Tiết lộ từ Đại sứ Nga tại Mỹ: Thực hư ông Putin tiến gần hòa bình với Ukraine, sẵn sàng rút quân

Tùng Chi |

Đại sứ Nga tại Mỹ đã có cuộc phỏng vấn với tạp chí Newsweek Mỹ để nói về thông tin "ông Putin sẵn sàng ngừng xung đột với Ukraine".

Ông Putin tiến gần đến hòa bình với Ukraine?

Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), trong bối cảnh xuất hiện những thông tin cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc thỏa thuận ngừng bắn mới với Ukraine, tạp chí này đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov để làm rõ: Điện Kremlin đang ở vị trí nào trước triển vọng chấm dứt "cuộc chiến tranh nguy hiểm nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ qua".

Trước đó, hôm 24/5, hãng tin Reuters (Anh) dẫn 4 nguồn tin Nga cho biết, ông Putin sẵn sàng ngừng xung đột với Ukraine bằng một lệnh ngừng bắn thông qua đàm phán có công nhận đường giới tuyến chiến trường như hiện nay.

Ba trong số các nguồn tin là chỗ thân cận với đội ngũ tùy tùng của Tổng thống Putin. Họ nói rằng nhà lãnh đạo Nga đã chia sẻ với nhóm cố vấn của mình sự khó chịu trước các nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn cản đàm phán, cũng như quyết định của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm loại trừ đàm phán với Nga.

Một trong các nguồn tin cho biết: "Ông Putin có thể yêu cầu binh sĩ tiếp tục chiến đấu chừng nào cần thiết, nhưng ông cũng sẵn sàng cho việc đình chiến, hay nói cách khác là đóng băng cuộc chiến".

Tiết lộ từ Đại sứ Nga tại Mỹ: Thực hư ông Putin tiến gần hòa bình với Ukraine, sẵn sàng rút quân- Ảnh 1.

Theo ông Antonov, không thể có cuộc thảo luận nào về vấn đề 'đóng băng xung đột' với Ukraine vào thời điểm này. Ảnh: Newsweek

Các quan chức ở Washington tỏ ra hoài nghi trước thông tin Moscow thực sự tìm kiếm giải pháp thương lượng để chấm dứt xung đột. Bình luận về vấn đề này với Newsweek, Đại sứ Anatoly Antonov cho biết: "Moscow nhìn nhận các phát biểu của đại diện chính quyền Mỹ về việc 'Nga thiếu sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine' là một nỗ lực nhằm làm xáo trộn mọi thứ".

Vào thời điểm quân đội Nga đã đạt được những thắng lợi quan trọng đối với Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine, và phá vỡ tình trạng bế tắc kéo dài suốt 1 năm qua, ông Antonov tuyên bố rằng, "không thể có cuộc thảo luận nào về vấn đề 'đóng băng xung đột', và Tổng thống Nga 'không đề cập bất cứ điều gì tương tự như thế này'".

"Tôi xin nhấn mạnh rằng, bất cứ thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine đều phải tính đến tình hình 'trên thực tế'.

Việc rút lui hoặc rút bớt lực lượng vũ trang Nga về các đường phân chia giả định bị loại trừ. Hãy để chúng tôi nhắc nhở các vị: Nước Nga có Hiến pháp. Biên giới của chúng tôi, bao gồm các chủ thể liên bang mới, được đề cập rõ ràng trong đó" – Đại sứ Antonov nói.

Theo Newsweek, những đường biên giới mà ông Antonov đề cập vẫn là các điểm tranh chấp cốt lõi giữa Nga và Ukraine. Cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9/2022 của Nga nhằm sáp nhập các vùng Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia, cũng như cuộc bỏ phiếu vào tháng 3/2014 nhằm sáp nhập bán đảo Crimea đều không được phương Tây công nhận.

Ông Antonov lưu ý, "Tổng thống Putin đã chỉ ra rằng, Liên bang Nga cần được đảm bảo an ninh một cách hữu hình, được ghi nhận một cách hợp pháp trên giấy tờ.

Tuy nhiên, dựa trên tình hình hiện tại ở Ukraine, vẫn chưa rõ chính xác ai có thể ký các văn bản thỏa thuận khi ông Zelensky đã chấm dứt nhiệm kỳ. Nhân vật này (ý nói ông Zelensky) đã mất đi tính hợp pháp của mình. Đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được thảo luận".

Theo quy định, ông Zelensky đáng ra phải đối diện với các cuộc bầu cử trong tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay, nhưng các đảng chính trị tại Ukraine đã đồng ý đình chỉ cuộc bỏ phiếu, xét theo tình trạng thiết quân luật của quốc gia do chiến tranh.

NATO mở đường cho Ukraine tấn công Nga, căng thẳng dâng cao

Theo Newsweek, Nga luôn nhìn nhận cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến phòng thủ nhằm chống lại hơn nữa sự mở rộng của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu dọc biên giới Nga.

Các quan chức Mỹ thì cho rằng đây là một cuộc chiến vô cớ. Washington đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế nhằm ngăn cản đà tiến của lực lượng vũ trang Nga.

Hôm 23/4, người phát ngôn Đảng Phục hưng (Đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron) nói với Newsweek rằng, các quốc gia NATO nên "ngừng thương lượng với chính mình" về mức độ cam kết của liên minh này ở Ukraine.

Tiết lộ từ Đại sứ Nga tại Mỹ: Thực hư ông Putin tiến gần hòa bình với Ukraine, sẵn sàng rút quân- Ảnh 3.

Các binh sĩ Ukraine tại Kharkiv ngày 20/5/2024. Ảnh: Newsweek

"Chúng ta nên ngừng đàm phán với chính mình, cũng như đặt ra các ranh giới và giới hạn đỏ. Chúng ta có một đối thủ (Nga) không đặt ra giới hạn nào cho hành vi hay lời nói của mình" – Ông Benjamin Haddad, thành viên Quốc hội có tiếng nói hàng đầu về các vấn đề đối ngoại của Pháp phát biểu bên lề Hội nghị Lennart Meri diễn ra ở Tallinn (Estonia) hôm 24/5.

"Chúng ta cần lật ngược tình thế trước Nga và không loại trừ bất cứ điều gì, đồng thời nói với ông Putin rằng, thời gian không có lợi cho Nga, chúng ta không chỉ sẵn sàng tăng cường hỗ trợ Ukraine, mà còn tăng cường cả mức độ hỗ trợ.

Chúng ta dành quá nhiều thời gian để lo lắng về sự leo thang, trong khi Nga mới là quốc gia đang làm leo thang tình hình. Sẽ có những hậu quả an ninh trực tiếp đối với tương lai của EU nếu Nga giành chiến thắng. Chúng ta cần suy nghĩ sáng tạo về bản chất mọi việc chúng ta đang làm" – Ông Meri nhấn mạnh.

Một ngày sau (24/5), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bất ngờ kêu gọi các đồng minh NATO từng cung cấp vũ khí cho Ukraine chấm dứt lệnh cấm Kiev sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga.

"Đã đến lúc các đồng minh cân nhắc xem liệu họ có nên dỡ bỏ một số hạn chế mà họ đã đặt ra đối với việc sử dụng vũ khí mà họ viện trợ cho Ukraine hay không. Đặc biệt là hiện nay, khi nhiều cuộc giao tranh đang diễn ra ở Kharkiv, gần với biên giới Nga, việc cấm Ukraine sử dụng những vũ khí này chống lại các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga khiến họ rất khó tự vệ" - ông Stoltenberg nói.

Theo RT, phát ngôn của ông Stoltenberg đã hứng chịu nhiều chỉ trích của các nước đồng minh. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải Italy Matteo Salvini thậm chí đề nghị ông Stoltenberg "xin lỗi, sửa chữa những phát ngôn của mình hoặc từ chức".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại