Vụ cháy hôm 1/7 trên tàu ngầm Nga được cho là mang tên Losharik khiến nhiều câu hỏi được đặt ra. Nếu giả thiết con tàu đó chính là tàu Losharik, nó có hệ thống động lực chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng lặn sâu, được cho là có thể thực hiện nhiệm vụ với thời gian “không xác định”.
Theo bài trên Asia Times, tàu Losharik được một tàu ngầm khác, là tàu lớp Delta III, với những hoán cải đặc biệt để mang theo tàu ngầm khác dưới bụng, chuyên chở. Do vậy, tàu Losharik có thể được triển khai nhanh chóng tới nơi cần đến.
Việc chế tạo tàu Losharik được bắt đầu từ năm 1988, nhưng phải tạm ngừng khi Liên Xô sụp đổ. Sau cùng nó cũng được đưa vào hoạt động từ năm 1999, theo một số nguồn tin. Hoặc là 2003, theo một số nguồn tin khác.
Trong vụ cháy vừa qua, thuyền trưởng Denis Dolansky thiệt mạng cùng 13 người khác . Có năm người sống sót sau tai nạn, nghĩa là khi vụ cháy xảy ra, trên tàu có 19 người.
Nhiều nguồn thông tin nói con tàu “bị chập điện”, nhiều khả năng nhất là trong khoang chứa pin. Loại pin của con tàu chưa được nói rõ và điều độc đáo là khoang chứa pin ở phía trước, trong khi lò phản ứng hạt nhân cung cấp điện năng nằm ở đuôi tàu.
Khi vụ cháy xảy ra, con tàu đang ở một địa điểm cách không xa cảng nhà của nó ở Olenya Guba, một vùng hoang vắng thuộc bán đảo Kola, Nga.
Trong nhiều năm, Liên Xô đã bố trí một số đơn vị thuộc lực lượng tên lửa chiến lược trên bán đảo Kola và tiến hành các chiến dịch hải quân, trong đó có việc triển khai tàu ngầm nhằm đối phó các láng giềng thuộc và không thuộc NATO ở Bắc Âu, duy trì các tuyến hành lộ ở Bắc cực càng ít hiện diện của tàu ngầm NATO và Mỹ càng tốt.
Tàu Losharik là con tàu độc đáo, có thiết kế “rất không giống ai”. Nó không đi theo dạng khung thân kép thông thường của tàu ngầm. Thay vào đó, thân tàu bao gồm 7 quả cầu làm bằng hợp kim titanium chiều rộng khoảng 6m.
Một số người tin rằng quả cầu phía mũi hoặc là quả kế cận quả ở mũi là nơi các chỉ huy tàu đang làm việc khi tai nạn xảy ra và họ chết vì khí độc phát sinh từ đám cháy khoang chứa pin. Nhưng ít có khả năng tất cả thủy thủ đoàn ở trong cùng một quả cầu. Do vậy có thể khói độc đã lan tràn khắp tàu và vì thế số người chết mới lên tới con số 14.
Tàu lớp Delta mang theo tàu Losharik
Lý do người ta thiết kế tàu Losharik như vậy là để nó có thể lặn ở độ sâu cực lớn. Một số nguồn nói nó có thể lặn sâu tới 6.000m, nhưng cũng có người nói 3.000-3.500m là hợp lý hơn. Ngay cả ở độ sâu hơn 3.000m thì đó cũng là độ sâu rất lớn so với các tàu ngầm thông thường (trung bình khoảng 800m). Nhưng câu hỏi đặt ra là họ lặn sâu thế để làm gì?
Điều đáng nhấn mạnh ở đây là một chi tiết không thể chối cãi liên về con tàu Losharik: tàu này báo cáo trực tiếp lên GUGI (Cơ quan nghiên cứu biển sâu Nga). Cơ quan này lại phải báo cáo lên cơ quan tình báo Nga là GRU.
Thu thập thông tin tình báo từ các cảm biến dưới biển của Mỹ và NATO, từ các hệ thống cáp ngầm, tín hiệu điện thoại, internet xuyên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, đặc biệt là những gì thuộc lĩnh vực quân sự, là trách nhiệm quan trọng của các cơ quan quốc phòng Nga.