Cách đây gần 6 thập kỷ, thành công của chuyến bay đầu tiên đưa con người vào vũ trụ do phi hành gia Yuri Gagarin (1934 – 1968) thực hiện ngày 12/4/1961 trên con tàu Phương Đông 1 (Vostok 1), đã chính thức đưa Liên Xô lên vị trí dẫn đầu thế giới trong cuộc đua chinh phục không gian.
Liên Xô mở ra kỷ nguyên vũ trụ mới trong lịch sử loài người đúng vào lúc cuộc đối đầu không đổ máu giữa quốc gia này và Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn căng thẳng nhất.
Không chỉ công nghệ, vũ khí, người Mỹ và người Liên Xô còn không ngừng cạnh tranh nhau về không gian. Và tất nhiên, mặt trái cay đắng của cuộc đua khốc liệt thời ấy chỉ có những người trong cuộc và lịch sử mới được chứng kiến.
Sau "cú đấm kép" của người Liên Xô, bao gồm: Chế tạo và phóng thành công Sputnik 1 - vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử vào ngày 4/10/1957 (1); và việc đưa con người lần đầu tiên bay vào vũ trụ (2), quốc gia này bắt đầu tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua không gian với Mỹ.
Nước Mỹ lúc bấy giờ thúc đẩy chương trình khai phá vũ trụ của mình mạnh hơn bao giờ hết. Điều tất yếu xảy ra, lãnh đạo Liên Xô cần những thành tựu mới để kìm lực người Mỹ. Không ai chịu lép vế hay thụt lùi trước ai.
Và tất nhiên, cũng không người Liên Xô nào biết rằng, vì nóng lòng vượt mặt Mỹ, lịch sử Liên Xô phải một lần ghi lại những ký ức đau thương từ thảm họa không gian từng lấy đi biết bao nước mắt của người trong cuộc.
Vladimir Komarov, phi hành gia được phong tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô ngay trong giấy phút đối mặt với cái chết ấy, đã mãi mãi ra đi ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Người ta khóc vì anh, nhớ đến anh bởi sự hi sinh vô cùng anh dũng, bởi những cống hiến tốt đẹp cho đất nước, và cũng bởi những giây phút cuối cùng đầy ám ảnh trước khi con tàu của anh lao xuống mặt đất rồi vỡ tan tành....
1. Sứ mệnh tự sát
Sau khi triển khai Chương trình Mercury (dự án đưa người vào vũ trụ đầu tiên của Mỹ, diễn ra từ năm 1959 - 1963), Tổng thống Mỹ thời bấy giờ là John F. Kennedy hạ lệnh cho thực hiện Chương trình Apollo dài hơi trong suốt thập niên 1960, nhằm khám phá và đưa con người lên Mặt Trăng. Về sau, chương trình tiêu tốn hàng tỷ USD này của Mỹ đã mang lại kết quả khi vào ngày 20/7/1969, tàu Apollo 11 đã đưa những phi hành gia đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên Mặt Trăng, là Neil Armstrong và Edwin "Buzz" Aldrin.
Trong bối cảnh đó, Liên Xô tức tốc xây dựng con tàu vũ trụ có người lái mới mang tên Soyuz, nhằm thay thế Phương Đông 1, và cũng để khởi động chương trình đưa người lên Mặt Trăng, giống Mỹ!
Năm 1960, Vladimir Komarov, một kỹ sư hàng không kiêm phi công bay thử nghiệm người Liên Xô, được chọn làm thành viên trong nhóm phi hành gia tham gia huấn luyện cho chuyến bay nhiều người đầu tiên ra ngoài không gian. Cùng nhóm huấn luyện với Vladimir Komarov là phi hành gia Yuri Gagarin.
Vladimir Komarov (1927 - 1967) - Người anh hùng dân tộc của Liên Xô.
Sau khi hay tin tình báo về chương trình chinh phục Mặt Trăng của Mỹ, Liên Xô đánh bạo thực hiện một nước cờ mạo hiểm: Họ muốn thực hiện dự án phức hợp tàu vũ trụ kết nối trên quỹ đạo Trái Đất – Soyuz của hai con tàu vũ trụ trong không gian.
Một trong hai con tàu vũ trụ đó là Soyuz 1. Soyuz 1 có nhiệm vụ chở một phi hành gia tiến đến quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Tàu vũ trụ còn lại là Soyuz 2 chuyên trách chở các phi hành gia khác.
Theo kế hoạch, khi hai con tàu phóng ra ngoài không gian thành công, hai con tàu sẽ tiến hành kết nối với nhau, các phi hành gia tàu này sẽ sang con tàu vũ trụ kia. Sau đó, một con tàu sẽ quay trở lại Trái Đất.
Kế hoạch nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nó đã sớm bị các kỹ sư xây dựng tàu Soyuz bác bỏ ngay từ khi còn trong trứng nước! Bởi có quá nhiều trở ngại cho thấy, kế hoạch này chẳng khác gì một nhiệm vụ tự sát.
Bất chấp những lời cảnh báo của giới khoa học, bất chấp cả những phản đối của các kỹ sư trong đội phát triển tàu vũ trụ có người lái Soyuz (vì họ biết Soyuz chưa sẵn sàng cho một chuyến bay có người lái), giới lãnh đạo chương trình không gian vẫn một mực tiến hành theo kế hoạch. Họ ném bản thảo 10 trang, trong đó nói về những nguy hiểm cũng như sự bất khả thi của dự án phức hợp tàu vũ trụ trong không gian, vào sọt rác.
Thật không may, một trong những người phải tham dự nhiệm vụ tự sát này chính là Vladimir Komarov.
Về sau, theo một nguồn tin mật của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), bản thân Vladimir Komarov biết rằng nhiệm vụ này sẽ thất bại nhưng lãnh đạo Liên Xô, vì nóng lòng chạy đua với Mỹ, đã phớt lờ tất cả.
Bị cấp trên ra nhiệm vụ, Vladimir Komarov ý thức được tình hình. Nhưng thay vì trốn tránh hay lên tiếng biện minh, người phi công bay thử nghiệm ấy đã chấp nhận nhiệm vụ. Anh chọn bay trên con tàu Soyuz 1.
Đôi bạn thân Yuri Gagarin (trái) và Vladimir Komarov. Ảnh: Motherboard
Nhiều người không hiểu vì sao anh lại chọn bay "đơn thương độc mã" trên Soyuz 1. Sau rồi người ta mới biết rằng, nếu anh từ chối nhiệm vụ, người ta sẽ thay thế anh bằng một phi hành gia khác. Người đó không ai khác chính là bạn thân của anh - phi hành gia Yuri Gagarin!
Ba phi hành gia tham gia bay sau Vladimir Komarov trên Soyuz 2 là Valery Bykovsky, Aleksei Yeliseev, và Yevgeny Khrunov.
2. Ngày anh bay - 23/4/1967 - cũng là ngày mất của anh
Đôi bạn thân ấy đều có mặt trong cái ngày định mệnh ấy: Ngày 23/4/1967.
Người ta nhớ lại rằng, trước khi bay, Vladimir Komarov có những yêu cầu khác lạ về bộ đồ bay của mình. Anh mong muốn được mặc đồ bảo hộ Pressure suit (có khả năng chống chịu được ở nơi có áp suất không khí cực thấp). Người ta tin rằng, khi ấy Vladimir Komarov hiểu con đường mình sắp đi sẽ khốc liệt và nguy hiểm tới tính mạng như thế nào.
3 tháng
... sau thảm kịch tàu Apollo 1 (một vụ hỏa hoạn xảy ra trong ngày phóng tàu 27/1/1967 giết chết 3 phi hành gia Mỹ), giờ đây Đại tá Vladimir Komarov lên đường thực hiện nhiệm vụ bay đầu tiên trên con tàu Soyuz lịch sử.
9 phút
... sau khi cất cánh, tàu vũ trụ Soyuz tiến vào vùng quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Ngay lập tức, những sai sót trên biên bản 10 trang trình lên giới lãnh đạo đã thành hiện thực. Thậm chí, ở mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Những sai sót kỹ thuật liên tiếp xảy ra: Ăng-ten của con tàu không hoạt động. Hệ thống năng lượng và điều hướng cũng không hiệu quả. Bảng điều khiển con tàu (bán tự động, chạy bằng năng lượng Mặt trời, cung cấp nhiên liệu cho con tàu) không hoạt động. Con tàu không thể chạy với nguồn nhiên liệu đang dần cạn kiệt.
Ở dưới mặt đất, trạm chỉ huy ra quyết định phóng tàu Soyuz 2 với một đội gồm ba phi hành gia để thực hiện nhiệm vụ giải cứu Vladimir Komarov.
Không may thay, một tia sét đánh vào bệ phóng khiến cho kế hoạch phóng Soyuz 2 phải hủy bỏ. Soyuz 1 và người phi hành gia của nó phải tự xoay sở để bảo vệ lấy mình!
Khi nhiên liệu cạn kiệt, Soyuz 1 trở thành khối sắt "vô dụng", nó lao tự do trở về mặt đất với vận tốc khủng khiếp.
Trong cơn tuyệt vọng cực cùng, Vladimir Komarov quyết định khởi động lại bảng điều khiển. Trong lúc này, Vladimir Komarov kích hoạt chiếc dù chính nhằm bảo vệ tính mạng trong trường hợp bảng điều khiển vẫn bị vô hiệu hóa.
Chiếc phao cứu sinh cuối cùng của anh cũng không thể vận hành theo mong muốn. Vladimir Komarov cuống cuồng mở chiếc dù dự bị. Nhưng không hiểu vì lý do gì, nó cũng không hoạt động!
Sáng ngày 24/4/1967
... một vài dân làng sinh sống ở phía nam dãy núi Ural chứng kiến một vật thể khổng lồ lao xuống đất. Họ không biết rằng, vật thể khổng lồ đó chính là Soyuz 1 chở phi hành gia, đại tá Vladimir Komarov và đâm xuống mặt đất với vận tốc 140km/giờ.
Đống vụn vỡ từ con tàu Soyuz 1.
Khoảnh khắc, chiếc dù dự bị không thể mở được, Vladimir Komarov ý thức hoàn toàn được điều gì sẽ xảy tiếp theo.
Những giây phút cuối cùng trong cuộc đời người phi hành gia 40 tuổi ấy là cuộc đàm thoại với sở chỉ huy mặt đất. Nhưng đoạn hội thoại ấy bị giấu nhẹm và trở thành một trong những sự kiện bí ẩn và gây nhiều tranh cãi nhất của thế kỷ 20.
Những gì người trong cuộc và người đời biết chỉ là những tiếng thét đầy đau đớn của một con người đối mặt rất gần với Thần Chết. Qua bộ đàm, những người dưới mặt đất vẫn còn nhớ như in "tiếng khóc, tiếng thét trong cơn tuyệt vọng cùng cực".
3. Tiếng nấc của người vợ và lời tiễn biệt cuối cùng
Liên Xô luôn có những bí mật quốc gia được bảo toàn tuyệt mật trước dư luận và thế giới. Không ai biết rõ sự thật trong cuộc hội thoại cuối cùng của Vladimir Komarov. Chỉ biết rằng, trong trạng thái cuồng loạn đó, Vladimir Komarov đã nói chuyện với Alexsei Kosygin, Thủ tướng của Liên Xô, người đã khóc cùng Vladimir Komarov. Câu cuối cùng Alexsei Kosygin nói chính là "Vladimir Komarov, anh là người hùng của dân tộc!"
Sau giây phút ngắn ngủi trò chuyện với vợ về những đứa trẻ đáng yêu của hai người, Soyuz 1 và anh đâm sầm xuống mặt đất với một lực của một thiên thạch nặng 2,8 tấn.
"Chúng tôi tìm thấy phần thi thể còn sót lại của Vladimir Komarov một giờ sau khi tiến hành thu thập các mảnh vụn của con tàu Soyuz 1. Ban đầu, chúng tôi chẳng thể phân biệt đâu là đầu, tay hay chân của anh ấy. Anh ấy đã... bị thiêu cháy ngay cả khi con tàu chưa kịp lao xuống mắt đất. Ngọn lửa đã biến cơ thể người anh hùng ấy chỉ còn là một phần cháy đen, có kích thước 30 x 80cm.", đồng đội của anh xót xa kể lại.
Phần thi thể cháy đen còn lại của người anh hùng Liên Xô Vladimir Komarov.
Người anh hùng Liên Xô Vladimir Komarov mãi mãi ra đi, để lại sự nuối tiếc của nhiều người.
Đã 51 năm trôi qua kể từ thảm họa tàu vũ trụ đau lòng ấy, người ta vẫn không hiểu tại sao, cả hai chiếc dù đều không mở.
Cái chết thương tâm của Vladimir Komarov trở thành sự mất mát về người khi bay trong vũ trụ đầu tiên trong lịch sử.
Bài viết sử dụng nguồn: Futurism, Space, Listverse