Địa vị giáo viên trên toàn thế giới
Một nghiên cứu vào năm 2013 do tổ chức Varkey xem xét địa vị xã hội của giáo viên ở các nước cho thấy, các giáo viên châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore luôn nhận được sự tôn trọng rất lớn trong xã hội.
Phần lớn các nước từ phương Tây, giáo viên không nhận được sự tôn trọng nhiều như ở châu Á.
Thứ hạng giáo viên được tôn trọng tại các nước. Nguồn: Varkey GEMS Foundation.
Giáo sư Peter Dolton, tác giả của bảng số liệu "Vị thế của giáo viên tại các nước trên thế giới" đã so sánh thái độ của phụ huynh với giáo viên tại 21 nước nói rằng, địa vị của các giáo viên dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như "lịch sử, giá trị và đặc biệt là phong tục của nền văn hóa đó".
Để làm rõ vấn đề này, ông đưa ví dụ về thành phố New York. Ở đây, địa vị xã hội cao hay thấp phụ thuộc vào việc bạn kiếm được nhiều tiền hay ít tiền.
Và nghề thầy giáo cũng không nằm ngoài định kiến đó. Trong khi ở Trung Quốc, nơi mà các chuẩn mực văn hóa như trẻ em phải luôn tôn trọng người lớn, giáo viên thường được tôn trọng hơn mặc dù mức lương của họ không cao.
Theo báo cáo, tại các quốc gia, nơi người thầy giáo luôn được mọi người dân kính trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập, bố mẹ thường khuyến khích con mình chọn nghề dạy học.
Trong khi đó, các bậc phụ huynh đến từ Israel, Brazil và Nhật Bản lại ít khi hướng nghiệp cho con em mình theo ngành nghề này.
Giáo sư Dolton đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo trên và dự kiến sẽ còn đưa ra một bản tiếp theo vào năm 2018. Ông Dolton cho rằng, đây là việc làm rất quan trọng bởi vì báo cáo đó sẽ có thêm khu vực Mỹ La-tinh và châu Phi, những khu vực chưa được đề cập đến trong báo cáo đầu tiên, từ đó chúng ta sẽ có góc nhìn khách quan hơn.
Đào tạo giáo viên trình độ cao
Phần Lan và Singapore có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với việc giảng dạy. Được biết, sinh viên được đào tạo từ hai môi trường giáo dục này thường có tỷ lệ thành công cao nhất thế giới.
Vikas Pota, Giám đốc điều hành tổ chức Varkey cho biết: "Nếu bạn nhìn vào Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan, nghề giáo đã có chỗ đứng nhất định trong xã hội, vì vậy các giáo viên ở đây luôn được đối xử tốt và nhận được mức lương cao cùng con đường phát triển sự nghiệp xán lạn".
Chính phủ là yếu tố quyết định tới 99% trong việc này, Pota nhận định.
Singapore là nước đứng đầu trong chương trình đánh giá học sinh, sinh viên quốc tế (PISA). Chương trình này sắp xếp thứ hạng các trường trên phạm vi toàn cầu dựa trên kết quả bài kiểm tra quốc tế học sinh 15 tuổi trong các môn học như toán, đọc và khoa học.
PISA được điều hành bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Các kết quả gần đây nhất của PISA đã cho thấy, hệ thống giáo dục châu Á đã vượt xa hầu hết các nước phương Tây. Với bảy vị trí đầu tiên về môn Toán, Singapore là nước dẫn đầu, sau đó lần lượt là Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Canada đứng thứ 10 với môn Toán, thứ 3 về môn đọc và thứ 7 về môn khoa học. Đây là quốc gia phương Tây có thứ hạng tốt nhất. Phần Lan lần lượt đạt vị trí thứ 15, thứ 4 và thứ 5 về môn toán, môn đọc và cuối cùng là khoa học trên toàn thế giới, là quốc gia châu Âu có vị trí xếp hạng cao nhất.
Sheikh Mohammed bin Rashid al - Maktoum, phó chủ tịch hãng bay Emirates trao giải Giáo viên toàn cầu cho giáo viên người Canada, Maggie Macdonnell. Cô đang làm việc tại một ngôi làng gần Bắc Cực. Giải thưởng này trị giá 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng).
Các nước đều có những cách giáo dục khác nhau, nhưng tất cả đều mang lại một giá trị nhất định cho giáo viên. Giám đốc OECD, Andreas Schleicher phát biểu: "Những gì mà bạn (giáo viên) đã làm tại Phần Lan và Singapore là một sự nghiệp tuyệt vời.
Bạn sở hữu trình độ chuyên môn cao và điều đó làm cho công việc của bạn được mọi người hài lòng. Với thứ hạng rất cao trong bảng xếp hạng của PISA, Canada cũng đã chứng minh được chất lượng giảng dạy tại nước này."
Tại Singapore, tất cả giáo viên đều được đào tạo tại Học viện Giáo dục Quốc gia và được lựa chọn từ những sinh viên có kết quả tốt nghiệp đứng đầu ngành.
Nhưng quan trọng hơn, mỗi năm, chính phủ Singapore đầu tư hơn 100 giờ phát triển chuyên môn cho giáo viên. Schleicher phát biểu: "Tại đây, chính phủ dành rất nhiều khoản đầu tư cho việc đào tạo giáo viên".
Ở Phần Lan, việc được học ngành sư phạm đã là một vinh dự. Theo Trung tâm Giáo dục và Kinh tế (NCEE), các ngành sư phạm tại Phần Lan có tỉ lệ chọi cực cao, ở mức cứ 10 đơn ứng tuyển thì họ chỉ chấp nhận 1 đơn.
NCEE cho biết: "Không có gì ngạc nhiên khi Phần Lan có tỷ lệ giáo viên gắn bó lâu dài với ngành rất cao". Giáo sư Dolton giải thích rằng, giáo viên ở Phần Lan đều đạt trình độ thạc sỹ trở lên, nó không giống với nhiều nước trên thế giới.
Với tất cả các nước có thành tích cao, Schleicher cho rằng, giáo dục có một điểm chung: "Không phải vì mức lương mà chính địa vị xã hội đã khiến người ta muốn trở thành giáo viên".
Giáo viên nước nào được trả lương cao nhất?
Theo báo cáo của OECD, bảng xếp hạng tại châu Âu là ví dụ tốt nhất để nói về tiền lương của giáo viên. Ví dụ như, ở Luxembourg, lương của giáo viên khi mới ra trường cao tới mức mà nhiều giáo viên các nước khác sẽ không bao giờ dám mơ tưởng tới.
Thụy Sĩ và Đức là những quốc gia có mức lương cao tiếp theo dành cho giáo viên ở cấp trung học. 6/10 nước trả lương cho giáo viên trung học cao nhất trên thế giới đều là các nước ở châu Âu.
OECD trình bày trong báo cáo gần nhất của mình rằng: "Tiền lương và điều kiện làm việc liên quan trực tiếp đến khả năng thu hút, phát triển và duy trì số lượng các giáo viên giỏi.
Các cơ quan chính phủ nên xem xét kỹ lưỡng về mức lương cho giáo viên khi họ đang cố gắng kiểm soát chất lượng giảng dạy và duy trì nguồn ngân sách ổn định dành cho giáo dục".
Mức lương cao nhất và thấp nhất dành cho giáo viên trung học tại châu Âu. Nguồn: OECD
Theo OECD, suy thoái kinh tế năm 2008 đã ảnh hưởng không nhỏ đến mức lương của giáo viên. Một số nước đã cắt giảm lương hoặc tiền thưởng của các giáo viên.
Trong giai đoạn 2005-2015, các số liệu thu thập được cho thấy, ⅓ các nước trên toàn thế giới giảm lương giáo viên. Anh và Bồ Đào Nha giảm khoảng 10%, và con số khủng khiếp nhất là tại Hy Lạp với 28%.
Mức lương không tương quan tới kết quả giảng dạy nhưng cách xã hội tôn trọng giáo viên sẽ tương quan với chất lượng dạy học. "Nếu bạn muốn làm cho một ngành nghề nào đó trở nên hấp dẫn, thì những cá nhân làm ở ngành đó phải nhận được sự hỗ trợ tốt", Schleicher phát biểu.
Maggie Macdonnel cùng đồng nghiệp chụp ảnh kỉ niệm chiến thắng giải thưởng giáo viên toàn cầu 2017. Maggie Macdonnel là giáo viên tới từ làng Salluit thuộc vùng Bắc cực của Canada.
Tăng cường địa vị của giáo viên
Vào năm 2013, tổ chức Varket đã phát động cuộc thi Giáo viên toàn cầu. Cuộc thi này có khoảng 20.000 ứng viên mỗi năm. Số ứng viên sẽ dần được loại ra qua các vòng thi và chỉ còn khoảng 10 người vào vòng cuối. Người thắng giải sẽ được thưởng 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ VND).
Cuộc thi này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của báo chí, từ đó là bàn đạp để nâng cao vị thế của giáo viên. Đây cũng là một tác động tích cực trong việc tạo ra mạng lưới các giáo viên có thể hợp tác trên toàn cầu để giúp đỡ lẫn nhau.
Giáo viên người Palestine, Hanan al-Hroub chiến thắng Giáo viên toàn cầu năm 2016
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các giáo viên đang được yêu cầu tham gia các chương trình thời sự, tọa đàm trên các kênh truyền hình tại đất nước này. Còn ở Hà Lan, một giáo viên đã xuất hiện trên bản tin với lời chúc mừng của Thủ tướng khi họ được xướng tên trong danh sách đề cử cuộc thi Giáo viên toàn cầu.
Trong khi đó, tại Macedonia, thị trưởng đã in và dán tất cả các biển quảng cáo trong thành phố để chúc mừng thành công của giáo viên.
"Rất đơn giản, chúng tôi muốn chia sẻ niềm vui cùng giáo viên. Giải thưởng là thước đo giá trị cho những gì người giáo viên đã cống hiến. Nếu chúng ta cùng tôn vinh ngành giáo dục thì ngày càng nhiều người muốn làm công việc này", Pota phát biểu.