Abu Mohammed al-Jolani, thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy vừa lật đổ Tổng thống Syria Al Assad, đã nỗ lực trong thời gian dài để xây dựng lại hình ảnh trước công chúng, từ bỏ mối quan hệ lâu năm với al-Qaeda và tự cho mình là người đấu tranh cho chủ nghĩa đa nguyên và lòng khoan dung.
Thân thế của Abu Mohammad al-Jolani
Vài giờ sau khi Damascus thất thủ, Abu Mohammad al-Jolani xuất hiện lần đầu tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad nổi tiếng của thành phố, tuyên bố sự sụp đổ chính quyền Tổng thống Assad là “một chiến thắng cho quốc gia Hồi giáo”. Khi tiến vào Damacus, Jolani thậm chí còn bỏ bí danh và xưng tên thật là Ahmad al-Sharaa. Một thủ lĩnh cấp cao của phe nổi dậy Anas Salkhadi cũng xuất hiện trên truyền hình nhà nước và tuyên bố: “Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới tất cả các giáo phái ở Syria là đất nước Syria dành cho tất cả mọi người”.
Jolani, nhân vật bị Mỹ coi là phần tử khủng bố và phe nổi dậy do người này dẫn đầu Hayat Tahrir al-Sham (HTS)- với nhiều tay súng trong số đó là chiến binh “thánh chiến”, hiện trở thành một nhân tố chính tại Syria.
Sinh ra với tên Ahmed Hussein al-Shara ở Saudi Arabia, Jolani là con của một gia đình người Syria lưu vong. Jolani đã sống tại Saudi Arabia 7 năm, sau đó chuyển đến Damacus sau khi Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan của Syria. Jolani thừa nhận bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan vào năm 2000. Đến năm 2003, Jolani đã tới nước láng giềng Iraq để gia nhập al-Qaeda và chống lại sự chiếm đóng của Mỹ. Trong thời gian này, al-Qaeda đã sáp nhập các nhóm phiến quân cùng chí hướng, thành lập Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cực đoan Iraq, do Abu Bakr al-Baghdadi lãnh đạo. Ahmed Hussein al-Shara từng bị giam giữ tại nhà tù khét tiếng Camp Bucca của Mỹ.
Được trả tự do ngay khi cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu vào năm 2011, Jolani đã vượt biên và thực hiện sứ mệnh mở rộng al-Qaeda. Do mâu thuẫn và sự cạnh tranh trong hàng ngũ thủ lĩnh của al-Qaeda ngày càng gia tăng, Jolani đã tách ra khỏi hệ tư tưởng thánh chiến xuyên quốc gia của họ. Đến năm 2016, ông ly khai khỏi Al-Qaeda, đồng thời công khai chiến đấu chống lại al-Qaeda và IS.
Trong nhiều năm, Jolani đã cố gắng củng cố quyền lực dù bị kìm kẹp ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria khi chính quyền Tổng thống Assad nắm vững quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria với sự hỗ trợ của Iran và Nga. Tại Idlib, Abu Mohammad Jolani xây dựng mối quan hệ với các tổ chức cực đoan khác như Harakat Nour al-Din al-Zinki, Liwa al-Haq và Jaysh al-Sunna, đồng thời tìm cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh và đồng minh cũ.
Jolani cũng tìm cách đánh bóng hình ảnh "chính phủ cứu rỗi" của ông nhằm giành được sự ủng hộ của một số nước trên thế giới, đồng thời trấn an các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số của Syria. Ông cũng xây dựng mối quan hệ với nhiều bộ lạc và các nhóm khác. Theo chuyên gia người Syria Hassan al-Julani muốn xây dựng HTS thành một tổ chức đáng tin cậy ở Syria và có thể là đối tác trong các nỗ lực chống khủng bố toàn cầu. Tuy vậy HTS vẫn bị Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu coi là tổ chức “khủng bố”.
Phát biểu với CNN sau khi chính phủ Syria bị lật đổ, Mohammad al-Jolani cho biết: “Syria xứng đáng có một hệ thống quản lý mang tính thể chế, không có hệ thống nào mà một người cai trị duy nhất đưa ra những quyết định tùy tiện. Các bạn đừng phán xét dựa vào lời nói mà hãy dựa vào hành động”.
Mặt trận Nusra và cuộc xung đột ở Syria
Khi cuộc nội chiến ở Syria gia tăng vào năm 2013, tham vọng của Jolani cũng tăng theo. Jolani đã từ chối lời kêu gọi của al-Baghdadi nhằm giải tán Mặt trận Nusra và hợp nhất lực lượng này với lực lượng của al-Qaeda ở Iraq, để thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria, hay ISIS. Lực lượng của ông đã chiến đấu với IS và loại bỏ phần lớn sự cạnh tranh giữa phe đối lập có vũ trang ở Syria với chính quyền của ông Assad.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên vào năm 2014, Jolani đã nêu quan điểm phản đối các cuộc đàm phán chính trị ở Geneva để chấm dứt xung đột, đồng thời đặt mục tiêu mong muốn Syria được cai quản theo luật Hồi giáo, tuyên bố không có chỗ đứng cho các nhóm thiểu số Alawite, Shiite, Druze và Cơ đốc giáo ở đất nước này.
Củng cố quyền lực và đổi mới hình ảnh
Vào năm 2016, Jolani lần đầu tiên lộ diện trước công chúng trong một đoạn video thông báo lực lượng của mình sẽ đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham (phong trào Mặt trận Al-Nusra) và cắt đứt quan hệ với al-Qaeda.
“Tổ chức mới này không có liên kết với bất kỳ thực thể bên ngoài nào,” Jolani nói.
Động thái này đã mở đường cho Jolani khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các nhóm chiến binh đang chia rẽ. Một năm sau, lực lượng của ông lại đổi tên thành Hayat Tahrir al-Sham – nghĩa là Tổ chức Giải phóng Syria – khi các nhóm sáp nhập, giúp củng cố quyền lực của Jolani ở tỉnh Idlib.
HTS sau đó đã đụng độ với các chiến binh Hồi giáo độc lập phản đối việc sáp nhập, trở thành lực lượng đứng đầu ở tây bắc Syria, có khả năng cai trị “bằng nắm đấm sắt”.
Khi quyền lực được củng cố, Jolani bắt đầu thực hiện sự thay đổi về hình ảnh. Thay vì mặc quân phục, nhân vật này vận áo sơ mi và quần tây, bắt đầu kêu gọi sự khoan dung và đa nguyên tôn giáo
Jolani tìm cách lôi kéo cộng đồng Druze ở Idlib, nhóm mà Mặt trận Nusra trước đây từng nhắm tới, đồng thời đến thăm gia đình của những người Kurd đã bị lực lượng dân quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sát hại.
Năm 2021, Jolani có cuộc phỏng vấn đầu tiên với một nhà báo Mỹ trên PBS. Trong cuộc phỏng vấn, Jolani tuyên bố HTS không gây ra mối đe dọa nào cho phương Tây và việc áp đặt các lệnh trừng phạt áp đặt lên nhóm này là bất công.
“Chúng tôi đã chỉ trích các chính sách của phương Tây. Nhưng chúng tôi không phát động chiến tranh chống lại Mỹ hoặc châu Âu. Chúng tôi không nói rằng chúng tôi muốn chiến đấu với họ”, Jolani cho biết.