Kế hoạch trên được ông Ngô Vĩ Nhân, nhà thiết kế chính chương trình thám hiểm Mặt Trăng, đồng thời là nhà khoa học trưởng kiêm Giám đốc Phòng thí nghiệm thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc (DSEL) đưa ra tại Hội nghị thường niên lần thứ 25 của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tổ chức tại thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc ngày 22/10.
Ông Ngô Vĩ Nhân, nhà khoa học trưởng về thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc phát biểu tại hội nghị ngày 22/10. Ảnh: Chinanews
Ông cho biết, trong 15 năm tới, hoạt động thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc sẽ luận chứng và thực hiện 10 nhiệm vụ kỹ thuật chính trong ba lĩnh vực là thám hiểm mặt trăng, thám hiểm hành tinh và công nghệ phóng.
Trung Quốc có kế hoạch thực hiện sứ mệnh thăm dò các hành tinh, như sứ mệnh lấy mẫu tiểu hành tinh Thiên Vấn-2 (Tianwen-2), sứ mệnh lấy mẫu sao Hỏa Thiên Vấn-3 (Tianwen-3) và lần đầu tiên thực hiện sứ mệnh phòng thủ tiểu hành tinh gần Trái đất. Ông chia sẻ, “xét đến xác suất xảy ra sự kiện rất thấp và cực kỳ nguy hiểm khi một tiểu hành tinh gần Trái đất va chạm với Trái đất”, Trung Quốc “sẽ thực hiện va chạm động năng lên một tiểu hành tinh cách xa hàng chục triệu km để thay đổi quỹ đạo của nó và tiến hành đánh giá hiệu quả va chạm trên quỹ đạo”, nhằm đạt mục tiêu va chạm chuẩn xác, đẩy đi được, đo lường được và giải thích rõ ràng.
Bên cạnh đó, chuyên gia hàng đầu này cũng cho biết, Trung Quốc sẽ triển khai các sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng giai đoạn 4, với việc phóng tàu Hằng Nga-6, 7 và 8, thực hiện các sứ mệnh khám phá hành tinh mới và nâng cấp hơn nữa khả năng phóng vào không gian trong 15 năm tới. Trong đó, Hằng Nga-6 sẽ được phóng vào năm 2024 và cố gắng đạt được mục tiêu lần đầu tiên đưa mẫu vật trở về từ vùng tối Mặt Trăng. Nhiệm vụ Hằng Nga-7, được ấn định vào năm 2026, nhằm mục đích hạ cánh xuống cực Nam Mặt Trăng, thực hiện các khảo sát tài nguyên và môi trường tại đây. Hằng Nga-8 sẽ xác minh công nghệ mới sử dụng tài nguyên Mặt Trăng.
Việc xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) do Trung Quốc đề xuất, với sự tham gia của nhiều quốc gia, cũng nằm trong chương trình nghị sự. Đến nay, đã có ít nhất 5 nước tham gia vào dự án này, gồm Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Venezuela và mới nhất là Azerbaijan. Ông Ngô Vĩ Nhân nhấn mạnh, “Trung Quốc có kế hoạch đạt mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng vào khoảng năm 2030”.
Trung Quốc cũng sẽ phát triển tên lửa đẩy siêu nặng mới với đường kính 10 mét, có khả năng đưa trọng tải 150 tấn lên quỹ đạo gần Trái đất, vượt xa giới hạn của tên lửa Trường Chinh-5 mạnh nhất hiện nay là 25 tấn, nhằm đặt nền tảng vững chắc cho việc khám phá không gian sâu trong tương lai.
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời của ông Ngô Vĩ Nhân nhấn mạnh, “Hoạt động thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng được đánh dấu bằng sự phong tỏa và cô lập từ phương Tây do Mỹ dẫn đầu, không kém gì sự đàn áp trong ngành công nghiệp chip. Khám phá không gian sâu đã trở thành đỉnh cao mới trong cạnh tranh khoa học công nghệ quốc tế và lĩnh vực mới trong cạnh tranh giữa các cường quốc.” Tuy nhiên, trong những thập kỷ qua, Trung Quốc đã tự chủ đạt được hàng loạt thành công trong lĩnh vực thám hiểm không gian sâu với những thành tựu mang tính cột mốc.
Theo nhà khoa học trưởng, khả năng theo dõi và điều khiển của tàu vũ trụ không gian sâu Trung Quốc đã được nâng lên, tạo ra bước nhảy vọt lớn về khoảng cách theo dõi và kiểm soát không gian sâu từ hàng trăm nghìn km lên hàng chục tỷ km, tương đương với của các đối tác Âu, Mỹ.