Tiết kiệm được 1 tỷ dù lương văn phòng 10 triệu, bài đăng của cô gái khiến hội đi làm phải suy nghĩ

Nguyệt |

Cô nàng này đã có 1 tỷ đồng như thế nào?

Có được 1 tỷ đầu tiên, thành tựu nghe có vẻ to lớn đối với nhiều người trẻ. Riêng với nhiều dân văn phòng, tiết kiệm được 1 tỷ đồng là con số xa vời bởi mức lương công sở không cao, trong khi sáng sớm mở mắt ra họ có biết bao chi phí sinh hoạt cần phải lo. Tuy nhiên, bằng nỗ lực tiết kiệm và chăm chỉ làm việc, có những dân văn phòng dù nhận lương không cao nhưng đã thành công tích lũy được 1 tỷ đồng, tạo nên an tâm hơn về mặt tài chính và phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Bí quyết của họ là gì?

Tích lũy 1 tỷ bằng cách nào?

Câu chuyện này được một người vợ chia sẻ trên hội nhóm về quản lý tài chính cá nhân và đầu tư nổi tiếng trên MXH, từ đó nhận về nhiều lời tán thưởng từ cư dân mạng. Người vợ cho biết, cô và chồng đều làm công ăn lương. Cho đến năm gần đây, cô và chồng mới chạm mốc lương 10 triệu/tháng.

Bài đăng chia sẻ kinh nghiệm của cô gái thu hút sự chú ý

Hành trình tích lũy 1 tỷ đồng của cô bắt đầu từ năm 2018. Trước đó, cô từng bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm, thường xuyên ở tình cảnh "kiếm được đồng nào, tiêu hết đồng đó". "Lúc thì mua vài cái váy, lúc thì vài đôi giầy. 8 năm cưới nhau không bao giờ có quá được 40 triệu trong tài khoản", cô tâm sự về quãng thời gian còn chưa biết tiết kiệm.

Công thức để dành được tiền tỷ của cô như thế nào?

- Sống tiết kiệm

Với mức lương của hai vợ chồng là 10 triệu đồng/người, hàng tháng mỗi người bỏ 8 triệu đồng vào quỹ chi tiêu chung. Còn lại 2 triệu đồng, họ giữ lại để chi tiêu, tiết kiệm hoặc đầu tư riêng.

Vợ chồng đã có nhà ở Hà Nội. Gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng, 2 con 14 tuổi và 9 tuổi. Với 16 triệu đồng, họ lo toan tất cả chi tiêu cho cả gia đình, không có sự hỗ trợ từ phụ huynh hai bên. Người vợ chia sẻ, hai con đang học trường công và được đi học thêm đầy đủ. Các con được phát triển tốt vì cha mẹ luôn ưu tiên ăn uống, học hành cho các con.

"Mình chi tiêu hợp lý thôi chứ không keo kiệt. Thời điểm này mình ưu tiên phát triển con cái, còn lại thì hạn chế", người vợ chia sẻ về nguyên tắc chi tiêu của gia đình.

Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ một số mẹo để sống tiết kiệm. Thứ nhất, cô hạn chế mua sắm quần áo và đồ dùng linh tinh. Thứ hai, cô không cài một số app của sàn thương mại điện tử để tránh mua tràn lan. Thứ ba, cô cố gắng chi tiêu trong kỷ luật, chỉ tiêu xài bằng lương chính, còn lương từ công việc tay trái thì để dành hết.

Thứ tư, cô hạn chế đi siêu thị vì "nhiều khi định mua 1 món đồ 200 ngàn. Xong vào cái gì cũng thấy hay nên bay luôn hơn triệu". Do đó, nếu có nhu cầu sắm thì cô sẽ mua ở đại lý gần nhà. Thứ năm là nguyên tắc gom mua đồ. Tức là nếu muốn mua đồ thì gom lại 1 lượt, đợi đến ngày sale của sàn thương mại điện tử mới mua. Ngoài ra, cô cũng thường gom mua đồ ở chợ 1 lần/tuần để vừa tiết kiệm thời gian mua sắm, vừa tiết kiệm tiền.

"Để có tiền dư, ngoài chăm chỉ kiếm tiền thì kỷ luật bản thân còn quan trọng hơn rất nhiều", cô nhắn nhủ.

Cả hai vợ chồng đều gửi 8 triệu/tháng vào quỹ chung hàng tháng (Ảnh minh họa)

- Chủ động gia tăng nguồn thu nhập

Với mức tiết kiệm riêng chỉ 2 triệu đồng/tháng sau khi đóng góp lương vào quỹ chung thì chắc chắn cô nàng sẽ không thể để dành được 1 tỷ đồng sau 6 năm.

Bí quyết của cô chính là làm thêm công việc tay trái để gia tăng thu nhập. Bên cạnh công việc văn phòng, cô còn nấu đồ ăn bán cho mọi người ở cơ quan, làm đồ handmade và đi cắm hoa thuê.

Khi kiếm được tiền từ công việc tay trái, cô sẽ không chi tiêu mà mang chúng gửi tiết kiệm, hoặc mua vàng. Có tháng cô mua được 3 chỉ vàng, hoặc có tháng gửi tiết kiệm được 10 triệu đồng. "Làm thêm được bao nhiêu thì cất hết đi, không tiêu", là nguyên tắc của cô nàng.

Cứ như thế sau 6 năm, cô nàng đã có được 1 tỷ đồng của riêng mình. Đây là khoản tiết kiệm riêng của cô, không phụ thuộc hay liên quan gì đến chồng. Được biết, chồng cô cũng có 1 quỹ tiết kiệm riêng mà vợ không can thiệp vào quỹ này.

Bên cạnh công việc văn phòng, cô còn làm nhiều công việc phụ để gia tăng thu nhập (Ảnh minh họa)

Học được gì từ câu chuyện của cô nàng này?

1 - Chi tiêu kỷ luật

Gia đình 4 người sống ở Hà Nội nhưng chỉ tiêu khoảng 16 triệu/tháng, là một con số cho thấy khả năng chi tiêu khéo của đôi vợ chồng này. Thực tế, nhờ chỉ trả chi phí sinh hoạt bằng tiền lương công việc văn phòng nên cô nàng còn dư tiền để đầu tư và tích lũy tài chính.

Hiện nay, nhiều người trẻ bỏ bê chuyện tiết kiệm vì nghĩ đi làm kiếm được mấy đồng đâu, thôi để chi tiêu cho sướng đã. Nhưng đó là chỉ là suy nghĩ tự đánh lừa bản thân thôi. Tiền trong tài khoản, tài sản trong tay mới là bằng chứng đanh thép nhất cho thói quen tiết kiệm cũng như cách chi tiêu của mỗi người.

Vâỵ nên mới nói tiết kiệm nửa vời, ừ thì cũng có dư chút ít đấy, nhưng để đạt tới trạng thái có tiền có của hay nói cách khác là có tài sản lớn, thì còn lâu.

2 - Chủ động tìm kiếm công việc để đa dạng thu nhập

Số tiền 1 tỷ đồng của cô nàng đều đến từ công việc tay trái bên ngoài. Giống như cô nàng này, ngày này nhiều dân văn phòng không hài lòng với một nguồn thu nhập từ công việc chính. Bởi nhiều công việc văn phòng chỉ đem lại mức lương trung bình, khó để họ lo toan các chi phí cuộc sống chứ đừng nói đến làm giàu. Bên cạnh đó, khi kinh tế khó khăn, thị trường việc làm cạnh tranh, chỉ có duy nhất một công việc sẽ không đủ đảm bảo cho an toàn tài chính, nếu chẳng may bạn rơi vào cảnh thất nghiệp.

3 - Không để tiền đứng im

Với những người chưa biết cách gia tăng thu nhập thì đầu tư là con đường để bạn "tiền đẻ ra tiền". Hiện nay, có nhiều hình thức đầu tư, với yêu cầu về số vốn từ thấp đến cao như mua vàng, tham gia chứng khoán, mua bán đất,...

Về phía cô nàng trên, cô không để tiền kiếm được đứng im, mà dồn vào các hình thức đầu tư an toàn là gửi tiết kiệm và mua vàng. Đa dạng danh mục đầu tư, không "all in" vào bất kỳ cuộc chơi nào giúp cô duy trì an toàn của tài sản, không lo đánh mất số tiền khó lắm mới kiếm được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại