Tiết kiệm là tốt, nhưng nhiều quá thì nên biết điểm dừng: 30 tuổi hẵng cứ bình tĩnh làm 1 việc này, đến 50 tuổi kiếm tiền sẽ dễ dàng hơn

Linh Hân |

Khi còn trẻ, chúng ta có thời gian và sức khỏe nhưng lại thiếu thốn tiền bạc. Để rồi khi về già, chúng ta lại nhận ra rằng mình dư thừa tiền bạc nhưng thời gian và sức khỏe chẳng còn nữa.

Khoảng 6 tháng trước khi qua đời trong một vụ tai nạn mô tô, nha sĩ của tôi đã đưa ra một lời khuyên khiến tôi nhớ mãi.

Tôi chơi khá thân với vị nha sĩ này, bởi lần nào đi khám tôi cũng tới chỗ ông. Thời gian chúng tôi ngồi trò chuyện còn nhiều hơn thời gian kiểm tra răng.

Vài năm gần đây, chúng tôi bàn khá nhiều về đầu tư và của cải. Không chỉ là một nha sĩ giỏi, ông còn là một tay chơi cừ khôi trên thị trường chứng khoán.

Vị nha sĩ này bắt đầu tập tành đầu tư ở tuổi 30 và đã kiếm được kha khá lợi nhuận trong một thời gian dài. Ông mới chỉ 57 tuổi khi qua đời. Dù vậy, ông vẫn kịp để lại cho tôi lời khuyên vô cùng sâu sắc.

"Đừng quá lo lắng về chuyện tiết kiệm thật nhiều tiền ở tuổi cậu. Tôi biết cậu muốn tự chủ tài chính. Tuy nhiên, cậu còn cả cuộc đời trước mặt. Thời điểm kiếm tiền tốt nhất là khoảng 40-50 tuổi. Tại sao phải cố quá từ bây giờ?", ông nói.

"Về sau kiếm được càng nhiều, cậu sẽ càng tiết kiệm và đầu tư được nhiều hơn. Bắt đầu và học hỏi từ bây giờ là tốt, nhưng cậu không cần phải tiết kiệm toàn bộ số tiền mình kiếm được. Hãy cứ tận hưởng cuộc sống đi."

Tiết kiệm là tốt, nhưng nhiều quá thì nên biết điểm dừng: 30 tuổi hẵng cứ bình tĩnh làm 1 việc này, đến 50 tuổi kiếm tiền sẽ dễ dàng hơn - Ảnh 1.

Vị nha sĩ ấy là một người nói được làm được. Ông ấy từng xin nghỉ phép 2 năm để tự tay chăm sóc con nhỏ. Họ cùng nhau đi du lịch vòng quanh thế giới, dong buồm khám phá biển khơi. Ông ấy thậm chí còn sở hữu một nhà hàng của riêng mình, sưu tập xe hơi Citroen cổ.

Có thể nói, nha sĩ của tôi đã sống một đời trọn vẹn.

Tiết kiệm cũng cần có điểm dừng

Lời khuyên của nha sĩ đã khiến tôi phải suy nghĩ thế nào là "đủ". Đã là tiền, có kiếm bao nhiêu cũng không đủ, tiết kiệm bao nhiêu cũng là không đủ.

Tôi đã chứng kiến điều này trong chính gia đình mình. Năm 30-40 tuổi, họ tập trung tiết kiệm tiền nên ít khi làm được những gì mình muốn. Mãi đến 50 tuổi họ mới nhận ra rằng mình đang già đi, mới nghĩ rằng mình đã tiết kiệm một cách quá cực đoan.

Đây là sai lầm lớn nhất mà những người phấn đấu tự chủ tài chính thường gặp phải. Vì muốn nghỉ hưu sớm, họ tước đoạt quyền được hưởng thụ của bản thân và chọn sống hoàn toàn cho tương lai.

Có những người tiết kiệm tới 70% thu nhập của bản thân. Bỏ ra vài năm lao động cật lực để tích lũy của cải là tốt, nhưng nếu cứ kéo dài mãi như thế thì không ổn.

Điều cốt lõi là bạn phải kiểm soát được thói quen chi tiêu của mình. Đừng tính toán quá chi li hay lo sợ quá đà về tình hình tài chính hiện tại của bản thân.

Tiết kiệm là tốt, nhưng nhiều quá thì nên biết điểm dừng: 30 tuổi hẵng cứ bình tĩnh làm 1 việc này, đến 50 tuổi kiếm tiền sẽ dễ dàng hơn - Ảnh 2.

Bạn vẫn cứ tiếp tục kiếm và tiết kiệm tiền, nhưng hãy dành thêm thời gian để đầu tư cho một kỹ năng hữu ích nào đó để mang lại giá trị mới cho bản thân. Sở hữu kỹ năng giá trị sẽ giúp bạn nhận về tiền công xứng đáng. Cứ như thế tích lũy trong nhiều năm, bạn sẽ ngày càng lên tay, càng giỏi trong sự nghiệp.

Gừng càng già càng cay, càng trưởng thành chúng ta sẽ càng kiếm được nhiều tiền hơn. Đó là tương lai tươi đẹp đang chờ đón những người biết đầu tư vào bản thân từ sớm.

Nếu mới 30 tuổi mà đã lo lắng về tình hình tài chính của mình, bạn đang chỉ nhìn vào bức tranh ngắn hạn. Bạn chỉ thấy số tiền đã và đang kiếm được gần đây, mà không thể thấy số tiền bạn sẽ kiếm được trong tương lai.

Kết quả là bạn càng tiết kiệm nhiều hơn để lấy lại cảm giác kiểm soát. Bạn ghét cảm giác bất an, nên bằng mọi giá tránh nó bằng cách tiết kiệm nhiều hơn nữa.

Làm sao để biết khi nào mình đang tiết kiệm quá nhiều?

Dấu hiệu nhận biết rằng bạn đang tiết kiệm quá nhiều: Lúc nào bạn cũng đau đáu suy nghĩ "Cái này giá bao nhiêu tiền?".

Những người tiết kiệm quá nhiều thường xuyên bị ám ảnh bởi suy nghĩ này. Họ hỏi giá mọi thứ, tính xem nó ảnh hưởng thế nào đến việc tiết kiệm của mình. Thói quen này không lành mạnh chút nào.

Mặt khác, vung tay quá trán hay có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu cũng không tốt chút nào. Điều bạn cần làm là cân bằng giữa chi tiêu và tiết kiệm. Không ai hay một loại sách vở nào có thể dạy bạn điều này. Cuộc sống quá phức tạp nên chúng ta phải tự phân tích hoàn cảnh của mình.

Tiết kiệm là tốt, nhưng nhiều quá thì nên biết điểm dừng: 30 tuổi hẵng cứ bình tĩnh làm 1 việc này, đến 50 tuổi kiếm tiền sẽ dễ dàng hơn - Ảnh 4.

Có vô số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tiết kiệm của bạn. Bạn bao nhiêu tuổi? Bạn coi trọng điều gì trong cuộc sống? Lối sống bạn theo đuổi là gì? Bạn có đang làm công việc mình yêu thích không? Bạn sống ở đâu? Khả năng bạn có thể tiếp tục lao động ngay cả khi đã già là bao nhiêu? Bạn có nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài không?

Cuộc đời còn dài nên bạn cứ thong thả mà suy nghĩ để tìm ra lối đi phù hợp nhất với mình. Nếu cần sự trợ giúp, đừng ngại thuê một chuyên gia tư vấn tài chính giúp đỡ mình.

Dù bạn chọn cách nào đi chăng nữa, hãy nhớ rằng mình cần sống cho hiện tại thay vì quá chú trọng tới tương lai. Đừng để bản thân phải hối tiếc những tháng ngày thanh xuân trôi đi không bao giờ lấy lại được nữa.

Bài chia sẻ của Darius Foroux - tác giả cuốn sách "Massive Life Success". Anh cũng cây bút kỳ cựu về đời sống, người sáng lập ra hệ thống Procrastinate Zero nhằm giúp mọi người hiện thực hóa được mục tiêu của mình.

(Theo Medium)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại