Tiền lệ "thi đêm" đặc biệt hé mở cánh cửa "nhập kinh" cho cấp dưới Chủ tịch Tập Cận Bình

Thủy Thu |

Hạ Bảo Long, quan chức từng làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình, được đánh giá là nhân tố đáp ứng đầy đủ yêu cầu chính trị mà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang xây dựng hiện nay.

"Khoảng 18 giờ ngày 9/1, văn phòng hội nghị quốc tế Đại lễ đường nhân dân tỉnh Chiết Giang bất ngờ sáng đèn.

Đây là hội trường chính tổ chức buổi giao lưu công tác Bí thư các thành phố, khu của các huyện tại tỉnh Chiết Giang lần thứ 15.

Đặc biệt, trước chỗ ngồi của các lãnh đạo tỉnh ủy và lãnh đạo phụ trách các ban ngành liên quan không có sự xuất hiện của các tập tài liệu dày cộp, thay vào đó là một tách trà.

Đây là một cuộc thảo luận đêm, cũng là một cuộc thi", báo Thanh niên Trung Quốc viết.

Tiền lệ thi đêm đặc biệt hé mở cánh cửa nhập kinh cho cấp dưới Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Một buổi "thi đêm" của các Bí thư huyện ủy tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Weibo

Hội nghị giao lưu công tác Bí thư thành phố, khu thuộc các huyện trên địa bàn Chiết Giang đều được tổ chức theo hình thức này từ tháng 7/2013.

Ngoài lãnh đạo tỉnh ủy và lãnh đạo phụ trách các ban ngành liên quan, 89 bí thư thành phố, khu thuộc các huyện sẽ tập trung trước đầu cầu màn hình lớn tại địa phương.

Khoảng 10 bí thư sẽ được lựa chọn và chỉ được phát biểu trong vòng 6 phút. Sau đó, lãnh đạo tỉnh sẽ đưa ra đánh giá, tổng kết.

Buổi hội thảo được họp ba tháng một lần, mỗi lần đều họp vào ban đêm nên còn được gọi là "cuộc thi đêm của các Bí thư".

Ba năm trở lại đây, nó đã trở thành quy chế mới tại Trung Quốc.

Theo truyền thông Trung Quốc, Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang Hạ Bảo Long là người đã lập ra quy định "thi đêm" này.

Được biết, hình thức này đã nhận được đánh giá tích cực từ phía dư luận và các cấp lãnh đạo, đặc biệt từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, việc Hạ Bảo Long xây dựng quy chế này đương nhiên sẽ tạo nên "hiệu ứng cá da trơn" - ý chỉ một số đối tượng mạnh hơn sẽ gián tiếp làm cho các đối tượng yếu thế hơn cũng phải tự nâng tầm bản thân - trên chính trường Trung Quốc.

Theo Đa chiều (Mỹ), chính hiệu quả từ quy chế mới này đã giúp Hạ nhận được sự công nhận của tầng lớp lãnh đạo cấp cao, đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bởi hiện nay, trong Ban thường vụ Bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc khóa XVIII, duy chỉ có ông Tập đã từng là Bí thư huyện.

Hơn nữa, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng luôn coi trọng vai trò của các Bí thư huyện khi ông thường xuyên vận dùng thành ngữ "Tể tướng tất khởi vu châu bộ", ý chỉ người làm lãnh đạo nên có xuất phát điểm kinh nghiệm làm việc tại các địa phương.

Đa chiều đánh giá, trước tình hình Bí thư thành ủy Bắc Kinh đương nhiệm Quách Kim Long (sinh năm 1947) sắp về hưu thì Hạ Bảo Long có sẽ trở thành ứng viên hàng đầu thay thế vị trí của Quách tại đất kinh đô.

Bởi sau thành tựu kinh tế thì quy chế "thi đêm" cũng trở thành biểu tượng cho sự thành công của giới chính trị Chiết Giang. Đặc biệt, khi hình thức này được nhân rộng trên toàn quốc sẽ chẳng khác nào "cộng điểm" cho Hạ trên con đường "nhập kinh".

"Sau 15 năm công tác, trong đó có 4 năm làm việc trực tiếp dưới quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình (thời kỳ ông Tập là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang), Hạ Bảo Long cho thấy ông là nhân tố đáp ứng đủ yêu cầu chính trị mà đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang xây dựng", Đa chiều bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại