Tiếng nổ phát ra từ chiến đấu cơ trang bị tên lửa dẫn đường của Anh: Chuyên gia vén màn bí ẩn

Nhật Minh |

Một loạt ngôi nhà đã rung chuyển sau tiếng nổ khiến các người dân nước Anh bàng hoàng. Nhiều người không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Người dân xôn xao

Một tiếng nổ như sấm sét đã làm rung chuyển các ngôi nhà và khiến người dân Anh bàng hoàng sau khi chiếc Eurofighter Typhoon lao qua bầu trời Northamtonshire, Lincolnshire và Cambridgeshire.

Dữ liệu từ FlightRadar cho thấy chiếc máy bay này đã cất cánh gần Grantham vào khoảng 8h30 ngày 30/8. Nó đã bay qua thành phố Milton Keynes và đi xuống Đồi Chiltern, trước khi quay trở lại phía bắc qua thị trấn Luton và thành phố Peterborough.

Những người nghe thấy tiếng nổ đã lên mạng xã hội để chia sẻ sự kinh ngạc của họ.

"Các ngôi nhà đang rung chuyển" – Một người viết trên Twitter.

"Khá là bất thường đấy, các cửa sổ đang rung chuyển" – Một cư dân mạng khác chia sẻ.

Tiếng nổ phát ra từ chiến đấu cơ trang bị tên lửa dẫn đường của Anh: Chuyên gia vén màn bí ẩn - Ảnh 1.

Một chiếc Eurofighter Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Daily Express.

Theo Không quân Hoàng gia Anh, Eurofighter Typhoon là máy bay chiến đấu "có khả năng cao và cực kỳ nhanh nhạy", được triển khai trong tất cả các hoạt động trên không của Anh như tuần tra hay tham gia vào các xung đột "cường độ cao".

Các máy bay Typhoon của Anh được bố trí ở hai căn cứ Lossiemouth và Coningsby của Không quân Hoàng gia Anh và đều thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận Vương quốc Anh.

Eurofighter Typhoon chỉ mất chưa đầy 2 phút 30 giây để có thể cất cánh với tốc độ Mach 1.5 và bay ở độ cao 35.000 feet, trong khi máy bay có trần bay tối đa là 55.000 feet.

Mẫu chiến đấu cơ này được trang bị tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, bom Paveway dẫn đường bằng laser và pháo 27 mm. Chúng thường được Anh điều động để truy đuổi và đánh chặn máy bay nước ngoài khi bay qua không phận Anh.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh nói với hãng tin BBC: "Không quân Hoàng gia Anh chịu trách nhiệm kiểm soát không phận Vương quốc Anh và không muốn gây ra bất cứ sự xáo trộn nào cho người dân trên mặt đất, tuy nhiên, sự an toàn và an ninh của quốc gia vẫn là điều tối quan trọng".

Giải mã tiếng nổ bí ẩn

Theo tờ Daily Express, tiếng nổ mà các cư dân Anh nghe được thực chất là một vụ nổ âm thanh do các máy bay tạo ra.

Lý giải về điều này, chuyên gia Jason Bittel của tạp chí National Geographic cho biết, nếu bạn nghe thấy âm thanh giống như tiếng sét, nhưng không có một đám mây đen nào trên bầu trời thì nguồn gốc của tiếng ồn đó chỉ có thể là tiếng nổ siêu thanh.

Trên lý thuyết, khi một vật thể di chuyển trong không khí vượt qua ngưỡng tốc độ âm thanh (1.236 km/h), một tiếng nổ chói tai sẽ vang lên, đi kèm theo đó là một "làn mây nhỏ" bao quanh vật thể. Hiện tượng đó được gọi là "phá vỡ tường âm thanh".

Với trường hợp của chiến đấu cơ, có thể hiểu như sau: Bức tường âm thanh hay bức tường không khí là nơi không khí bị nén lại xung quanh chiến đấu cơ phản lực khi chiến đấu cơ này bay đạt bằng tốc độ siêu âm.

Tiếng nổ phát ra từ chiến đấu cơ trang bị tên lửa dẫn đường của Anh: Chuyên gia vén màn bí ẩn - Ảnh 2.

Theo chuyên gia, hiện tượng mà người dân Anh vừa chứng kiến là một vụ nổ siêu thanh. Ảnh: Military.

Tại đây, không khí bị nén lại xung quanh chiến đấu cơ tạo thành một khối đặc và có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu chiến đấu cơ duy trì ở tốc độ siêu âm và độ cao không đổi, "bức tường" này sẽ xuất hiện liên tục xung quanh chiến đấu cơ.

Tuy nhiên, nếu chiến đấu cơ tăng tốc, tiếng nổ siêu thanh sẽ phát ra, báo hiệu việc tiêm kích đã vượt qua tốc độ âm thanh, bức tường không khí sau đó cũng sẽ biến mất.

Thông thường, bức tường không khí này chỉ xuất hiện khi chiến đấu cơ bay siêu âm ở độ cao thấp - nơi có không khí đặc đủ để tạo ra được một bức tường không khí có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Về cơ bản, nó là không khí bị nén lại do chuyển động quá nhanh xung quanh chiến đấu cơ và không ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của máy bay.

Theo RT, tiếng nổ do hiện tượng "phá vỡ tường âm thanh" gây ra thực sự to như sấm sét hoặc như một vụ nổ, có thể làm vỡ cửa sổ các ngôi nhà và thậm chí làm hỏng màng nhĩ của con người.

Không quân và Hải quân Mỹ cho biết họ từng phải xử lý rất nhiều trường hợp bị thương hoặc thiệt hại gây ra do tiếng nổ siêu thanh trong những năm qua. Năm 1982, Không quân Mỹ đã phải bồi thường 26.000 USD, sau khi một gia đình ở bang Tennessee cáo buộc vụ nổ siêu thanh đã giết chết 61 con lợn, khiến một phụ nữ văng mối hàn răng và làm sụp móng một ngôi nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại