Mấy ngày gần đây, trên báo chí và cả trên mạng có nhiều tranh luận căng thẳng về Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey người được đề xuất vào chức danh Chủ tịch hội đồng tín thác của Đại học Fulbright ở Việt Nam.
Bob Kerrey là cựu binh Mỹ, từng tham gia chỉ huy trong vụ thảm sát ở Thạnh Phong, Bến Tre năm 1969 (thông tin này được truyền thông Mỹ điều tra và đưa lên hồi năm 2001).
Luồng ý kiến ủng hộ thì nhìn nhận những cố gắng và đóng góp của ông Kerrey trong vòng 25 năm vận động gây quĩ cho Fullbright cũng như các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh khác mà ông cùng với rất nhiều cựu binh là các quan chức trong chính phủ Mỹ từng làm.
Những ý kiến phản đối cũng không ít và khá gay gắt, cho rằng một con người với quá khứ như vậy hẳn không nên giữ một vị trí ở trong ngôi trường mới mở, sợ rằng hình ảnh của ông có tính biểu tượng cho hành động dã man vô nhân đạo cũng như gian dối về những điều ông đã làm như cáo buộc của báo chí Mỹ.
Cái bắt tay của Phạm Công và Kenneth Scheil ở Mỹ Lai
8 năm về trước, trong đợt kỷ niệm 40 thảm sát Mỹ Lai, tôi gặp một nhân vật rất đặc biệt đi cùng đoàn làm phim của Hãng Al Jazeera, một cựu binh Mỹ. Họ nói anh ta xưa tham chiến ở gần Quảng Ngãi và đang đi thăm lại chiến trường xưa, nhân tiện đi dự lễ kỷ niệm này.
Tôi quan sát và nhận ra nhiều thứ bất thường ở Kenneth Scheil, tên của người cựu binh này - anh ta cứ thơ thẩn đi một mình xung quanh khu chứng tích, thỉnh thoảng lại đứng lặng im, bất động mấy phút liền cạnh những cái cây to.
Lúc ngồi nói chuyện riêng với anh, khi anh đang nói về động thực vật một cách say sưa như một nhà chuyên môn thì tôi bất ngờ hỏi: "Anh chính là một trong những người lính của Đại đội Charlie, 40 năm trước giết chóc dân thường ở đây, đúng không?!
Im lặng hồi lâu rồi bật khóc, Kenneth thú nhận"Vâng, tôi đã đến đây 40 năm trước. Tôi đã bắn vào họ cho đến khi tự nhận thấy mình sai. Và tôi chỉ dừng lại cảnh giới ở bìa làng, không vào tiếp…".
Kenneth Scheil. Ảnh: Na Sơn.
Buổi chiều hôm ấy, Kenneth được gặp anh Phạm Công, giám đốc Khu chứng tích Mỹ Lai, cũng là nạn nhân sống sót duy nhất của gia đình anh trong vụ thảm sát đẫm máu cướp đi sự sống của 504 thường dân Mỹ Lai ngày 16/3/1968.
Phóng viên Al Jazeera giới thiệu 2 người với nhau và cho anh Phạm Công biết thân phận của Kenneth.
Anh Công nói: "Anh chỉ bắn giết ở đầu làng và không vào sâu nữa đúng không? Nhưng nhà tôi là cái nhà đầu tiên ở đầu làng, tất cả bố mẹ anh chị em nhà tôi đều bị giết chết.
Rất có thể chính anh là người đã làm điều đó!". Kenneth gần như gục hẳn xuống sàn, bị tuột khỏi ghế và người đàn ông to lớn ấy cứ nghẹn ngào trong những tiếng nấc suốt hơn 1 giờ đồng hồ mà không thể thốt ra nửa từ.
Cuối buổi gặp, anh mới nói với Phạm Công:
"40 năm nay, không lúc nào tôi không bị ám ảnh bởi cái ngày kinh khủng ấy. Thậm chí mùi của những cái cây nơi tôi ở cũng làm tôi nhớ ngay đến Mỹ Lai, và kỳ lạ mùi của chúng y hệt nhau.
Tôi không mong được tha thứ nhưng tôi thực sự xin ông tha tội cho những gì tôi đã gây ra trên mảnh đất này…".
Anh Công không nói, không trả lời và chỉ ngồi im lặng.
Kenneth trong cuộc nói chuyện với anh Phạm Công. Ảnh: Đ.N.
Sáng hôm sau, 16.03.2008, trước khi Lễ tưởng niệm diễn ra, 2 người đàn ông ấy lại gặp nhau. Anh Phạm Công với đôi mắt thâm quầng như sụp xuống nói với Kenneth:
"Cả đêm qua tôi không thể ngủ được, mọi thứ trở về rõ ràng và tôi cứ nằm nghĩ mãi. Tôi hận thù các anh. Nhưng hôm nay tôi nói với anh rằng tôi sẽ tha thứ cho anh.
Đã 40 năm trôi qua. Tôi và anh không thể giữ mãi nỗi ám ảnh cứ đè lên ngực mình mãi được".
Rồi hai người bắt tay nhau, ôm nhau cùng khóc…
Hãy để nỗi đau quá khứ dần lành lại
Tôi rất tâm đắc với ý kiến chia sẻ trên báo chí của nhà văn Bảo Ninh, một người từng là lính thực thụ, vào sinh ra tử trong cuộc chiến chống Mỹ:
… Thực ra, bản thân những người như ông Bob Kerrey… những người đã phạm tội ác cũng đã phải vượt qua sự lên án từ chính bản thân họ, từ chính cộng đồng của họ, ngay tại nước Mỹ. Tội lỗi ám ảnh dày vò họ khủng khiếp lắm.
Ngay bản thân xã hội Mỹ, vẫn còn nhiều ý kiến không tán đồng việc Chính phủ Mỹ và Việt Nam xích lại gần, đặc biệt là giới trẻ.
Thú vị ở chỗ, hầu hết những người phản đối lại là những người chưa từng cầm súng, chưa từng đào công sự, họ chưa từng trải nghiệm "nỗi buồn chiến tranh…
Riêng tôi, tôi đã hỏi các đồng đội của tôi, ít nhất 70% trong số họ ủng hộ khép lại quá khứ, ủng hộ ông Bob Kerrey và Đại học Fulbright. Chẳng ai trong số chúng tôi lãng quên lịch sử. Chúng tôi nhớ, nhưng chúng tôi khép nó lại".
Bob Kerrey trong Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam ngày 25/5. Ảnh: Minh Thanh
Frederic "Fred" Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, chính là người gìn giữ cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và mang nó trở lại Việt Nam.
Hơn 10 năm trước, khi cuốn nhật ký trở nên quá nổi tiếng, ông và anh trai cũng là cựu binh đã có nhiều chuyến quay lại chính Đức Phổ, Quảng Ngãi- mảnh đất khi xưa Fred tham chiến.
Dân Đức Phổ coi ông như một người bạn thân, như một vị ân nhân vì đã giúp họ lưu giữ những điều tốt đẹp của người bác sĩ mà họ từng yêu mến mặc dù với một số cựu quân nhân, du kích vùng Đức Phổ, Fred từng như một "hung thần".
Ông nắm mọi thông tin, truy tìm và giúp quân đội Mỹ giết hại rất nhiều lực lượng chiến đấu ở đây, trong đó có cả bệnh xá do bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm phụ trách.
Trong vài lần trò chuyện riêng, khi tôi hỏi "Ông có trực tiếp bắn người không?" Fred đã trả lời
"Có chứ! Chiến tranh mà, tôi không bắn họ thì họ sẽ bắn tôi. Cả vùng ấy thân cộng sản, hầu hết đều liên hệ với quân giải phóng".
Tác giả Na Sơn
Ông kể cho tôi một vài vụ mà ông vẫn nhớ:
"Thằng bé ấy rất nhỏ, chừng 14, 15 tuổi thôi nhưng nó có lựu đạn trong người, nó định rút chốt và tôi bắn thẳng vào nó... Tôi vẫn nhớ gương mặt trẻ con của nó...
Có cả một người đàn bà bụng chửa vượt mặt nữa...Nhưng tôi nhắc lại đấy là chiến tranh và nó lùi xa mấy chục năm rồi anh bạn trẻ ạ! Tôi đã về đây, ngồi uống rượu chung với họ như những người bạn bè, anh em".
Tôi chợt nghĩ, đất nước này, dân tộc này dù trải qua bao nhiêu cuộc chiến thảm khốc những vẫn đứng lên được ngẩng đầu, vẫn tiến tới được trên con đường phát triển chính là vì biết khép lại quá khứ với tấm lòng vị tha, bao dung.
Người Tàu đô hộ hơn 1000 năm, người Tây 100 năm, người Nhật cũng có mấy năm, còn người Mỹ 20 năm với Việt Nam, giết chóc người Việt mà chúng ta cũng đã đều mở lòng thứ tha để cùng nhau hợp tác phát triển trong thời đại mới, trở thành đối tác của nhau.
Vậy thì chúng ta nếu có đưa cái quá khứ bi thương ra, thì cũng là để không quên, nhưng đừng hận thù Bob Kerrey nữa.
Với Fulbright, tôi nghĩ họ đủ đầu óc để phân tích nhìn nhận cái gì nên đóng lại, cái gì nên mở ra ở ngôi trường mang tính biểu tượng của sự hợp tác mới, quan hệ mới Việt Mỹ này.
Hãy để quá khứ đau thương ngủ yên và nhìn đến tương lai...