Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, trong cuộc gặp báo chí chiều 13/11 để đánh giá lại Tuần lễ cấp cao (TLCC) APEC từ ngày 6-11/11 tại Đà Nẵng nói riêng và năm APEC 2017 nói chung.
Những con số biết nói
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng, APEC 2017 đã thành công tốt đẹp, với đỉnh cao là TLCC. Đây không chỉ là đánh giá của chúng ta mà trong các cuộc gặp và trao đổi, nguyên thủ các nước đều đánh giá APEC năm nay thành công về nội dung và tổ chức. Thành công lớn nhất là duy trì được mục tiêu của APEC trong bối cảnh phức tạp với những tư tưởng, chiều hướng khác nhau, ngược nhau về thương mại, đầu tư.
TLCC khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, tiếp tục các mục tiêu của APEC là tự do hóa thương mại, thuận lợi hóa đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng. Những định hướng này sẽ được triển khai sau năm 2020, thời điểm hoàn thành mục tiêu Bogor.
Sự thành công của APEC còn thể hiện ở số lượng người tham dự APEC năm nay. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đây là lần thứ 2 trong vòng 10 năm qua có hầu hết lãnh đạo cấp cao nhất tham dự một hội nghị cấp cao APEC. Tổng số 21.000 người tham dự các sự kiện kéo dài cả năm, riêng TLCC có 11.000 người.
Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh thu hút số người tham gia kỷ lục với 2.000 doanh nghiệp, trong khi thông thường chỉ 1.000-1.500 đã được coi là thành công. Số lượng phóng viên, nhà báo tham dự rất đông, với hơn 2.800 người. Phó Thủ tướng cho rằng, những con số đó nói lên sự quan tâm của thế giới và khu vực. Nhân dịp APEC lần này, Việt Nam ký được 121 thỏa thuận với tổng trị giá hơn 20 tỷ USD.
APEC 2017 với Việt Nam cũng là dịp đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Đợt này diễn ra 4 chuyến thăm cấp cao của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Chile Michelle Bachelet và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có 50 cuộc trao đổi với lãnh đạo cấp cao các nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới bên lề APEC.
Trong năm APEC này, Việt Nam đã tổ chức một loạt hoạt động lớn không chỉ ở Đà Nẵng mà trên khắp 10 tỉnh thành trải dài cả nước, giúp quảng bá nhiều hình ảnh đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nguồn tài chính để tổ chức các sự kiện đã được xã hội hóa một phần khi có nhiều doanh nghiệp đóng góp.
Những thành quả Việt Nam đạt được trong năm APEC 2017 giúp khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực, giúp tăng cường quan hệ với các đối tác lớn. Các thành viên APEC đều là những nước có vai trò quan trọng trên thế giới, Phó Thủ tướng nói.
Chủ nhà “ra tay”
Nói về những khó khăn, vất vả đằng sau thành công của APEC năm nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trở ngại lớn nhất là nhiều quan điểm khác nhau, ngược nhau về hệ thống thương mại đa biên, là thương mại tự do mở hay tự do cân bằng hay tự do có đi có lại, thương mại điện tử như thế nào, những vấn đề liên quan đến việc tạo thuận lợi cho đầu tư…
Những quan điểm khác biệt đó khiến quá trình đàm phán các văn kiện diễn ra khó khăn. Lẽ ra Tuyên bố bộ trưởng được đưa sớm, sau khi Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế kết thúc ngày 8/11. Nhưng đến ngày cuối cùng vẫn chưa thông qua được ở cấp làm việc, khiến chủ nhà Việt Nam quyết định kéo dài thời gian đàm phán thêm 1 đêm. Nhưng 6 ngày 5 đêm ròng rã thương lượng không gạt bỏ được bất đồng câu chữ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kể rằng, cuối cùng, ông phải chấm dứt họp hội nghị bộ trưởng và phải thuyết phục bộ trưởng các nền kinh tế thông qua về nguyên tắc và đã được họ chấp thuận. Nhờ đó tránh được nguy cơ Hội nghị cấp cao của các lãnh đạo APEC không đưa ra được tuyên bố chung nào mà chỉ có tuyên bố của chủ nhà.
Tuyên bố cuối cùng không những được thông qua mà còn có những ngôn ngữ mạnh hơn cả tuyên bố của G20 về thương mại đa phương, công bằng, không gia tăng bảo hộ. Không những thế, Tuyên bố chung của liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh kế còn có 4 phụ lục là sáng kiến của Việt Nam, Tuyên bố chung của lãnh đạo APEC có 2 phụ lục là sáng kiến của Việt Nam, cho dù lúc đầu nhiều thành viên không đồng ý đưa những phụ lục này vào.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tổng kết, dù mong muốn nhiều nhưng Việt Nam hài lòng với những gì đã đạt được trong bối cảnh có nhiều quan điểm khác biệt như vậy.