Trong khủng hoảng, doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt sẽ dễ xử lý các tình huống cần thiết, tránh những xáo trộn do không kịp chuyển đổi tài sản thành tiền mặt hoặc lượng tiền mặt không đủ để chi trả.
"Có một nguyên tắc bất biến trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào từ trước nay: Tiền mặt là vua, còn các hàng hoá, tài sản khác đều bắt đầu giảm ý nghĩa và giá trị khi khủng hoảng ập tới", Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn Nexttech nhấn mạnh.
Từ đó Shark Bình chỉ ra 10 biện pháp giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý dòng tiền hiệu quả thời khủng hoảng.
10 biện pháp cụ thể như sau:
1. Nếu được ngân hàng cấp hạn mức, phải cố gắng đưa quỹ hạn mức đó về tiền mặt tại tài khoản của doanh nghiệp, đề phòng các ngân hàng, các công ty tài chính thay đổi chính sách, cắt hạn mức đi thì lúc đó doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền.
2. Mạnh mẽ cắt giảm chi phí, giống như nhiều người hay nói "liêm sỉ gì tầm này nữa", cắt hết chi phí không cần thiết, đảm bảo doanh nghiệp vận động, tiêu tốn năng lượng ở mức ít nhất có thể.
3. Giảm nhu cầu thuê mặt bằng. Theo đánh giá của Shark Bình, từ 2019 trở về trước, tồn tại một mô hình kinh tế không bền vững khi người cho thuê nhà lại là người kiếm nhiều tiền nhất, đặc biệt với các mô hình kinh doanh bán lẻ.
Đây là khoảng thời gian người thuê nhà hãy liên kết lại, điều chỉnh giá thuê mặt bằng về đúng giá trị vốn có để đưa tới một mô hình kinh tế ổn định, chuẩn chỉnh, lành mạnh hơn.
4. Tích cực điều chỉnh các khoản nợ phải trả trong điều kiện của mình, cố gắng đàm phán giãn nợ với ngân hàng, bạn hàng,...
5. Tích cực thu hồi các khoản phải thu càng nhanh càng tốt. Thậm chí nếu phải áp dụng các biện pháp giảm giá thì cũng nên làm để thu ít nhưng vẫn có "tiền tươi".
6. Tìm mọi cách đẩy hàng, giảm tồn kho, thậm chí bán rẻ để chuyển đổi tất cả nguồn lực thành tiền mặt.
7. Trì hoãn các đơn hàng mới cũng nhằm mục đích chuyển đổi tất cả hàng tồn hiện có thành tiền mặt. Ngoài ra, vì dịch bệnh, khả năng đơn hàng mới đợt này sẽ dễ bị hủy hơn.
8. Xác định các loại tài sản hiện có trong tay, ví dụ sản phẩm, đất đai, bản quyền sở hữu trí tuệ,... những gì có thể bán được thì cố gắng bán để tăng lượng lưu trữ tiền mặt.
9. Giảm hoặc trì hoãn các khoản thuế, các khoản trách nhiệm khác, ví dụ như bảo hiểm xã hội.
10. Tìm kiếm giải pháp, ý tưởng mới từ việc tham gia các hiệp hội doanh nghiệp. Các đơn vị cũng nên cùng phối hợp để tìm biện pháp giúp đỡ lẫn nhau.
Đồng tình với quan điểm "tiền mặt là vua", CEO Tuấn Hà của Vinalink cho rằng 10 nguyên lý trên là 10 nguyên lý bất biến thời khủng hoảng, đáp ứng mục đích tăng thu giảm chi của doanh nghiệp.
Đây là những nguyên tắc cần được triển khai càng sớm càng tốt, trong đó CEO Vinalink đánh giá, "những ai làm cách đây 1 tháng thì giờ là vua rồi, bây giờ mới bắt đầu là hơi muộn nhưng chưa muộn lắm, vẫn còn kịp".