Nước dâng 1m trong 1 giờ đồng hồ
Maggie Eno và nhân viên người Campuchia của cô lội qua dòng nước đục ngầu cao tới đùi khi tới dọn dẹp trụ sở làm việc sau khi trận lụt chưa từng thấy xảy ra, khiến thành phố duyên hải Sihanoukville bị ngập nước.
"Tòa nhà của chúng tôi đã ở đây 11 năm và chúng tôi chưa bao giờ thấy ngập lụt tới mức này", Eno, đồng giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận M'lop Tapang nói, "Người dân ở đây lo lắng và chán nản. Tình hình rất nguy hiểm".
Theo SCMP, khắp nơi ở Sihanoukville, hàng nghìn ngôi nhà và sinh kế của người dân bị hủy hoại khi mưa lớn biến đường phố thành những con sông chảy xiết, nguy hiểm. Các quan chức Sihanoukville thống kê, tổng cộng có 1.736 hộ gia đình bị ảnh hưởng, 937 ngôi nhà bị ngập nước và 456 người phải đi di tản.
Mặc dù không còn lạ gì với lũ quét nhưng Sihanoukville phải hứng chịu một mùa mưa kéo dài 5 tháng mà người dân khẳng định rằng họ chưa bao giờ chứng kiến mực nước như vậy.
Tha Sok Lay, chủ một nhà hàng ở bãi biển Otres, cho biết, chỉ trong vòng 1 giờ, nước đã dâng cao tới 1m. Cô và nhân viên phải bỏ nhà hàng tới khu vực cao hơn, nhìn cơ ngơi của mình bị tàn phá bởi dòng nước đang nhanh chóng dâng lên.
"Lũ lụt tới rất nhanh", Sok Lay kể lại, "Chuyện này chưa từng xảy ra trong quá khứ. Không ai sẵn sàng cho tình huống ấy, nên chúng tôi không biết làm thế nào để chuẩn bị cho tình trạng ngập úng hoặc cố gắng ngăn thiệt hại".
Hiện nay, mực nước đã rút bớt ở hầu hết các khu vực nhưng người ta lo ngại rằng đợt mưa lớn kế tiếp sẽ khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát trong bối cảnh tốc độ xây dựng nhanh chóng ở thành phố này.
Mưa lớn khiến Sihanoukville bị ngập lụt. Ảnh: M’lop Tapang
Tốc độ xây dựng "tên lửa"
Thon Ratha, chuyên viên của tổ chức phi chính phủ về môi trường Mother Nature Cambodia, đánh giá: Phần lớn trách nhiệm thuộc về sự đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc vào Sihanoukville. Là nơi có cảng nước sâu duy nhất của Campuchia, một phần trong sáng kiến Vành đai - Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Sihanoukville đã trở thành tâm điểm đầu tư của Bắc Kinh.
Những năm gần đây chứng kiến tốc độ phát triển vượt bậc ở Sihanoukville khi mà nguồn đầu tư đổ vào từ Trung Quốc. Đường chân trời của thành phố biển Campuchia điểm xuyết những khu casino chọc trời, nhà cao tầng và khách sạn.
Ngược lại, quá trình phát triển hạ tầng về thủy lợi không bắt kịp với tốc độ phát triển của thành phố, khiến hệ thống cống thoát nước, cũng như việc quản lý dòng chảy và xử lý chất thải chịu áp lực lớn.
"Các dự án phát triển xây dựng đang được thực hiện với tốc độ tên lửa", Thon Ratha nhận định, "Có quá nhiều khách sạn và sòng bài được xây dựng trong một thành phố nhỏ mà hạ tầng không được nâng cấp".
Nhiều hệ thống lọc nước tự nhiên cũng bị lấp, bao gồm cả các khu vực hồ và đầm lầy. Ví dụ, phần lớn của hồ Boeung Prek Tub đã bị lấp để mở đường cho các công trình xây dựng.
"Hồ này thu về rất nhiều nước trong suốt mùa mưa, còn giờ đây nó đã bị lấp để phục vụ công cuộc phát triển", Ratha nói.
Son Dara, nhân viên một sòng bài ở khu vực trung tâm, cho hay, suốt 7 năm ở thành phố này, anh chưa từng chứng kiến trận lụt nào như tháng trước: "Thường thì ngập úng trong một thời gian ngắn và rồi nước rút đi sau 1 tiếng đồng hồ. Vì giờ hồ Boeung Prek Tub chỉ còn khoảng 5% diện tích nên nước chẳng có nơi nào để chảy xuống".
Trong khi đó, Eno nhấn mạnh tới sự nghiêm trọng ngày càng gia tăng về tình trạng ngập úng ở trung tâm Sihanoukville kể từ cách đây 1 năm, khi vùng đầm lầy xung quanh bắt đầu bị lấp và nhà cao tầng mọc lên.
"Chúng tôi ở một khu vực dễ bị ảnh hưởng và khi mưa lớn thì sẽ bị ngập lụt", Eno nói, "Tháng 9 năm ngoái, sau khi nhiều công trình xây dựng bắt đầu khởi công ở đây, chúng tôi bắt đầu hứng chịu những đợt lũ quét thường xuyên hơn và nước bắt đầu dâng lên với tốc độ rất nhanh, ở mức cao hơn nhiều so với trước kia".
Từ khi úng lụt xảy ra, chính quyền đã bắt đầu nỗ lực tìm cách giảm thiểu tác động trong tương lai. Thiệt hại do lũ lụt là mối lo ngại gần đây nhất của cư dân địa phương trước tốc độ phát triển nhanh chóng ở Sihanoukville. Hiện có gần 200 công trình xây dựng đang được tiến hành ở thành phố này, chủ yếu từ đầu tư của Trung Quốc.
Hồi tháng 7, báo cáo của chính quyền Preah Sihanouk cho biết, hơn 90% công việc kinh doanh ở Sihanoukville là của người Trung Quốc. Trong số 156 khách sạn và nhà nghỉ có tới 150 địa điểm thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Trong số 62 sòng bài có 48 sòng do vốn đầu tư Trung Quốc phát triển. Tỷ lệ nhà hàng do người Trung Quốc quản lý là 95%.