Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ. Ảnh: Defence Blog.
Chiến lược mới của Mỹ
Trong một cuộc tập trận hồi đầu tháng 2/2021, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ đã triển khai lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ (Navy Seal) và một đội thuyền cơ động nhằm thiết lập các căn cứ tiền phương để bổ sung thêm thông tin tình báo thu nhận từ radar của các nhóm tác chiến tàu sân bay.
Theo Chuẩn đô đốc Scott Robertson, trong quá trình diễn tập, nhiều tàu chiến đã tiếp cận gần hơn với mục tiêu mô phỏng và một số đơn vị đã được huy động để hỗ trợ hỏa lực lẫn nhau.
Ông Du Wenlong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng, đặc nhiệm của Hải quân Mỹ có thể được điều động để thu thập thông tin tình báo nhằm trợ giúp các cuộc không kích.
“Nếu lực lượng này được triển khai bằng máy bay hoặc bằng tàu thuyền tới một hòn đảo và tiến hành các hoạt động do thám nhằm xác định vị trí các mục tiêu, những thông tin mà họ thu thập được có thể giúp các nhóm tấn công bắn phá mục tiêu chính xác hơn”, chuyên gia Du Wenlong nói.
Cuộc tập trận này đóng vai trò rất quan trọng bởi đây là lần đầu tiên phương thức liên lạc và quy trình chiến đấu của NATO được áp dụng để huấn luyện các binh sỹ Mỹ - một động thái giúp các lực lượng Mỹ phối hợp tốt hơn với đồng minh. Theo trang tin của Học Viện Hải Quân Mỹ (USNI News), cuộc tập trận được thiết kế với mục đích tăng cường sự liên kết giữa các đồng minh quân sự để họ có thể phối hợp thực hiện nhiệm vụ ở nhiều khu vực khác nhau.
“Việc hợp nhất các hạm đội và gia tăng khả năng sát thương là những ưu tiên lớn đối với chúng tôi hiện nay”, Đại tá Don Wetherbee cho biết.
Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corporation đánh giá, các chiến lược trong cuộc tập trận có thể được áp dụng cho những kịch bản tác chiến trên biển khác nhau, trong đó có cả kịch bản liên quan đến Trung Quốc trên Biển Đông .
Theo nhà phân tích này, cuộc tập trận sẽ giúp nâng cao khả năng tấn công bằng tên lửa của Mỹ thông qua việc triển khai lực lượng đặc nhiệm để nhận diện và xác định vị trí các mục tiêu.
“Ngoài ra, điều đó sẽ giúp nâng cao khả năng sống sót của các tàu chiến vì chúng có thể phóng tên lửa ở một khoảng cách xa hơn”, chuyên gia Timothy Heath nhấn mạnh.
Chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách xây dựng lại các liên minh của Mỹ để đối phó Trung Quốc và ngày càng có nhiều quốc gia tham gia các hoạt động trên Biển Đông. Tuần trước, Pháp đã điều tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và khu trục hạm Surcouf đi qua Biển Đông hai lần. Đức và Anh cũng cho biết họ sẽ điều tàu hải quân đến khu vực này.
“Sự quan tâm của các đồng minh của Mỹ đối với Biển Đông đã gia tăng đáng kể dưới thời chính quyền Biden. Một phần là bởi, Biển Đông là tuyến đường thủy quan trọng đối với thương mại hàng hải quốc tế. Mặt khác, gia tăng sự hiện diện trong khu vực sẽ giúp họ có ảnh hưởng lớn hơn với những chính sách liên quan đến Biển Đông”, chuyên gia Su Xiaohui tại Viện nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc nhận xét.
Hợp tác và đối đầu
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) cho rằng, sau nhiều năm hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc đã bắt kịp, thậm chí vượt Mỹ trong một số lĩnh vực và Washington đang lo ngại về điều này. “Mối đe dọa của tên lửa Trung Quốc buộc Mỹ phải thực hiện các nỗ lực điều chỉnh các lực lượng của nước này, kể cả trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa”.
Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Kênh truyền hình CCTV cho biết, ít nhất 10 máy bay ném bom Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận tấn công trên biển vào tuần trước. Ngày 23/2 vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc được cho là đã bám sát tàu khu trục USS Impeccable của Mỹ ở gần bãi cạn Scarborough.
Theo chuyên gia Timothy Heath, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông sẽ tiếp tục gia tăng dưới thời Biden nếu cả hai bên tăng cường thực hiện các cuộc tuần tra và tập trận trong khu vực.
Dưới thời Tổng thống Biden, một trong những hành động đầu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ là thành lập lực lượng chuyên trách để xem xét cách tiếp cận về quân sự của nước này với Trung Quốc. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Đến thời điểm hiện tại, cách tiếp cận của chính quyền Biden trong vấn đề Biển Đông vẫn là đặt chiến lược quân sự lên trên chiến lược ngoại giao. Một số nhà quan sát cho rằng, điều này có thể giúp củng cố vị thế của Mỹ trên bàn đàm phán với Trung Quốc, nhưng sẽ dẫn đến những phản ứng “ăn miếng trả miếng” từ phía Bắc Kinh. Vì thế, Mỹ vẫn cần theo đuổi một chiến lược ngoại giao lâu dài, vừa cạnh tranh lại vừa hợp tác với Trung Quốc.
Việc Tổng thống Biden bổ nhiệm ông Kurt Campbell làm điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể mang đến hy vọng về một sự thay đổi. Theo SCMP, quan chức này dường như đã nhận thấy “nhu cầu về sự cân bằng quyền lực, nhu cầu về một trật tự mà các quốc gia trong khu vực công nhận là hợp pháp, cũng như nhu cầu về việc củng cố liên minh và các đối tác nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc". Cách tiếp cận của ông Campbell có lẽ sẽ mềm mỏng hơn với việc sử dụng các công cụ về kinh tế và ngoại giao để kiềm chế Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.
Chuyên gia Timothy Heath cho rằng: “Sẽ rất hữu ích nếu cả hai bên cùng đẩy mạnh nỗ lực thiết lập các biện pháp giảm thiểu rủi ro trên Biển Đông và xây dựng những quy tắc đảm bảo an toàn, có thể giúp ổn định tình hình. Song vẫn chưa rõ liệu họ có làm như vậy hay không?”./.