Tiến sỹ Terry F. Buss hiện là Giáo sư, Cố vấn Đào tạo Trường Quản Trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từng giảng dạy và quản lý tại nhiều đại học lớn ở Mỹ, Australia…, ông chọn Hà Nội là nơi định cư và làm việc nhiều năm nay. Những vấn đề của Hà Nội được ông nhìn nhận với con mắt của một người nước ngoài gắn bó với Hà Nội, và hơn thế còn là góc nhìn của một chuyên gia về Chính sách công.
Người Hà Nội và những ngày không dám ra ngoài
Chắc hẳn không người Việt Nam nào muốn nhìn thấy tít bài báo: “Ô nhiễm không khí ở thủ đô Hà Nội trầm trọng khiến các chuyến bay phải chuyển hướng do tầm nhìn hạn chế” (Euronews, 02/02/24). Khi thông tin này được báo chí quốc tế đăng tải, vấn đề càng trở nên nóng bỏng. Bụi từ các dự án xây dựng - các khu chung cư, trung tâm mua sắm, cụm công nghiệp, hệ thống đường sắt trên cao, v.v.; khí thải ô tô, xe máy; khí thải từ các nhà máy điện than; ô nhiễm hệ thống nước; và ô nhiễm công nghiệp đang xâm chiếm các thành phố của Việt Nam. Danh sách này thực tế vẫn còn tiếp tục nối dài.
Tác động của ô nhiễm hiển hiện ngay trước mắt bạn. Người Hà Nội giờ đây thật khó mà có được những giây phút thảnh thơi ngồi ngoài ban công thưởng thức ly cafe trứng; cũng ít người còn muốn mở miệng tán gẫu đôi ba câu chuyện không đầu không cuối với người tài xế Grab Bike khi thấy rằng tấm chắn gió màu xanh lá của họ đã chuyển sang màu xám đen; nghe tiếng ồn xây dựng liên tục là bạn biết sẽ phải lau bụi khắp nhà. Rồi khi bước chân xuống phố bạn sẽ chỉ nhìn thấy những gương mặt giấu sau chiếc khẩu trang kín mít.
Chỉ cần một cú đúp chuột vào trang web của Ngân hàng thế giới, chuyên mục “Tài nguyên và Môi trường Việt Nam” là bạn có thể tự mình tìm thấy những thông tin đáng lo ngại về chất lượng không khí ở Hà Nội.
Nếu chỉ tập trung chỉ trích cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các ngành công nghiệp, biến đổi khí hậu, người nước ngoài hoặc chính người dân Việt Nam đã khiến ô nhiễm lên mức này thì quá dễ dàng.
Tuy nhiên, ô nhiễm là “vấn đề vô cùng hóc búa” và không có giải pháp nào dễ dàng. Cứ nhìn những hoạt động hàng ngày của bạn là hiểu tại sao.
Mỗi sáng thức dậy, bạn luôn mong được ngồi ngoài ban công để chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của Hà Nội. Nhưng sáng nay thì không. Tầm nhìn lúc này chỉ hạn chế dưới 5 mét, cảnh vật chìm trong làn sương khói dày đặc do khí thải của các nhà máy đốt than và động cơ đốt trong. Bạn lập tức đóng toàn bộ cửa chính và cửa sổ. Căn nhà trở nên nóng bức, ngột ngạt. Bạn sẽ bật điều hoà ở mức nhiệt độ thấp nhất và mức gió cao nhất có thể. Rồi bạn bật đèn để trong nhà khỏi tù mù như ngoài trời.
Đến giờ chuẩn bị bữa sáng - căn bếp bắt đầu hoạt động hết công suất với bếp nấu, lò vi sóng, ấm đun nước. Tiếp đó là máy rửa bát, máy giặt và máy sấy quần áo. Một ngày mới đã bắt đầu như vậy.
Do các cửa đều đã đóng kín nên lúc này khí freon bắt đầu thoát ra từ điều hoà và tủ lạnh, chỉ có điều là bạn không ngửi thấy mà thôi. Đồ đạc trong nhà phủ một lớp bụi bất chấp máy lọc không khí vẫn chạy đều. Vậy là bạn lại phải dùng đến máy hút bụi.
Bị mắc kẹt trong nhà, bạn quyết định tận dụng thời gian giải quyết một số công việc. Thế là bạn bật máy tính và không quên bật luôn cả ti vi để tiện theo dõi tin tức. Đến ngày nhận hoá đơn điện, bạn choáng váng khi nhìn số tiền, nhưng rồi lòng thầm biết ơn khi mình vẫn đủ khả năng chi trả cho lối sống xa xỉ này.
Đã bao giờ bạn tự hỏi, điện bạn đang dùng từ đâu ra – chính là từ những nhà máy điện than – nơi xuất phát của các đám mây khói che mờ nhiều buổi sáng của bạn trong tháng vừa rồi.
Một ví dụ như thế cũng đủ cho thấy mức độ ô nhiễm mà một người sống ở đô thị Hà Nội có thể tạo ra. Giải quyết được vấn đề này thì lại phát sinh nhiều vấn đề khác. Còn nếu giải quyết triệt để mọi vấn đề thì cũng có nghĩa là mọi nhu cầu của cuộc sống đều phải dừng lại.
Nghèo mà Sạch, hay Giàu mà Ô nhiễm - Ai muốn lựa chọn?
NHƯNG, mặc dù ô nhiễm là một vấn đề lớn ở Việt Nam, chúng ta cần phải nhìn nhận đó chỉ là một nửa vấn đề. Nửa còn lại chính là việc chính phủ, doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và người lao động đang nỗ lực đưa Việt Nam từ một nền kinh tế đang phát triển tiến tới một nền kinh tế tiên tiến.
Giống như các nước đang phát triển khác, Việt Nam đang tìm kiếm sự cân bằng hợp lý trong việc kiểm soát giữa một bên là các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và bên kia là những lợi ích tích cực do tăng trưởng và phát triển kinh tế mang lại.
Nếu không có kinh doanh và công nghiệp, sẽ không có các trung tâm mua sắm với đủ loại hàng hóa nhập khẩu, chưa kể đến sự có mặt của các “ông lớn” như Starbucks, McDonalds, Thai Express…; cũng không có những công việc văn phòng với mức lương thoả đáng; không có những trường đại học đẳng cấp thế giới mới nổi; không có các khu chung cư cao tầng; không có các đại lý ô tô Mercedes Benz; không có các bệnh viện quốc tế…
Hẳn không có ai muốn thấy Việt Nam quay lại những năm còn là nước hoàn toàn nông nghiệp, bất kể điều đó có lãng mạn và lý tưởng đến mức nào. (Nhưng phải ghi nhận một điều tuyệt vời là một số khu vực ở Việt Nam, chẳng hạn như Phố cổ Hà Nội, đang được chính quyền cố gắng bảo tồn.)
Một vấn đề nan giải đặt ra: Nếu Việt Nam hướng đến các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tạo ra một môi trường sạch nhưng quá khắt khe thì điều đó sẽ lấy đi các điều kiện mà một nền kinh tế cần phải có để trở thành một nền kinh tế phát triển. Theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon bằng cách đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện than để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời và thủy điện là rất tốn kém, sẽ khiến chi phí sản xuất tăng cao và hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ ở các nước đang phát triển khác. Đây là lý do tại sao các cường quốc kinh tế láng giềng của Việt Nam – Trung Quốc và Ấn Độ – vẫn đang xây dựng thêm nhà máy điện than.
Liên quan đến việc phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa môi trường và kinh tế, kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy rằng việc đạt được sự cân bằng như vậy không hề dễ dàng. Các nước châu Âu đi đầu trong việc đối phó với thách thức thúc đẩy các mục tiêu năng lượng bền vững và họ đã sớm nhận ra rằng một số mục tiêu môi trường đầy tham vọng của họ buộc phải tạm thời dừng lại (tại thời điểm này). Họ cho rằng mình đã quá vội vã ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân để chuyển sang sử dụng năng lượng gió và mặt trời; nhận thức sai lầm về mức độ nghiêm trọng của vấn đề môi trường trong quản lý các tuabin gió và các tấm pin mặt trời hết thời hạn sử dụng, đánh giá thấp những khó khăn trong việc chuyển từ xe xăng sang xe điện (EV); chưa chuẩn bị cho những tác động tàn khốc của COVID đối với nền kinh tế; không lường trước được sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng do cuộc xung đột Ukraine; và buộc phải tăng mạnh chi tiêu quân sự.
Thách thức bảo vệ môi trường cùng lúc với theo đuổi tăng trưởng và phát triển là thách thức không có điểm kết. Lấy ví dụ là nước Mỹ, nơi các chính sách về môi trường, năng lượng và kinh tế dường như đang dẫn đầu thế giới trong việc đạt được sự cân bằng, thì cùng lúc đó nước Mỹ đang chìm trong nợ nần chồng chất (34 nghìn tỷ đô la Mỹ) khi chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nước nhập khẩu; không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước bằng gió và mặt trời, cùng với một hệ thống lưới điện lỗi thời; vật lộn để chuyển đổi nền kinh tế từ nhiên liệu hóa thạch sang phụ thuộc hoàn toàn vào xe điện….
Bởi vì chưa có quốc gia nào – kể cả trước đây và hiện nay – biết cách cân bằng hoàn hảo sự đánh đổi giữa môi trường và kinh tế, nên mọi quốc gia sẽ phải theo đuổi cách tiếp cận thử nghiệm có đúng có sai cho đến khi đạt được mục tiêu của mình. Ngay cả những quốc gia hoàn toàn thiện ý cũng sẽ buộc phải thử nghiệm. Nước Mỹ và châu Âu là những ví dụ điển hình. Và, ngay cả khi họ đi đúng hướng thì COVID, khủng hoảng kinh tế, biến động xã hội, chiến tranh, di cư toàn cầu và khí hậu có thể dễ dàng khiến mọi việc chệch hướng hoặc trì hoãn các kế hoạch tốt nhất mà các quốc gia đã đặt ra.
Như ở Việt Nam, những nỗ lực đã có những kết quả ban đầu. Dưới sự cổ vũ của nhà nước, nhiều doanh nghiệp khối tư nhân và các ngành công nghiệp đã và đang chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững; giảm tiêu thụ năng lượng; giữ gìn môi trường xung quanh cơ sở sản xuất của họ; giáo dục nhận thức cho người lao động về tầm quan trọng của môi trường trong sạch; và đầu tư vào sức khỏe và phúc lợi của nhân viên. Quan trọng nhất, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp đóng vai trò là nhóm ủng hộ có tiếng nói mạnh mẽ và ở một số trường hợp còn là đối tác của chính phủ trong những nỗ lực cải thiện môi trường. Sự ra đời của dòng xe ô tô điện và xe máy điện Vinfast là một ví dụ điển hình về một tập đoàn tư nhân có trách nhiệm hỗ trợ môi trường trong sạch, đồng thời đóng góp với tư cách là doanh nghiệp tạo ra số lượng việc làm lớn trong nước.
Trên con đường tìm giải pháp cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, đang và sẽ có rất nhiều phương thức được “thử nghiệm”, và chắc chắn cuối cùng sẽ có một số cách thức hiệu quả được tìm ra.