Tiến sĩ khảo thí tại Mỹ hiến kế để tránh tuyển sinh 30 điểm vẫn trượt đại học

Nghiêm Huê |

Tiến sĩ Phạm Ngọc Duy, Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) đã đưa ra một số đề xuất để đổi mới tuyển sinh đại học tại Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam đang hướng tới xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức thi cho các trường ĐH xét tuyển. Tuy nhiên, được biết hiện nay, một số trường ĐH tại Mỹ đã bắt đầu không sử dụng kết quả thi của SAT hay ACT để tuyển sinh. Ông có thể chia sẻ nguyên nhân của hiện tượng này?

Đúng là gần đây có một số ĐH tại Mỹ không yêu cầu thí sinh bắt buộc phải nộp điểm các bài thi tuyển sinh chuẩn hóa như SAT hay ACT trong hồ sơ tuyển sinh. Một số trường nêu lý do bỏ yêu cầu nộp điểm SAT, ACT là để tăng tính đa dạng nguồn ứng viên đăng ký xét tuyển, và giảm trở ngại cho các ứng viên có điều kiện kinh tế khó khăn.

Tiến sĩ khảo thí tại Mỹ hiến kế để tránh tuyển sinh 30 điểm vẫn trượt đại học - Ảnh 1.

TS. Phạm Ngọc Duy. Ảnh: NVCC

Trong những năm tới, tôi nghĩ đa số các trường ĐH ở Mỹ vẫn sẽ yêu cầu thí sinh nộp điểm thi chuẩn hóa trong hồ sơ tuyển sinh ĐH. Bởi cho đến nay khó có thước đo định lượng nào khác có độ tin cậy và có tính chuẩn hóa cao như các kết quả bài thi SAT hay ACT.

Một thước đo khác cũng hay được nói đến là điểm trung bình chung học tập (GPA). Tuy nhiên, nếu điểm SAT hay ACT không được sử dụng, thì khả năng lạm phát điểm GPA sẽ lại xảy ra trên diện rộng và làm cho quá trình xét tuyển trở nên khó khăn hơn.

Việt Nam đang xây dựng kế hoạch thành lập các trung tâm khảo thí. Theo ông, việc này có lạc hậu khi các trường ĐH trên thế giới bắt đầu thay đổi xu hướng tuyển sinh, không phụ thuộc vào các kỳ thi khảo thí chung nữa?

Trên phạm vi toàn cầu, rất ít hệ thống giáo dục ĐH tuyển sinh không dựa toàn bộ hay một phần vào các điểm bài thi chuẩn hóa. Các bài thi tuyển sinh ĐH kiểu như SAT hay ACT không chỉ phổ biến ở Mỹ mà còn ở Châu Âu, Châu Á.

Đặc biệt, đối với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam hay Nhật Bản, nơi có truyền thống thi cử lâu đời và việc tuyển sinh ĐH vẫn chủ yếu dựa trên một hoặc một vài đầu điểm. Nếu bỏ hẳn thi cử, quá trình tuyển sinh, nhất là tại các cơ sở giáo dục có uy tín và tính cạnh tranh cao sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực.

SAT và ACT là hai kỳ thi chuẩn hóa quốc tế bắt buộc để nộp hồ vào các trường đại học tại Mỹ. Trong đó, SAT là bài thi được thiết kế để kiếm tra năng khiếu về ngôn ngữ, khả năng suy đoán, lý luận và phát triển thêm những kiến thức ở ngoài trường học. Còn ACT là bài thi được thiết kế để kiểm tra về những kiến thức bạn thu nhặt được ở trường học.

SAT và ACT là 2 chứng chỉ độc lập, có cấu trúc bài thi, câu hỏi, cách thức tính điểm khác nhau.

Phân tích bối cảnh quốc tế và đặc thù của Việt Nam như vậy cho thấy các kỳ thi tuyển sinh ĐH ở Việt Nam là vẫn cần thiết ít nhất là trong ngắn và trung hạn.

Mục tiêu xét tốt nghiệp và thi ĐH là hai mục tiêu tương đối khác nhau. Bộ GD&ĐT và các sở GD&ĐT có thể tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu vẫn duy trì kỳ thi này. Tuy nhiên, việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh ĐH nên được chuyên môn hóa và do các cơ sở giáo dục ĐH hoặc một nhóm các cơ sở giáo dục ĐH chịu trách nhiệm. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật giáo dục ĐH về tính tự chủ của các trường trong quá trình tuyển sinh.

Ông có ý tưởng hay đề xuất gì cho việc đổi mới thi và tuyển sinh của ĐH Việt Nam sắp tới?

Do ảnh hưởng của COVID-19, việc tổ chức thi tuyển sinh và quá trình tuyển sinh ĐH gặp nhiều khó khăn cho cả các trường lẫn thí sinh. Khi còn đang trong đại dịch, các cơ sở giáo dục cần cung cấp thông tin minh bạch về các phương án xét tuyển cho ứng viên. Ứng viên cũng cần tỉnh táo xem xét kỹ các lựa chọn để có được quyết định ứng tuyển hợp lý nhất. Những hiện tượng như được 30 điểm vẫn không đỗ ĐH là điều khó tránh khỏi trong hoàn cảnh này. Do vậy, các cơ sở giáo dục và cơ quan hoạch định chính sách cần linh hoạt để hỗ trợ các ứng viên nhiều nhất có thể để cả hệ thống vượt qua thời gian khó khăn này.

Khi các hoạt động dần trở lại trong trạng thái bình thường mới, các trường ít cạnh tranh vẫn có thể dùng điểm học bạ hay điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển; các trường có tính cạnh tranh cao hơn vẫn nên dựa vào các kết quả thi tuyển sinh để giảm thiểu tiêu cực.

Trong bối cảnh đó, việc có các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp, độc lập không phụ thuộc cơ quan hoạch định chính sách giáo dục là cần thiết để công tác xây dựng và tổ chức thi tuyển sinh được thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả. Một việc mà các trung tâm đó có thể làm ngay là xây dựng điểm thang đo (scale score) cho các bài thi tuyển sinh.

Đây là thủ tục đưa điểm thô từ các đề thi có độ khó khác nhau về cùng một thang đo. Sau khi thực hiện kỹ thuật này, giá trị điểm số sẽ ổn định mà hầu như không phụ thuộc vào đề thi cũng như thời điểm thi. Chính sự ổn định này sẽ giúp cho các trường và ứng viên chủ động hơn trong quá trình tuyển sinh tránh trường hợp điểm chuẩn các trường dao động với biên độ quá lớn giữa các năm như hiện nay.

Tiến sĩ khảo thí tại Mỹ hiến kế để tránh tuyển sinh 30 điểm vẫn trượt đại học - Ảnh 3.

Minh họa quá trình đưa điểm thi các đề khác nhau về cùng một thang đo (Nguồn: TS. Phạm Ngọc Duy)

Để phát triển được các đề thi có chất lượng và đảm bảo các chuẩn mực quốc tế, cần tăng cường đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển khoa học về đo lường trong giáo dục. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để các cơ sở khảo thí độc lập có thể ra đời và đi vào hoạt động. Các cơ sở giáo dục, cụm cơ sở giáo dục ĐH cũng cần hợp tác để thành lập và vận hành các cơ sở khảo thí độc lập nhằm chia sẻ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác tuyển sinh.

Thí sinh có thể thi ĐH nhiều lần trong năm, điểm thi của các lần thi sẽ là tương đương và có giá trị sử dụng một vài năm. Áp lực thi cử do vậy cũng sẽ được giảm thiểu để thí sinh có cơ hội phát triển toàn diện cả về học thuật, xã hội, thể chất và tinh thần.

Các trung tâm này cũng sẽ phải đảm bảo việc tổ chức thi được nghiêm túc và điểm thi phục vụ tốt mục đích tuyển sinh. Như vậy, việc thành lập các trung tâm khảo thí độc lập theo tôi là cần thiết và sẽ làm cho hệ thống giáo dục minh bạch và hiệu quả hơn. Trong dài hạn, các trung tâm khảo thí độc lập cũng sẽ phát triển và cung cấp các dịch vụ khảo thí khác như các khóa học có thi cử nâng cao (như khóa học AP của College Board), hay dịch vụ phát triển đề thi, công cụ đo lường cho các cơ sở giáo dục.

Về phía các thí sinh tương lai, các em cứ tập trung học tập tốt chương trình giáo dục phổ thông và lưu ý dành thời gian rèn luyện sức khỏe và nâng cao hiểu biết xã hội, thị trường lao động, và các ngành nghề. Xu hướng chung là việc đi học ĐH sẽ ngày càng dễ dàng và thuận lợi hơn. Quan trọng hơn cả việc đỗ ĐH là việc ra trường tìm được việc làm phù hợp và có một cuộc sống viên mãn, một sự nghiệp thành công và trở thành một cá nhân hạnh phúc, độc lập và có ích.

Cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại