Tiếp viên mang ma túy đối diện hình phạt nào?

Thu Hà/VOV2 |

Từ nước ngoài về Việt Nam, 4 nữ tiếp viên hàng không đã mang hàng chục kg ma túy. Hiện 4 nữ tiếp viên này chưa bị khởi tố và đang bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 16/3, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành soi chiếu và nghi vấn một số hành lý của tiếp viên có mang chất cấm. Kết quả phát hiện trong hành lý của 4 tiếp viên có thuốc lắc và methamphetamine. 4 tiếp viên gồm: Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân.

Theo thông tin ban đầu, các tiếp viên trên thuộc tổ bay của chuyến bay từ sân bay Pháp, hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất lúc 8h10 ngày 16/3. Khi chuyến bay hạ cánh, lực lượng hải quan tại nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện, giữ 4 tiếp viên mang hơn 10kg ma túy tổng hợp về Việt Nam.

Tiếp viên mang ma túy đối diện hình phạt nào? - Ảnh 1.

Số ma túy phát hiện tại hiện trường

Tại buổi họp báo chiều 17/3, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, tiếp viên khai rằng lúc ở Pháp, được một người nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng.

Ngày 21/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra vụ phát hiện hơn 11 kg ma túy trong hành lý của 4 nữ tiếp viên hàng không mang từ Pháp về Việt Nam và tiến hành khám xét nơi ở của các tiếp viên tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân (TPHCM).

Hiện 4 nữ tiếp viên này chưa bị khởi tố và đang bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phục vụ công tác điều tra. Qua khám xét nơi ở của 4 tiếp viên, lực lượng chức năng không phát hiện thêm ma túy.

Sau khi nhận được thông tin vụ việc, Vietnam Airlines đã quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đối với 4 tiếp viên trên để phục vụ công tác điều tra. Các cá nhân vi phạm quy định pháp luật, vi phạm nội quy lao động đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định, đơn vị sẽ không bao che.

Hình phạt đối với các nữ tiếp viên mang ma túy vào Việt Nam

Luật sư Nguyễn Hữu Toại – Giám đốc Công ty luật Hừng Đông cho biết: Theo quy định, người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại nhưng vẫn thực hiện. Nếu đúng như lời khai của các nữ tiếp viên hàng không và chứng minh được những lời khai đó là đúng, thì họ có thể không bị xử lý trách nhiệm hình sự và không thể xác định tội danh của họ.

Tuy nhiên, nếu không thể chứng minh thì họ có thể bị xử lý về tội danh: Vận chuyển trái phép chất ma túy, được quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong vụ án này, các tiếp viên mỗi người xách tay lên tới hơn 3kg chất ma túy (ở thể rắn).

Theo quy định của pháp luật hiện hành nếu có hành vi vận chuyển các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên đã có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tiếp viên mang ma túy đối diện hình phạt nào? - Ảnh 2.

Các tiếp viên hiện đã bị đình chỉ công tác, áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phục vụ điều tra

Nhìn nhận vụ việc này, Luật sư Phạm Thanh Bình – Công ty luật Bảo Ngọc cho rằng: Lời khai của các nữ tiếp viên về việc không biết trong các tuýp kem đánh răng kia có chứa ma túy vô lý. Bởi khi nhận hàng của một người lạ mặt vận chuyển vào Việt Nam là điều có trong nội quy của hãng hàng không và quy chế của đoàn bay có những quy định rất chặt chẽ. Những nữ tiếp viên này đều có tuổi nghề tương đối thì sẽ nắm rõ những gì được làm và không được làm trong mỗi chuyến bay. Cùng với đó, số lượng hàng khá lớn nhưng công vận chuyển chỉ 10 triệu đồng là điều không bình thường.

Nhiều người cho rằng mình không biết, nên không có tội và vô tư cầm hộ, cầm giúp hàng hóa cho người khác. Nhưng khi bị bắt, để chứng minh cầm hộ, giữ hộ cũng cực kì khó khăn. Thậm chí trong quá trình tố tụng, người cầm đồ hộ sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm được chứng cứ rõ ràng chứng minh mình “vô tội” “Việc chứng minh các nữ tiếp viên này vô tội sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với trường hợp chứng minh ngược lại” – Luật sư Phạm Thanh Bình bày tỏ.

Vô tình vận chuyển “chất cấm” có phạm tội?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại – Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Dịch vụ kinh doanh vận chuyển, giao nhận hàng hóa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi thực hiện dịch vụ này, bạn phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, trong đó có việc phải ký hợp đồng vận tải hoặc có giấy vận tải ghi rõ thông tin hàng hóa, thông tin khách hàng… Tuy nhiên trên thực tế, việc người dân gửi đồ đạc qua xe khách diễn ra hàng ngày, hàng giờ và đa số trường hợp là gửi đồ đạc nhỏ lẻ và cần thủ tục nhanh gọn.

Chính vì vậy, việc ký hợp đồng hay làm giấy vận tải thường không được thực hiện trên thực tế mà chủ yếu dựa vào sự tin tưởng, tín nhiệm lẫn nhau. Đây cũng chính là kẽ hở để tội phạm lợi dụng nhằm vận chuyển ma túy. Để rồi, nếu chẳng may bị kiểm tra, bắt giữ thì cơ quan chức năng cũng không có thông tin chính xác của người gửi hàng.

Theo quy định, người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại nhưng vẫn thực hiện.

Trong trường hợp các đối tượng lợi dụng các đơn vị vận chuyển, tuy nhiên các đơn vị vận chuyển chứng minh được lỗi là do vô ý thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cần chứng minh được như: đã có hợp đồng vận chuyển với các thông tin cụ thể của người gửi, người nhận là có trên thực tế, đã kiểm tra hàng hóa theo nghiệp vụ vận chuyển,… Nếu kết quả điều tra cho thấy hoàn toàn việc vận chuyển là đúng pháp luật về vận chuyển hàng hóa và người vận chuyển dù đã làm đủ các thủ tục, thao tác cần thiết trên thực tế để kiểm tra hàng hóa thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người dân cần lưu ý gì khi cầm hộ, mang hộ hàng hóa, hành lý?

Việc người dân sang nước ngoài hoặc đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia được gửi xách hộ hành lý hoặc hàng hóa là điều bình thường. Tuy nhiên, đây là hành vi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người xách hộ khi không thể kiểm tra kỹ tài sản đó là gì. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, mọi người cần lưu ý:

- Thứ nhất, không cả nể, không nhận xách tay hộ tài sản từ bất cứ ai, đặc biệt là những cá nhân không quen, biết rõ;

- Chỉ mang những tài sản mà bản thân biết rõ đó là gì, nguồn gốc, xuất xứ từ đâu;

- Tại sân bay, không cầm, giữ đồ hộ người lạ mặt;

- Chỉ nên tin chính mình là cách để tự bảo vệ bản thân./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại