Cảnh báo chết người
Theo nguồn tin độc quyền của Reuters, Cơ quan an ninh quốc gia Li-băng đã cảnh báo trực tiếp tới Thủ tưởng và Tổng thống nước này từ hồi tháng 7 về sự nguy hiểm của 2.750 tấn ammonium nitrate được cất trữ tại cảng Beirut, bởi nếu phát nổ, nó sẽ phá hủy Thủ đô.
Thật đáng tiếc, văn bản cảnh báo này đã không được quan tâm đúng mức để rồi chỉ hơn 2 tuần sau đó, khối lượng hóa chất công nghiệp khổng lồ đã phát nổ kinh hoàng, san phẳng hoàn toàn cảng Beirut, giết chết ít nhất 163 người, làm bị thương hơn 6.000 người khác và khoảng 6.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Báo cáo của Cơ quan An ninh Quốc gia Li-băng về những cảnh báo có thể dẫn tới vụ nổ bao gồm cả một văn bản riêng gửi tới Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng Hassan Diab vào ngày 20/07/2020, đúng 15 ngày trước khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở Beirut.
Hiện trường vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut, L-băng.
Nội dung chi tiết của văn bản này chưa được tiết lộ chính thức, nhưng một quan chức an ninh cấp cao của Li-băng đã tóm tắt rằng ngay từ hồi tháng 1, qua công tác điều tra tư pháp, giới chức an ninh đã phát hiện và kết luận rằng số hóa chất nguy hiểm nói trên cần phải được xử lý, bảo quản an toàn "ngay lập tức".
Báo cáo an ninh khẩn cấp gửi tới 2 nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Li-băng trước đó chưa từng được tiết lộ, trong đó cảnh báo: "Sẽ rất nguy hiểm nếu số hóa chất này nếu bị đánh cắp có thể được dùng để tấn công khủng bố...
"Kết thúc điều tra, Công tố viên Ghassan Oweidat đã hoàn tất một báo cáo cuối cùng và nó đã được gửi tới các cơ quan hữu trách", nguồn tin riêng của Reuters cho biết.
"Tôi đã cảnh báo họ (Tổng thống và Thủ tướng) rằng nếu phát nổ, số hóa chất này sẽ phá hủy Beirut", quan chức giấu tên trên, người trực tiếp tham gia vào thảo bức thư cảnh báo nói.
Cả Văn phòng Tổng thống và Thủ tướng đều đã không phản hồi với yêu cầu khẩn cấp trong bức thư được gửi tới hôm 20/07.
Cả thế giới rúng động
Rõ ràng là ngay từ đầu, không chỉ xảy ra tình trạng lơ là trong quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua mà còn gồm cả sự thờ ơ của giới lãnh đạo cấp cao nhất của Li-băng là nguyên nhân chính dẫn đến vụ nổ thương tâm trên.
Cảnh báo Đỏ đã được Cơ quan An ninh Quốc gia Li-băng phát đi nhiều lần, ngay từ hồi tháng 1/2020 và trong lần gần nhất tới lãnh đạo cấp cao nhất vào ngày 20/07, nhưng thật đáng tiếc là nó đã không được nhìn nhận nghiêm túc để rồi "sai một ly, đi một dặm", hậu quả thảm khốc chúng ta đã được thấy rất rõ khiến không chỉ người dân Li-băng mà cả Thế giới rúng động.
Hậu quả thì chúng ta đã rõ, nhưng điều gây sốc chính là không thể hiểu nổi tại sao giới chức Li-băng lại mắc sai lầm chết người tồi tệ đến vậy. Thiệt hại là quá lớn, không chỉ về vật chất mà còn khiến hơn 6.000 người thương vong, khoảng300.000 người mất nhà cửa.
Chỉ tính riêng việc xây dựng và sửa chữa lại Beirut ước tính cũng cần tới 15 tỷ USD trong bối cảnh đất nước này đã gần như lâm vào tình trạng "phá sản".
Ảnh vệ tinh ghi lại hậu quả của vụ nổ kinh hoàng ở Beirut. Ảnh: Reuters
Vụ nổ kinh hoàng ở Beirut gây thiệt hại lớn đến mức khiến cộng đồng quốc tế rúng động và không thể làm ngơ, từ Liên hợp quốc cho tới các quốc gia lớn và các nước làng giềng lập tức chi viện cho chính phủ Li-băng vốn đang ở trong tình trạng "tay trắng", cả về nhân lực và vật lực, đặc biệt là các bệnh viện dã chiến để điều trị ngay cho hàng nghìn nạn nhân.
Những bức ảnh vệ tinh lần lượt được công bố đã gây sốc bởi sức phá hủy khủng khiếp của vụ nổ. Một hố sâu 43m với đường kính hơn 150 được tạo ra ngay tại tâm vụ nổ, trong vòng 500m xung quanh, mọi thứ gần như bị san phẳng, các khu vực trong bán kính 1-2km cũng bị hư hại nặng.
Khu vực khoanh tròn đỏ trong bán kính tới 2km đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Ảnh vệ tinh ISI.
Các khu vực bị sóng xung kích từ vụ nổ kinh hoàng ở Beirut gây thiệt hại.
Thậm chí đã ghi nhận những tòa nhà ở cách nơi xảy ra vụ nổ tới 15 dặm (24km) cũng bị sóng xung kích gây hư hỏng.
Đồ họa ở trên cho thấy khu vực đỏ sậm - tâm vụ nổ, toàn bộ các công trình bị phá hủy hoàn toàn; đỏ tươi - khu vực bị ảnh hưởng rất nặng nề và khu vực màu đỏ nhạt là những nơi có ghi nhận hư hại, nhưng nhẹ hơn so với 2 khu vực gần tâm vụ nổ nhất.
Thảm họa kinh hoàng đã xảy ra nhưng nó cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá với không chỉ Li-băng mà còn với tất cả mọi quốc gia trên thế giới rằng: Hãy nhìn vào "tấm gương tày liếp" mà tăng cường công tác an ninh, an toàn trong việc lưu giữ, cất chứa các loại hóa chất công nghiệp, đặc biệt là những loại hóa chất có thể gây cháy nổ như ammonium nitrate.
Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến thêm những thảm họa được ví không khác gì một vụ "nổ bom nguyên tử" tại cảng Beirut.