Tiết lộ động trời về Iran

Lục San |

Một khi Iran tái khởi động các hoạt động hạt nhân, Israel có thể sẽ hành động với các lựa chọn quân sự nhiều khả năng đặt trên bàn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 30-4 tuyên bố thỏa thuận hạt nhân Iran đã "được xây dựng dựa trên những lời giả dối của Iran" và không được thiết lập trên cơ sở sự tin cậy hoặc tính minh bạch.

Dự án Amad

"Trong suốt nhiều năm, Iran khăng khăng rằng chương trình hạt nhân của nước này mang tính hòa bình. Các tài liệu Israel lấy được từ bên trong Iran cho thấy họ đã không nói thật". 

Tân ngoại trưởng của Mỹ khẳng định như trên sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công bố tình báo nước này đã lấy được từ kho lưu trữ của Iran 110.000 tài liệu nói về những nỗ lực của Iran nhằm phát triển chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, được mệnh danh là dự án Amad - chương trình chế tạo 5 đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo. Ông Netanyahu xác nhận Iran vẫn tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân sau khi chương trình trên ngưng hoạt động vào năm 2003.

Ông Pompeo cho rằng tài liệu được Thủ tướng Israel tiết lộ là xác thực. Ngoài ra, ngoại trưởng Mỹ xác nhận rằng Washington đang xác định xem các tài liệu trên sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Phía Israel nhấn mạnh số tài liệu trên cho thấy Iran có kế hoạch tiếp tục chương trình hạt nhân trước khi ký thỏa thuận vào năm 2015 với các cường quốc trên thế giới - gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh. Trong khi đó, Iran phủ nhận chuyện nước này đã từng có chương trình vũ khí hạt nhân trong suốt quá trình thương lượng thỏa thuận nêu trên - theo báo Washington Examiner.

Theo đài BBC, Thủ tướng Israel đã không cung cấp chứng cứ Iran vi phạm thỏa thuận trên kể từ khi nó có hiệu lực vào đầu năm 2016. Thế nhưng, ông quả quyết rằng dự án Amad đã tiếp diễn tại Bộ Quốc phòng Iran.

Khó thuyết phục

Phản ứng trước thông tin trên, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thỏa thuận hạt nhân với Iran "không phải là một tình huống có thể chấp nhận được". "Điều chúng ta biết hôm nay thực sự cho thấy rằng tôi đúng 100%" - ông nói.

Theo Bloomberg, nếu phương Tây có thể xác thực thông tin tình báo Israel vừa đưa ra thì đây sẽ là một vấn đề chấn động giữa lúc Tổng thống Trump sắp sửa quyết định về số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 12-5 tới. Những diễn biến mới nhất cho thấy chính quyền Mỹ có vẻ muốn sửa sang lại văn kiện này và không loại trừ khả năng rút lui.

Tuy nhiên, chuyên gia về quan hệ Israel - Iran, ông Raz Tzimmt cho rằng sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể thuyết phục Iran tái thương lượng thỏa thuận hạt nhân. Một khi nước cộng hòa Hồi giáo này tái khởi động các hoạt động hạt nhân, Israel có thể sẽ hành động, với các lựa chọn quân sự nhiều khả năng sẽ đặt trên bàn.

Mặt khác, những dữ liệu "bom tấn" nói trên - nếu được xác nhận, sẽ là cú đòn mạnh không chỉ vào uy tín của Iran mà còn vào danh tiếng của các cơ quan thu thập thông tin tình báo của Mỹ. Trong các cuộc đàm phán với Iran để tiến tới thỏa thuận hạt nhân vào mùa hè năm 2015, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó - ông John Kerry, tuyên bố với báo giới rằng tình báo Mỹ nắm chắc toàn bộ về các nỗ lực xây dựng vũ khí hạt nhân của Iran.

Một tuyên bố như vậy được cho là lạ lùng khi các đánh giá tình báo trước chiến tranh Iraq năm 2003 cho thấy tình báo chưa bao giờ là chắc chắn. Hơn nữa, ngay cả Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế (IAEA) cũng còn đặt rất nhiều dấu hỏi đối với Iran. Chủ tịch kiêm người sáng lập của Viện An ninh Quốc tế và Khoa học (Mỹ) David Albright cho rằng thông tin tình báo mới do Israel công bố, nếu được xác nhận sẽ lấp đầy nhiều lỗ hổng trong những hiểu biết của phương Tây về chương trình vũ khí của Iran.

Khiêu khích trả đũa

Cuộc tấn công tên lửa mới nhất nã vào các căn cứ quân sự ở Hama và Aleppo của Syria đêm 29-4 được cho là sẽ tăng nhiệt căng thẳng trong khu vực. Quân đội Syria hôm 30-4 gọi đây là những "tên lửa bí ẩn", song dường như mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Israel, trong khi "nạn nhân" được cho là Tehran, nhất là khi phần lớn trong số 26 người thiệt mạng trong vụ tấn công là người Iran.

Trong cuộc chiến Syria, Israel không ít lần tấn công vào các đoàn xe được cho là chở vũ khí tới cho các đồng minh khu vực của Iran. Hồi tháng 4, những vụ tấn công kiểu này bắt đầu leo thang, trong đó có các cuộc không kích vào một căn cứ quân sự Syria, giết chết 7 người Iran, trong đó có một quan chức cấp cao của chương trình máy bay không người lái của Iran.

Tuy nhiên, cuộc tấn công đêm 29-4 có vẻ đi xa hơn, số người thiệt mạng cũng cao hơn nhiều. Mục tiêu trúng tên lửa là các nhà kho đạn dược tại căn cứ quân sự Lữ đoàn 47 tại tỉnh Hama do Iran sử dụng, phá hủy các tên lửa đất đối đất và gây ra những vụ nổ lớn đủ để các cơ quan giám sát động đất đo được chấn động lên tới 2,6 độ. Các mục tiêu khác cũng trúng tấn công là một sở cứu hỏa cũng ở Hama và căn cứ không quân Neirab tại Aleppo.

Cả Israel và Iran dường như đều không quan tâm tới việc công khai vụ tấn công. Theo cựu giám đốc tình báo của quân đội Israel Amos Yadlin, về phía Tehran, cách phản ứng này có thể là nỗ lực để giới chức lãnh đạo của nước này không cảm thấy thôi thúc phải đáp trả ngay lập tức.

Nhà phân tích Ali Vaez - Giám đốc Dự án Iran tại Tổ chức International Crisis Group (Bỉ) - cho rằng một nhân tố tác động lên quyết định thời điểm ra tay của Iran chính là mối lo ngại của nước này rằng bất cứ hành động nào hiện nay có thể đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump về phía quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Vị chuyên gia này nói thêm rằng quyết định tấn công đêm 29-4 của Israel có thể nhằm khiêu khích Iran trả đũa vì mục đích này. "Chúng ta đang ở trong một vòng luẩn quẩn và thực tế là sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân (Iran) sẽ làm gia tăng trầm trọng tất cả các căng thẳng. Tất cả các bên sẽ "tháo găng tay" xung trận" - ông Vaez nhận định.

Thu Hằng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại