Tang thương nối tiếp tang thương
Vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thủ đô Beirut, Liban, san phẳng phần lớn cảng của thành phố, làm hư hại các tòa nhà và bốc lên như một đám mây hình nấm khổng lồ lên bầu trời.
Ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương, nhiều thi thể bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Omar Kinno ngồi thất thần trên hè phố bên ngoài một bệnh viện, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt người đàn ông vừa tận mắt chứng kiến một vụ nổ kinh hoàng khiến trời rung đất chuyển.
Một nạn nhân của vụ nổ được lính cứu hỏa giúp đỡ.
Kinno là người Syria nhưng sống ở Beirut. Anh nói: "Một chị gái của tôi đã chết, một chị bị gãy cổ, cha mẹ tôi không rõ sống chết ra sao khi vụ nổ làm rung chuyển căn hộ của chúng tôi gần cảng".
Cha mẹ của Kinno bị thương và đã được đưa đến bệnh viện nhưng anh không biết điều đó và đang cố liên lạc với họ.
"Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với bố mẹ tôi. Tôi hoàn toàn mất phương hướng", anh nói.
Cảnh nhận nhầm người thân diễn ra khắp thành phố, khi mọi người dọn dẹp những ngôi nhà bị hư hại hoặc cố gắng xác định vị trí gia đình.
Một người phụ nữ đầy máu chảy dọc từ thắt lưng vừa bước xuống một con đường đầy vụn gạch vừa gào lên qua điện thoại.
Trên một con phố khác, một người phụ nữ với khuôn mặt máu me trông quẫn trí, lảo đảo đi cùng 2 người khác.
"Đất nước này bị nguyền rủa rồi", một thanh niên đi ngang qua lẩm bẩm.
Vụ nổ xảy ra vào thời điểm nền kinh tế Liban đang đối mặt với sự sụp đổ từ cuộc khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nhiều người đã mất việc làm, trong khi giá trị tiền tiết kiệm của họ đã "bốc hơi" khi đồng tiền giảm giá trị so với đồng đô la. Kết quả đã đẩy nhiều người vào tình cảnh nghèo đói.
Thảm họa này khiến Liban chìm sâu vào cảnh khốn khổ, hàng ngàn người không còn chốn dung thân.
Một số bệnh viện của Beirut đã bị hư hại trong vụ nổ. Bên ngoài Bệnh viện Đại học St. George ở khu phố Achrafieh, những người bị thương xếp hàng để được vào chữa trị. Vụ nổ đã gây ra thiệt hại lớn bên trong tòa nhà và gây mất điện.
Hàng chục người bị thương đang được điều trị tại chỗ trên đường phố bên ngoài, trên cáng và xe lăn.
Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Liban, UNIFIL, cho biết một trong những tàu của họ ở cảng đã bị hư hại và một số nhân viên của lực lượng gìn giữ hòa bình bị thương, có người bị thương rất nặng.
Vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại cảng Beirut gợi cho người ta nhớ lại những vụ nổ lớn xảy ra trong cuộc nội chiến ở Liban.
Vụ nổ xảy ra 3 ngày sau khi một toà án được Liên Hợp quốc hậu thuẫn chuẩn bị ra phán quyết về 4 nghi phạm là thành viên nhóm Hezbollah bị cáo buộc gây ra vụ nổ năm 2005, khiến cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri và 21 người khác thiệt mạng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong một tweet rằng đất nước của ông đang gửi viện trợ đến Liban.
Những người dưng bỗng trở thành điểm tựa
Trên tờ New York Times, phóng viên Vivian Yee, một người Mỹ thường trú ở Beirut may mắn sống sót qua vụ nổ, đã kể lại cách người dân Liban - những người đã quá quen với tai ương, thảm họa, bom mìn chiến tranh - đối mặt với vụ việc chấn động này.
Vivian mở đầu bài viết của mình bằng một câu nói khiến độc giải dâng trào nước mắt: "Ở một vùng đất thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tai ương, mọi người biết phải làm gì, kể cả giúp đỡ những người gặp nạn dù không hề quen biết".
