Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Long Trương Đặng Vĩnh Phúc thông tin, trong dự án “114 camera với giá 199,1 tỷ đồng”, kinh phí tốn kém nhất là hệ thống 47 thiết bị giám sát tự động, chiếm hết 94 tỷ đồng; xây dựng 16,3 tỷ; 67 camera giám sát an ninh trật tự chiếm 16,3 tỷ.
Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Long Trương Đặng Vĩnh Phúc
Theo lời ông Phúc, có 2 loại camera trong dự án này. Cụ thể, 4 cái giá 56,4 triệu/cái và 63 cái giá 124,5 triệu/cái.
“Còn lại trung tâm điều hành tại Công an tỉnh 33,6 tỷ, trung tâm điều hành tại Phòng CSGT là 3,3 tỷ", ông Phúc thông tin.
Giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Long khẳng định, dự án trên được thẩm tra, phê duyệt là rất cần thiết cho tỉnh trong công tác giám sát, xử lý tình hình an ninh trật tự và vi phạm an toàn giao thông trong thời gian tới.
“Các camera sẽ được lắp ở các cửa ngõ của tỉnh trên quốc lộ, nơi giao cắt giao thông quan trọng và những vị trí nhạy cảm cần được bảo vệ như kho bạc, ngân hàng nhà nước, những nơi phức tạp về an ninh trật tự có thể tụ tập đông người…
Nói chung mình lắp camera ở những nơi có thể kiểm soát được đầu vào và đầu ra của tỉnh, cũng như theo dõi được những vị trí quan trọng để đảm bảo an ninh trật tự”, ông Phúc nói.
Camera giám sát trên 1 tuyến đường ở Vĩnh Long |
“Tỉnh có 13 camera của ngành công an, thời gian qua cho hiệu quả cao. Nhưng hiện nay các camera này đã xuống cấp, hư hỏng nên phải nâng cấp đầu tư.
Nếu nhìn về tương lai thì dự án này rất cần thiết. Đơn cử, khi có một vấn đề gì đó nóng xảy ra sẽ phát hiện ngay”, ông Phúc nói thêm.
Theo vị Giám đốc Sở, tiêu chí để chọn lựa camera gồm: chi phí, thương hiệu, tính năng, công nghệ và thời gian sử dụng.
Trong đó về tính năng các camera phải đảm bảo công nghệ hiện đại.
“Dù lắp camera ngoài trời nhưng cơ bản phải sử dụng lâu dài chứ không phải một ngày, một bữa; cũng như đảm bảo được chất lượng để phục vụ cho việc giám sát”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng nhìn nhận, nếu ngay từ ban đầu chi tiết hơn các khoản mục đầu tư trong đề án và các thông tin được đưa ra rõ ràng hơn, sẽ được sự đồng thuận hơn từ dư luận. Sau khi nhận được phản ánh của báo chí, sẽ thận trọng, kiểm tra chặt các quy trình, để làm sao dự án đạt được hiệu quả cao nhất.
Phải giải thích rõ từng hạng mục
Ban đầu dự án này do Sở Tài chính chủ trì, Sở GTVT làm tham mưu đề xuất, sau chuyển qua Sở KH-ĐT.
Hiện dự án mới ở giai đoạn chấp thuận chủ trương, còn phải lập dự án đầu tư, hội đồng thẩm định giá, công nghệ, thiết bị rồi mới tổ chức đấu thầu. Giai đoạn này mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm nữa.
Mới đây, trong cuộc họp bàn về dự án này, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Bách Khoa nói: "Chúng ta cần nhận thức, đánh giá đúng tính cần thiết của dự án này.
Các ngành chức năng cần làm rõ tính hiệu quả và cấp thiết cũng như số lượng camera và số tiền phải cụ thể từng giai đoạn, từng danh mục.
Dùng hệ thống thông minh để quản lý xã hội thì thế giới làm lâu rồi và rất cần thiết. Các ngành chức năng chưa làm rõ cho xã hội, người dân hiểu rằng một cái camera 125 triệu đồng thì 114 cái cũng hơn 10 tỷ. Đặc biệt cần nói rõ trung tâm lắp đặt cái gì, hiện đại như thế nào, hạ tầng của đường truyền ra sao”...
Như VietNamNet đưa tin, HĐND tỉnh Vĩnh Long vừa thông qua đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh.
Theo đó, Vĩnh Long sẽ trích ngân sách và nguồn vốn hợp pháp khác với tổng số tiền hơn 199,1 tỷ đồng để lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí.
Thông tin này đã gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều, trong đó cho rằng việc lấy ngân sách lắp camera là xa xỉ trong khi có quá nhiều nhu cầu cấp thiết hơn như y tế, giáo dục…
Thậm chí, có thông tin nhẩm tính, nếu chia bình quân thì một camera lên đến 1,7 tỷ đồng...