Thông tin trên báo Giao thông, chiều 15/6, ngư dân Trần Đình Sơn cho biết, Sở NN&PTNT Bình Định đã mời ông đến để tham gia buổi làm việc với đại diện hãng Doosan, cùng Tổ thẩm định của Sở này.
Ông Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99245 TS đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) được lắp máy của hãng Doosan.
Tại buổi làm việc, đại diện hãng Doosan tiếp tục chất vấn và đổ lỗi tàu hư hỏng là do ngư dân.
Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc công ty TNHH ôtô Đông Hải (Hà Nội), đại diện ủy quyền phân phối động cơ thủy Doosan (Hàn Quốc) tại Việt Nam cho biết, qua kiểm tra đã xác định lỗi là do ông Sơn, hiện công ty đang chờ bên UBND tỉnh thông qua.
Khi được hỏi về lỗi cụ thể của ngư dân như thế nào thì ông Hải từ chối trả lời câu hỏi này.
"Kinh doanh thì chúng tôi không bao giờ đổ lỗi cho khách hàng nhưng chúng tôi sẽ chứng minh những cái không phải lỗi của hãng máy.
Chúng tôi không công bố kết quả mà chỉ có trách nhiệm đưa chứng cứ cho UBND tỉnh Bình Định. Bây giờ, UBND tỉnh cũng có đoàn kiểm tra và tự địa phương sẽ có kết luận chính thức, nếu chúng tôi tự kết luận sẽ không khách quan", ông Hải cho hay.
Vị đại diện hãng Doosan thông tin thêm, đã chi ra hơn 100 triệu đồng để vận chuyển gần 1 tấn phụ tùng theo đường máy bay về Việt Nam.
Trước yêu cầu phải thay máy mới chứ không chấp nhận việc sửa chữa phụ tùng của ngư dân, báo Sài Gòn giải phóng trích lời ông Hải.
"Với yêu cầu thay máy mới của ông Sơn, chúng tôi không đồng tình. Vì trong bảo hành thì chẳng ai lại đi thay máy mới cả, cái gì cũng phải hợp lý hợp tình...".
Ông Hải cùng chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra máy tàu vỏ thép của ông Trần Đình Sơn hồi tháng 5. Ảnh: Báo Giao thông.
Không đồng tình với đại diện hãng cung cấp máy tàu, ông Sơn dẫn những thành viên đại diện Doosan cùng Tổ thẩm định của tỉnh Bình Định xuống tàu của mình để đối chiếu những lỗi của máy tàu.
Tại đây, ông Sơn lấy 12 cái piston trong máy tàu lên, trong đó có 3 cái khác hẳn với 9 cái còn lại.
"12 piston mà có 3 cái nhỏ chút xíu, khác hẳn với những cái còn lại. Buồng nổ máy phải đồng bộ thì máy nổ mới đều được, không đồng bộ thì buộc phải gồng và gãy máy. Cái sai nó sờ sờ ra đó mà họ cứ cãi, còn đổ lỗi là do ngư dân.
Họ tưởng ngư dân dốt lắm nên đè đầu cưỡi cổ làm sao cũng được. Thực ra ông Hải chỉ là đại lý kinh doanh bán máy thôi, chứ về máy móc buồng nổ thì biết gì mà nói", ông Sơn bức xúc thông tin với PV báo Giao thông.
Sáng 16/6, trao đổi với báo chí, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết:
"Chúng tôi đã cử anh em xuống làm việc cùng đại diện hãng, nhưng chúng tôi cũng nói rõ rằng việc ngư dân không đồng ý để Doosan sửa chữa, thay thế phụ tùng là đúng.
Bởi phía hãng máy ký hợp đồng cung cấp máy với Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Còn phía Công ty TNHH MTV Nam Triệu ký hợp đồng đóng tàu với ngư dân nên Công ty đóng tàu phải chịu trách nhiệm với ngư dân chứ không phải hãng máy".
Tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn được đóng mới theo Nghị định 67/CP với số tiền 19,8 tỷ đồng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu. Máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, theo ngư dân này, từ khi hạ thủy vào tháng 12/2016 đến nay tàu ông chỉ đi được 2 chuyến biển nhưng thua lỗ đến gần 200 triệu đồng vì máy tàu hư hỏng liên tục.
Chuyến biển đầu tiên được vỏn vẹn 7 ngày thì phải quay vào bờ vì tàu gặp sự cố về máy. Khi ông Sơn gọi điện báo máy hỏng thì công ty vào khắc phục trong vòng 1 tháng mới xong. Chuyến biển tiếp theo máy lại bị hỏng, gãy trục chính.
"Trên tàu là sinh mạng của hơn 10 thuyền viên, nếu tàu hư hỏng thì ai dám đi trên con tàu đó, lỡ ra khơi gặp sự cố thì ai chịu trách nhiệm", báo Pháp luật TP HCM trích lời ông Sơn.
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng
Tổng hợp