tài về võ thuật và đặc biệt là liên quan tới Thiếu Lâm tự luôn là chủ đề hấp dẫn đối với những "mọt phim" yêu thích võ hiệp. Theo đó, bộ phim "Thiếu Lâm tam thập lục phòng" (hay còn gọi là Phòng thứ 36 của Thiếu Lâm) là bộ phim võ thuật Hồng Kông rất nổi tiếng của đạo diễn Lưu Gia Lương và được công chiếu lần đầu năm 1978.
Trong bộ phim này có đề cập đến quá trình rèn luyện gian nan của thiền sư tên là Sơn Đức (do diễn viên Lưu Gia Huy đảm nhận) khi ông phải trải qua khổ luyện trong 35 căn phòng ở Thiếu Lâm, trong đó mỗi phòng lại tập trung vào một kỹ năng võ thuật riêng biệt.
Ngoài ra, vị thiền sư này cũng chính là người thành lập căn phòng thứ 36 trong chùa Thiếu Lâm để đón nhận những đệ tử tục gia tới tập luyện võ thuật nhằm tự bảo vệ bản thân. Bộ phim đã gây được tiếng vang lớn và có ảnh hưởng không nhỏ đến những bộ phim võ thuật ở Hồng Kông sau đó.
Thiếu Lâm tự nổi tiếng với nhiều cao thủ võ thuật.
Tuyệt kỹ võ công của Thiếu Lâm Tự: Giải mã con số 36
Đáng chú ý là không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm phim lại lựa chọn con số 36 trong những tác phẩm của mình. Nguyên nhân là "36" vốn là một biểu tượng từ thời xa xưa trong võ thuật Trung Quốc. Con số này gắn liền với nhiều bí mật sâu xa trong hệ thống những chiêu thức chiến đấu lâu đời và nguy hiểm bậc nhất của võ phái Thiếu Lâm.
Theo một số ghi chép lịch sử, Thất thập nhị huyền công niên tuyệt kỹ (hay còn gọi là 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm tự) được chia ra làm 2 nhóm, mỗi loại gồm 36 tuyệt kỹ về nội công và ngoại công.
Khổ luyện trong một thời gian dài là việc mà các võ tăng Thiếu Lâm cần phải làm nếu muốn thành thạo các tuyệt kỹ.
Trong lý luận Triết học của Trung Hoa, con số 72 (Địa sát) và 36 (Thiên cương) có ý nghĩa đặc biệt và ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống và văn hóa của người dân trong suốt thời gian dài.
Do đó, người xưa chọn sử dụng số 36 và 72 nhằm xác định về số lượng chiêu thức hay các đòn thế tuyệt kỹ trong nhiều hệ thống võ học khác nhau.
Nhiều tuyệt kỹ võ công Thiếu Lâm nổi tiếng từng xuất hiện trên phim ảnh.
Để thành thạo 72 tuyệt kỹ này, những võ tăng Thiếu Lâm phải trải qua hành trình tập luyện khắc nghiệt, đòi hỏi cả sự bản lĩnh, siêng năng và đặc biệt là đức tính kiên trì, bài trừ tạp niệm.
Nhiều tuyệt kỹ võ công nổi tiếng của Thiếu Lâm tự có thể kể đến như Thiết tý công (hay còn gọi là ngón tay sắt), Thiết tảo công, Cước thích công, La hán công, Thiết đầu công, Ưng dực công, Nhất chỉ kim cương pháp, Ngọa hổ công, Cáp mô công,...
Chùa Thiếu Lâm hay Thiếu Lâm tự, là ngôi chùa nằm ở trên núi Tung Sơn, Đăng Phong, Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Được thành lập từ thế kỷ thứ 5, Thiếu Lâm tự nổi tiếng về Phật giáo Thiền tông và võ thuật Trung Hoa, trong đó đặc biệt là Võ Thiếu Lâm (còn gọi là Thiếu Lâm Quyền hay Thiếu Lâm Công Phu).
Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientorigins, Shaolin