Sau đó, Vivian kể về những người lạ tốt bụng đã giúp cô trong thảm họa khủng khiếp này:
"Tôi vừa mới xem một video mà một người bạn gửi cho tôi vào chiều 4/8 thì tòa nhà nơi tôi ở đột nhiên rung chuyển.
Tôi bị giật mình bởi tiếng nổ mạnh nhất tôi từng biết. Tôi chạy đến bên cửa sổ rồi lại quay vào kiểm tra tin tức.
Sau đó là một tiếng nổ lớn hơn nhiều, âm thanh như vỡ ra từng mảnh. Kính vụn bay khắp nơi. Tôi chẳng còn nghĩ ngợi gì nữa, lập tức chui xuống gầm bàn.
Khi không gian đã yên ắng trở lại, tôi thò đầu ra nhưng chẳng nhìn thấy gì được nữa vì máu rỉ xuống từ đỉnh đầu. Lau máu ở mắt, tôi nhìn quanh căn hộ của mình và hoảng hốt khi thấy nó đã thành đống đổ nát.
Cánh cửa màu vàng nằm trên bàn ăn. Tôi không thể tìm thấy hộ chiếu của mình, hoặc một đôi giày cứng cáp nào để đi qua đống đổ nát ấy.
Những người từng trải qua 15 năm nội chiến Liban, theo bản năng, chạy về phía hành lang ngay khi họ nghe thấy tiếng nổ đầu tiên, để thoát khỏi tấm cửa kính mà họ biết chắc rằng nó sắp vỡ.
Tôi không được "đào tạo bài bản" như họ, nhưng những người Liban quanh tôi sẽ giúp đỡ tôi tìm lại được bình tĩnh bởi họ đã sống qua vô số thảm họa trước đó. Ở họ có sự bình tĩnh đến đau lòng.
Gần như tất cả đều là người lạ, vậy mà họ đối xử với tôi như bạn bè.
Khi tôi bước xuống cầu thang, tránh cửa sổ vỡ nằm ngổn ngang chắn lối đi. Tòa nhà với kiến trúc Beirut cổ xưa duyên dáng và cửa sổ hình vòm, trông giống như một bức tranh từ những cuộc chiến mà tôi đã thấy từ xa bỗng trở nên tan hoang.
Một người đi xe máy thấy khuôn mặt đẫm máu của tôi và bảo tôi nhảy lên xe. Gần đến bệnh viện, lối đi bị chặn bởi đống kính vỡ và ôtô mắc kẹt nên tôi xuống đi bộ. Mọi người đều đang chảy máu và được sơ cứu tạm thời.
Khi tôi đến bệnh viện, những bệnh nhân cao tuổi choáng váng ngồi trên xe lăn vẫn đang được truyền dịch. Một phụ nữ nằm dưới sàn trước cửa phòng cấp cứu, toàn thân đỏ ửng, không cử động.
Một người tên Youssef nhìn thấy, dìu tôi ngồi xuống, lau và băng bó vết thương trên mặt cho tôi. Anh ta rời đi khi yên tâm rằng tôi có thể tự đi lại.
Tôi tình cờ gặp một người bạn của một người bạn, một người mà tôi mới gặp vài lần trước đó. Anh ấy băng bó vết thương cho tôi, khử trùng vết rách bằng rượu quốc gia Liban, một loại thức uống có mùi gọi là arak.
Trước khi trời sáng, các đồng nghiệp của tôi đã tìm thấy tôi. Một tài xế tên Ralph đi ngang qua đã ngỏ lời đưa chúng tôi đến một trong số ít bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh nhân.
Sau khi bác sĩ khâu 11 mũi ở trán và một vài mũi ở chân, cánh tay, mọi người lại cầu nguyện cho tôi: "Tạ ơn Chúa vì sự an toàn". "Cảm ơn, thật lòng cảm ơn các bạn", tôi đáp lại".