Nhiều chuyên gia giải thích, tiền sản giật là một chứng bệnh nghiêm trọng trong thời kỳ thai nghén, thường gặp nhất ở ba tháng cuối thai kỳ.
Chết lặng nhìn biến chứng tiền sản giật cướp mất 2 đứa con song sinh
Tiền sản giật thường gặp ở phụ nữ sinh con đầu lòng. Một số nghiên cứu cho thấy tần suất phổ biến lên đến 10%, đây cũng được cảnh báo là tai biến sản khoa nghiêm trọng trong thai kì.
Do đó, các bà mẹ mang thai nên khám thai định kì để theo dõi có bị tiền sản giật không. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể trở thành sản giật gây nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Mới đây, đêm 20/11 vừa qua, Bệnh viện Hùng Vương (Tp.HCM) tiếp nhận trường hợp thai phụ Võ Thị Tuyết Nhung (23 tuổi - ngụ Bình Tân) trong tình trạng đau bụng quằn quại, gò tử cung nhiều, huyết áp cao, chẩn đoán thấy nhau bong non. Một trong hai thai nhi đã chết lưu, bé còn lại tim thai rời rạc.
Sản phụ Tuyết Nhung chính là một minh chứng cụ thể cho thấy, tiền sản giật cực kỳ nguy hiểm
Các bác sỹ chuyên khoa 2 của bệnh viện chẩn đoán, thai phụ bị tiền sản giật kèm rối loạn đông máu, nguy cơ tử vong mẹ rất cao do biến chứng suy đa cơ quan, các chức năng phổi, thận, gan đều không ổn định, phải hỗ trợ máy móc.
BS CK2 Lê Kim Bá Liêm, trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Hùng Vương – người trực tiếp chỉ đạo xử lý ca bệnh cho biết: "Rất may mắn, thai phụ đã được phẫu thuật kịp thời, tính mạng người mẹ được bảo đảm, ca mổ kéo dài 40 phút, các bác sĩ đã lấy cả hai thai nhi và bảo tồn tử cung người mẹ.
Tuy nhiên em bé do quá yếu từ trong bụng mẹ nên sau khi chào đời đã không thể sống được".
Sau 4 ngày sự việc xảy ra, nhưng anh Lê Văn Giàu – chồng chị Nhung vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết tin vợ mình được chỉ định mổ cấp cứu chấm dứt tình trạng thai kỳ sớm do tiền sản giật.
"Họ nói rằng song thai mới được 26 tuần tuổi lại rất yếu nên các con không thể sống được. Khi ấy, tôi như chết lặng không tin vào sự thật nhưng vẫn phải ký vào giấy cam kết chấp nhận rủi ro", anh Giàu ngậm ngùi kể lại.
Trường hợp sản phụ Tuyết Nhung chính là một minh chứng cụ thể cho thấy, tiền sản giật cực kỳ nguy hiểm, thai phụ cần hết sức chú ý đến sức khỏe của mình để đề phòng những tau biến sản khoa đáng tiếc.
Yếu tố nguy cơ liên quan đến tiền sản giật
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tai biến tiền sản giật, song, các chuyên gia đầu ngành có thể dẫn ra một vài những căn nguyên dễ nhận thấy như:
- Thai phụ mang đa thai
- Mang thai con đầu lòng
- Bà bầu lớn tuổi (hơn 40 tuổi)
- Có tiền sử tăng huyết áp trước đó (tăng huyết áp vô căn)
- Bị đái tháo đường hoặc bệnh lý thận trước đó
- Thai kì trước đây bị tiền sản giật
- Tiền sản giật có vẻ liên quan đến di truyền và có tiền sử gia đình
- Bà bầu thiếu dinh dưỡng
- Bệnh lý răng miệng cũng được cho là có liên quan
- Thừa cân hoặc béo phì trong thai kì…
Tiền sản giật chính là yếu tố dẫn đến đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non.
Dấu hiệu nhận biết tiền sản giật
Khi bị tiền sản giật, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:
- Vào tuần thứ 20 của thai kỳ, huyết áp đột ngột tăng cao, huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg.
- Thừa đạm trong nước tiểu > 0,3g/l.
- Sưng phù – thường rõ ở bàn tay, chân và bàn chân.
- Thay đổi trong tầm nhìn, bao gồm giảm tạm thời của thị giác, mờ mắt hoặc ánh sáng nhạy cảm
- Tăng cân đột ngột (trến 2kg/tuần)
- Đau dữ dội ở vùng bụng trên
- Đau đầu dai dẳng kèm buồn nôn, nôn mửa.
Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên đến thai phụ, khi thấy trên cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu bất thường nêu trên, cần yêu cầu người nhà đưa đến gặp bác sĩ sớm để có phương án can thiệp kịp thời, đảm bảo tính mạng mẹ và thai nhi.
Chuyên gia khuyến cáo phòng tai biến tiền sản giật
Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn vì sao tiền sản giật phổ biến đến vậy. Do đó mà việc ngăn chặn và điều trị là hết sức khó khăn.
Vì vậy việc phòng tránh tiền sản giật cần được quan tâm chú ý ngay từ khi người mẹ bắt đầu trong giai đoạn thai kỳ:
Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám Đốc Bệnh Viện Hùng Vương chia sẻ về cách phòng tiền sản giật với bà bầu.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết
Để phòng ngừa tiền sản giật khi mang thai, các chị em nên đến các bệnh viện, trung tâm y tế để khám thai thường xuyên. Đặc biệt cần phải tuân thủ đúng lịch hẹn khám thai để đo tình trạng huyết áp, chất đạm trong nước tiểu nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tiền sản giật.
Những chị em có con muộn (ngoài 35 – 36 tuổi), trước khi mang thai từng bị cao huyết áp, hoặc trong gia đình có người từng mắc tiền sản giật thì cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn kỹ càng.
Bên cạnh đó, các chị em cần nhận thức được những triệu chứng của tiền sản giật để nhanh chóng thông báo với bác sĩ và được điều trị càng sớm càng tốt. Bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì cả mẹ và bé có thể bị đột quỵ, phù phổi cấp, hôn mê sâu và nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong do biến chứng sản giật gây ra.
Bên cạnh đó, bà bầu nên đến các trung tâm dinh dưỡng để các bác sĩ, nhân viên chăm sóc sức khỏe cho lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt hợp lí nhất.
Ngoài ra, trong thời gian mang thai, các chị em cũng nên sắp xếp công việc khoa học, có đủ thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và giữ tinh thần thật thoải mái, khỏe mạnh.