Theo bật mí của giới truyền thông Trung Quốc, cuộc đấu giữa JAS 39 Gripen với Su-27 cho thấy máy bay chiến đấu nào tốt hơn phụ thuộc vào các điều kiện rất cụ thể, nhưng xét về tổng thể, loại tiêm kích hạng nhẹ của phương Tây đã tỏ ra vượt trội so với tiêm kích đa năng hạng nặng kiểu Liên Xô trong các cuộc giao đấu ở trên không.
Việc so sánh trực tiếp được thực hiện bởi người Trung Quốc vào năm 2015 sau cuộc tập trận chung giữa Không quân hai nước Thái Lan và Trung Quốc. Nhưng trong thời điểm hiện nay, khi các chiến đấu cơ kiểu Liên Xô của Nga hoàn toàn chiếm ưu thế trên không ở Ukraine, so sánh này lại trở nên phù hợp.
Vừa qua, chính quyền Stockholm đã lần thứ hai từ chối cung cấp máy bay chiến đấu hạng nhẹ JAS 39 của hãng Gripen cho Ukraine, nhưng điều đáng ngạc nhiên là Bộ Quốc phòng Thụy Điển lại đồng ý chấp thuận việc không quân nước này huấn luyện các phi công Ukraine sử dụng loại máy bay này.
Giới truyền thông Thụy Điển cho rằng, mặc dù chính phủ nước này đã nhiều lần từ chối Kiev nhưng đây có thể là bước đi đầu tiên hướng tới quyết định cung cấp máy bay, nếu các nước phương Tây khác có người "đi tiên phong" trong việc cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.
Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là JAS 39 Gripen đã thể hiện tính ưu việt của nó so với các máy bay phản lực do Liên Xô sản xuất. So sánh trực tiếp xảy ra trong các cuộc tập trận quân sự ở châu Á, có những điều kiện so sánh rất cụ thể, với thống kê kết quả chi tiết.
Gripen-C của Thụy Điển trang bị tên lửa không đối không IRIS-T và AIM-120 AMRAAM và bom GBU-39 SDB
Dữ liệu công khai cho chúng ta biết câu chuyện về Trung Quốc và Thái Lan tổ chức cuộc tập trận chung có tên Falcon Strike, nó có sự tham gia của các máy bay chiến đấu Su-27SK của Trung Quốc và máy bay JAS-39C/JAS-39D của Phi đội máy bay chiến đấu 701 của phía Thái Lan.
Cuộc tập trận kéo dài trong 4 ngày, kết quả cho thấy sự vượt trội hoàn toàn của loại chiến đấu cơ hạng nhẹ Thụy Điển so với tiêm kích đa năng hạng nặng kiểu Liên Xô Su-27, mà Trung Quốc cũng đã sản xuất phiên bản nội địa được biết đến với định danh là J-11.
Trong quá trình huấn luyện chiến đấu ngoài tầm nhìn (BVR), các phi công JAS 39 Gripen của Thái Lan đã ngắm trúng Su-27 Trung Quốc tới 41 lần, trong khi các phi công Trung Quốc trên Su-27SK chỉ bắn được 9 mục tiêu.
Huấn luyện chiến đấu ở khoảng cách 30 km cho thấy Gripen đạt hiệu quả 88%, còn Su-27SK chỉ thành công 14%; còn các trận đấu giả định ở cự ly trên 50 km đã mang lại 10 chiến thắng cho Không quân Hoàng gia Thái Lan và con số 0 đối với Không quân Trung Quốc.
Nguyên nhân chính là do tên lửa không đối không RVV-AE do Nga sản xuất (phiên bản nội địa là R-77) được Không quân Trung Quốc sử dụng chỉ có hiệu quả ở tầm bắn 50 km, trong khi tầm bắn hiệu quả của AIM-120 AMRAAM của Không quân Thái Lan vượt quá 80 km.
Khoảng cách về năng lực radar cũng tỏ ra quan trọng, khi Su-27 của Trung Quốc có radar N001 Mech (RLPK-27) với tầm phát hiện mục tiêu 120 km trong khi JAS 39 Gripen của Thái Lan sử dụng radar Ericsson PS-05/A với phạm vi bao quát lên tới 160 km.
J-11 Trung Quốc được cho là bản sao cấp thấp hơn của Su-27SK Nga
Các thuộc tính tiết diện phản xạ radar (RCS) của cả hai máy bay cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của chúng. RCS của JAS 39 Gripen chỉ là 1,5 mét vuông, còn của Su-27, con số này lên tới 15 mét vuông, trong khi một chiếc F-16 Fighting Falcon của Mỹ chỉ là 1,2 m².
Thắng lợi duy nhất mà Su-27 của Trung Quốc giành được trước Gripen của Thái Lan là cận chiến trong tầm nhìn theo kiểu không chiến quần vòng. Kết quả mô phỏng là 25 chiếc JAS 39 Gripen bị "tiêu diệt" trước một chiếc Su-27 trong cuộc đấu theo kiểu dogfight.
Tuy nhiên, chính người Trung Quốc thừa nhận lý do duy nhất họ đạt được thắng lợi này là do các máy bay của Thái Lan đã sử dụng tên lửa tầm ngắn AIM-9L lỗi thời thay vì IRIS-T trong cuộc tập trận này, còn loại tên lửa mà Trung Quốc sử dụng trong cuộc đấu không được các quan chức của PLA tiết lộ.
Dù sao đi nữa, những thống kê kết quả của cuộc đấu giữa hai trường phái chiến đấu cơ Nga-phương Tây đã cho chúng ta ít nhất một ví dụ rõ ràng cho thấy rằng JAS 39 Gripen rõ ràng vượt trội so với máy bay kiểu Liên Xô trong hầu hết các tình huống trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát trên không.
Điều này có thể trở thành một điểm cộng trong cuộc tranh luận về việc Ukraine chuyển sang sử dụng máy bay phương Tây ngay bây giờ có giúp nước này giành được lợi thế quan trọng trước Không quân Nga trong cuộc chiến đang diễn ra hay không.