Căn bệnh nguy hiểm do điều trị muộn
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Hoà hiện đang làm việc tại Đơn vị nghiên cứu Đái tháo đường, Khoa Y, Đại học Manitoba, Canada, bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính. Bệnh không gây chết người ngay lập tức nhưng tiến triển từ từ.
Bệnh được gọi là đái tháo đường vì nồng độ đường trong máu tăng cao hơn bình thường. TS. Hoà cho biết đường trong máu không phải là đường ngọt chúng ta ăn mà là glucozơ. Để xác định tiểu đường chỉ cần xét nghiệm nồng độ glucozơ trong máu.
Cho đến nay, đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm vì gây ra các biến chứng ghê gớm như loét chân, tay nhất là chân. Khi chân đã loét, không chỉ riêng chỗ loét tổn thương mà dây thần kinh của chân cũng tổn thương, mạch máu tổn thương, các tế bào, cơ quan của bộ phận chân đó cũng bị tổn thương khiến chân cứ hoại tử dần, dẫn đến cắt chân.
Ngoài ra, đái tháo đường được xem là nguy hiểm bởi nó có thể gây chết người, đường huyết tăng cao gây hôn mê, gây nhiễm toan, bệnh nhân có thể tử vong.
Khác với bệnh khác, bệnh đái tháo đường cứ từ từ tiến triển, người bệnh không biết mình bị bệnh lúc nào, khi phát hiện ra thì bệnh đã có biến chứng.
Ở Mỹ hay Canada là những nước có tỷ lệ người tiểu đường cao trên 10%, cứ 10 người thì có hơn 1 người đái tháo đường, nên chính phủ đã phải đưa ra hành động ngăn chặn, kiểm soát đái tháo đường.
Khi đó, người bệnh được khám chẩn đoán sớm đái tháo đường và các biện pháp điều trị để sống chung với bệnh. Thậm chí, TS. Hoà cho biết có người sống chung với đái tháo đường 40 năm, có bệnh nhân tiểu đường sống đến 90 tuổi vì kiểm soát được đường máu.
Quay trở lại Việt Nam, theo TS Hoà, 10% dân số ở thành thị có nguy cơ mắc đái tháo đường nhưng hiện nay bệnh chưa phát hiện được sớm.
Đa số bệnh nhân phát hiện muộn, khi phát hiện bệnh thì không tuân thủ quá trình điều trị, bác sĩ không theo dõi được bệnh nhân, bệnh nhân không kiên trì theo đuổi điều trị hàng chục năm nên bệnh nhân đái tháo đường thường điều trị đợt ngắn khi đường huyết hạ là bỏ điều trị lại chuyển sang dùng thuốc đông y và các biện pháp khác.
Chỉ khi có biến chứng mù mắt, loét chân, biến chứng thận, tim mạch đã quá muộn. Chính vì thế, theo TS Hoà việc điều trị bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam khá vất vả, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Cách "sống chung" với bệnh tiểu đường
Với bệnh nhân tiểu đường khi phát hiện mình bị tiểu đường với đường huyết lúc đói trên 6,3 mmol/lít, việc đầu tiên phải tuân thủ điều trị với bác sĩ, kiên trì điều trị lâu dài. TS Hoà nhấn mạnh, tránh tâm lý khi hạ đường huyết là bỏ.
Khi bác sĩ kết luận bị đái tháo đường tuyp 2, hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh. Khi bị bệnh tuân thủ chế độ điều trị nghiêm ngặt của bác sĩ, dùng thuốc hạ đường huyết, liên tục theo dõi 3 – 6 tháng 1 lần cho đến khi đường huyết ổn định.
Khi đường huyết ổn định vẫn phải tiếp tục theo dõi, luyện tập kèm theo để giảm đường huyết. Đường huyết ổn định vẫn phải đi kiểm tra hàng năm. Khi đường huyết cao quá thì phải tăng liều.
Với những người luyện tập, thay đổi chế độ ăn mà đường huyết vẫn tăng thì họ phải uống thuốc sống chung với tăng đường huyết suốt đời. Người bệnh không nên quá lo lắng bởi ở Canada hay Mỹ vẫn có bệnh nhân họ điều trị cùng thuốc từ 30 – 40 năm là bình thường.
Đặc biệt ở Việt Nam, bệnh nhân hạ đường huyết về chỉ số bình thường thì họ quay sang uống thuốc đông y. Theo TS Hoà, trong y học cổ truyền có nhiều bài thuốc đông y được đưa vào điều trị bệnh đái tháo đường nhưng đến nay chưa có phương thuốc đông y nào chữa dứt được bệnh đái tháo đường.
Hiện nay, y học có nhiều nghiên cứu đái tháo đường từ cây cỏ, có các hoạt chất làm hạ đường huyết ở nhiều cây khác nhau như trong cây đậu bắp, cỏ nhàu.
Nghiên cứu của TS Hoà và cộng sự từ hơn 10 năm trước về cây giảo cổ lam. Cây này có hoạt chất làm cho đường huyết hạ xuống. Tuy nhiên mức độ tác dụng của các hoạt chất từ cây cỏ đến nay rất hạn chế. Mức tác dụng của cây, hoạt chất từ cây thuốc không ổn định, không kéo dài, không liên tục.
Cây giảo cổ lam có tác dụng hạ đường huyết 2 - 4h nhưng sau đó mất tác dụng. Khi điều trị trên bệnh nhân phải dùng tương đối lâu phải 2 - 3 tháng mới thấy hạ nhưng không mạnh như Tây y.
Sau 1 thời gian không dùng thêm tây y thì tác dụng cây thuốc cũng mất đi vì thế TS Hoà cho biết các cây thuốc đông y dùng điều trị đái tháo đường chỉ dùng cho người bị nhẹ, giai đoạn đầu.
Đặc biệt, với bệnh nhân đái tháo đường cần lưu ý đây là bệnh âm thầm tiến triển. Có trường hợp đường huyết trong giới hạn bình thường nhưng khi làm xét nghiệm thử thách đường huyết cho uống đường, xét nghiệm đường huyết trong 2 tiếng thì lại phát hiện có rối loạn dung nạp đường huyết, tiền đái tháo đường.
Ở giai đoạn này đã gây biến chứng về võng mạc, biến chứng thần kinh gây rối loạn dinh dưỡng loét bàn chân, bàn tay, mất cảm giác ở chân tay, có hiện tượng đi tiểu ra abumin thành phần trong máu do thận tổn thương.
TS Hoà nhấn mạnh nếu chỉ dùng thuốc đông y và bỏ không kiểm tra lại thì đái tháo đường có thể tái phát. Vì thế, khi kiểm soát đường huyết bình thường, TS Hoà khuyên người bệnh vẫn nên kiểm tra đường máu thường xuyên, ít nhất một năm một lần.