Mật độ vũ khí Nga tăng vọt ở Crimea: Dấu hiệu "đạn đã lên nòng"
Ngày 16/3/2014, tại Crimea đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý và có hơn 96% số người tham gia đã ủng hộ Crimea gia nhập thành phần Liên bang Nga. Ngày 21/3/2014, Tổng thống Nga Putin đã ký luật phê chuẩn hiệp ước về việc Crimea và Sevastopol gia nhập thành phần nước Nga, cũng như việc lập khu vực liên bang Crimea.
Kể từ đó, Nga liên tục tăng cường đầu tư vào Crimea song song với việc liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ tại bán đảo đặc biệt quan trọng này.
Nga đã triển khai một lượng lớn phương tiện chiến đấu tới đây như xe tăng - thiết giáp, pháo tự hành hạng nặng cùng nhiều tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại (S-300, S-400) và tên lửa bờ Bastion-P, Bal-E cũng như các loại chiến đấu cơ tối tân như Su-30SM, Su-24, Su-25,... nhằm biến nơi đây thành một pháo đài bất khả xâm phạm.
Tiêm kích Su-30SM của Không quân Hải quân Nga hoạt động ở Crimea.
Đó là chưa kể các lực lượng từ hậu phương rất hùng hậu sẵn sàng chi viện cho Crimea bất cứ lúc nào nếu có tình huống xảy ra.
Những động thái "rùng rùng súng đạn" này của Moscow không chỉ để nhằm đối phó với Ukraine - quốc gia láng giềng vốn đang rất hậm hực vì để Crimea "rơi" vào tay Nga, mà còn sẵn sàng đối phó, thậm chí đánh phủ đầu NATO một khi Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương này cố tình gây hấn.
Vẫn biết rằng Nga có lực lượng quân sự rất mạnh đồn trú ở khu vực này nhưng hôm qua, Hải quân Ukraine được cho là vẫn liều lĩnh thách thức tại eo biển Kerch, "yết hầu" nối giữa Biển Đen và Biển Azov, nơi có cây cầu dài hơn 18 km nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo Crimea, khiến Nga phải ra tay.
Các tàu của lực lượng chấp pháp Nga đã truy đuổi, đâm húc quyết liệt và sau đó là thẳng thừng nã đạn vào các tàu chiến của Ukraine. Nga đã bắt sống 3 tàu chiến cùng toàn bộ sĩ quan thủy thủ của Hải quân Ukraine và đưa về tạm giữ ở cảng Kerch.
3 tàu chiến cùng toàn bộ sĩ quan thủy thủ của Hải quân Ukraine bị Nga bắt và đưa về tạm giữ ở cảng Kerch.
Đây được cho là sự cố hàng hải nghiêm trọng nhất giữa Nga và Ukraine kể từ năm 2014 tới nay, có thể làm gia tăng căng thẳng đáng kể giữa hai nước, dù chưa đến mức làm bùng phát xung đột quân sự, theo FT.
Nếu xảy ra chiến tranh, Nga sẽ giải quyết Ukriane trong một nốt nhạc?
Không cần biết động cơ nào đằng sau việc các tàu chiến của Ukraine, nhưng Nga đã thẳng thừng cáo buộc các tàu Ukraine đã có những hành động hung hăng sau khi xâm phạm vào lãnh hải của Nga.
Tất nhiên không ai muốn xung đột xảy ra, nhưng một khi hai bên không kiềm chế được và nổ súng thì phần thua thiệt về quân sự trước mắt là nghiêng về phía Ukraine.
Bởi lẽ, ngành CNQP Ukraine những năm gần đây có những bước phát triển mới, tự chế tạo và sản xuất được một số loại vũ khí khá hiện đại, tuy nhiên điều đó là chưa đủ bởi Quân đội Ukraine đang chìm trong khủng hoảng sâu sắc.
Thứ nhất, vũ khí trang bị lạc hậu chiếm phần lớn trong biên chế Quân đội Ukraine nhưng họ không có đủ kinh phí để nâng cấp, kéo dài tuổi thọ do nền kinh tế kiệt quệ vì nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan.
Mặc dù Ukraine đang được Mỹ và phương Tây tiếp sức, nhưng rõ ràng "nước xa không cứu được lửa gần", trong tình huống khẩn cấp thì vũ khí không thể một sớm một chiều được ùn ùn chở tới cho Kiev, và thực tế là cũng chẳng có người dùng vì sẽ phải mất rất nhiều thời gian để huấn luyện và đào tạo các kíp vận hành.
Thứ hai, khả năng chiến đấu bị bào mòn. Chưa nói đến tình trạng vũ khí trang bị không mấy hiện đại, chỉ riêng việc binh sĩ Quân đội Ukraine có kỹ năng chiến đấu và ý chí chiến đấu bị đánh giá là rất kém đã khiến họ dù quân đông, nhiều vũ khí hạng nặng nhưng tác chiến không hiệu quả trong cuộc xung đột ở Donbass.
Những trận chiến dai dẳng ở miền Đông với hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đã bào mòn sức mạnh chiến đấu của Quân đội Ukraine khi họ liên tiếp bị thiệt hại lớn về người và vũ khí trang bị.
Nay, nếu phải đương đầu với cường quốc quân sự hùng mạnh bậc nhất thế giới là Nga, Ukraine chả khác gì "cậu bé tí hon" khiêu chiến với "gã khổng lồ".
Tiêm kích Su-30SM của Không quân Hải quân Nga hoạt động ở Crimea.
Về phòng không - không quân và tác chiến điện tử, Nga triển khai một lực lượng rất mạnh ở Crimea, sẵn sàng bắn hạ, khống chế toàn bộ các máy bay chiến đấu Ukraine nếu chúng lọt vào tầm hủy diệt.
Cụ thể, hiện tại, ở Crimea, Nga đã triển khai 3 đơn vị tên lửa phòng không S-400, trong đó đơn vị đầu tiên đi vào trực sẵn sàng chiến đấu từ tháng 1/2017 tại vùng Feodosia, tiếp đó, vào tháng 01/2018, đơn vị S-400 thứ 2 nhận nhiệm vụ ở Sevastopol và vào giữa tháng 9 vừa qua, đơn vị thứ 3 đã đi vào hoạt động ở vùng Evpatoria.
Đó là chưa kể lực lượng máy bay chiến đấu hiện đại Su-30SM, Su-27SM3,... của Không quân và Không quân Nga thường trực ở Crimea lúc nào cũng sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ.
Về hải quân, chưa cần tàu mặt nước, tàu ngầm tham chiến, các tổ hợp tên lửa bờ hiện đại của Nga có thể đánh chìm toàn bộ tàu chiến của Ukraine ngay khi chúng còn chưa kịp rời cảng.
Về lục quân, chắc chắn là chưa nên bàn tới lúc này vì một khi phải dùng đến lục quân tức là 2 bên đã ở quy mô tham chiến toàn diện trên đất liền mà Ukraine thì không có cửa cầm hòa chứ đừng nói là thắng Nga.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tuyên bố Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ sẽ nhóm họp phiên khẩn cấp đặc biệt liên quan tới vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine trên Biển Đen.
Hy vọng tới đây cả Nga và đặc biệt là Ukraine hết sức kiềm chế để tránh tình hình căng thẳng leo thang có thể dẫn tới xung đột quân sự quy mô lớn.
Nga triển khai binh lực hùng hậu tới Crimea năm 2014.