Theo bài công bố trên tạp chí y học Nature Aging, lão hóa là quá trình phức tạp và liên quan đến nguy cơ mắc các loại bệnh ngày càng tăng, vì vậy việc hiểu rõ hơn, cụ thể hơn cách con người thay đổi theo thời gian đóng vai trò lớn.
Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra rằng có 2 độ tuổi mà mỗi người sẽ cảm thấy cơ thể mình thay đổi cực kỳ nhanh chóng.
Một số nghiên cứu trước đây đã tìm thấy những thay đổi phi tuyến tính trong sự phong phú của phân tử có thể liên quan đến quá trình lão hóa ở chuột và người.
Các nghiên cứu dựa trên ruồi giấm, chuột và cá ngựa vằn cũng chỉ ra quá trình lão hóa từng bước ở những loài đó.
Lần này, TS Snyder và các đồng nghiệp cũng nhận thấy có sự thay đổi rất rõ ràng về số lượng của nhiều loại phân tử khác nhau trong cơ thể con người ở 2 giai đoạn riêng biệt. Trong đó, khoảng 81% tổng số phân tử mà họ nghiên cứu cho thấy những thay đổi trong 1 hoặc cả 2 giai đoạn đóng vai trò "bước ngoặt lão hóa" này.
Bước ngoặt thứ nhất rơi vào khoảng 44 tuổi, bước ngoặt thứ 2 là khoảng 60 tuổi hoặc có thể hơn một vài tuổi. Cách các bước ngoặt này xảy ra cũng có nhiều điểm khác nhau, nhưng nói chung đều khiến cơ thể con người có sự thay đổi đột ngột.
Bước ngoặt lão hóa vào giữa giai đoạn 40 đến trước 50 tuổi cho thấy sự thay đổi trong các phân tử liên quan đến quá trình chuyển hóa mỡ, caffeine và rượu, cũng như cũng như bệnh tim mạch và các rối loạn chức năng ở da và cơ.
Bước ngoặt này thường diễn ra rõ ràng ở phụ nữ với những thay đổi khó chịu gọi là giai đoạn tiền mãn kinh, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy thực ra nam giới cũng có sự thay đổi tương tự. Trong khi đó, bước ngoặt lão hóa vào đầu những năm 60 có liên quan đến quá trình chuyển hóa carbohydrate và caffeine, bệnh tim mạch, da và cơ, điều hòa miễn dịch và chức năng thận.
Chắc chắn 2 bước ngoặt này đều khiến bạn đột ngột trở nên dễ gặp các vấn đề sức khỏe hơn. Ví dụ tự nhiên tửu lượng kém đi, dễ bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, dễ béo lên hơn, hay phiền toái hơn là dễ bắt đầu mắc các bệnh mạn tính.
Theo Science Alert, các phát hiện thú vị trên dựa trên phân tích chi tiết các mẫu từ 108 người trưởng thành, chứ RNA, protein, lipid và các phân loại vi khuẩn đường ruột, da, mũi và miệng của họ, với tổng số 135.239 đặc điểm sinh học.
Mỗi người tham gia đã gửi trung bình 47 mẫu trong 626 ngày, từ đó giúp tạo ra hơn 246 tỉ điểm dữ liệu, từ đó giúp xây dựng một mô hình lão hóa chung.
Tất nhiên, phát hiện ra 2 "bước ngoặt lão hóa" không phải để gây sự lo âu mà là lời nhắc nhở quan trọng cho các bác sĩ lâm sàng và cho mỗi người.
Điều này cho thấy nếu sắp bước vào 2 độ tuổi trên, bạn cần nhận thức rằng cơ thể sẽ có sự thay đổi và bạn sẽ không thể mặc sức "thả trôi" một số thói quen như việc uống rượu, ăn thiếu lành mạnh hay kém vận động như trước, nếu muốn phòng ngừa các bệnh mạn tính.