Tiền công đức chùa Ba Vàng: Cần cơ chế báo cáo giữa nhà chùa và cơ quan quản lý

Ngọc Linh - Hoàng Dương |

Sau nhiều năm xây dựng chính sách, lần đầu tiên, Bộ Tài chính công bố báo cáo thu chi tiền công đức ở đền chùa, di tích thí điểm ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, ngay khi kết quả báo cáo công bố, xuất hiện khúc mắc lên tiếng giữa một số đền chùa với cơ quan quản lý. Để hướng tới kiểm tra việc quản lý tiền công đức trên cả nước vào đầu năm 2024, giới chuyên gia cho rằng, cần có quy trình kiểm tra rõ ràng.

Phải báo cáo bổ sung quản lý tiền công đức

Những ngày qua, xảy ra thông tin phản ứng liên quan báo cáo quản lý tiền công đức giữa Bộ Tài chính và chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Theo đó, dựa trên báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tài chính thông báo, chùa Ba Vàng chưa gửi báo cáo về quản lý tiền công đức. Ngay sau đó, đại diện chùa Ba Vàng (Uông Bí) tuyên bố không nhận được văn bản yêu cầu báo cáo về quản lý tiền công đức.

Tiền công đức chùa Ba Vàng: Cần cơ chế báo cáo giữa nhà chùa và cơ quan quản lý - Ảnh 1.

Phật tử dâng hương vãn cảnh tại chùa Ba Vàng Ảnh: Hoàng Dương

Ngày 24/7, UBND thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) gửi công văn yêu cầu chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức. Theo đó, ngày 15/5, UBND thành phố Uông Bí ban hành Quyết định số 2501 về việc thành lập Đoàn kiểm tra đối với các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn và Công văn 1574 ngày 23/5/2023 về việc kiểm tra việc quản lý tiền công đức. UBND thành phố Uông Bí đã gửi công văn tới Ban Trị sự chùa Ba Vàng, đề nghị chùa báo cáo theo đề cương hướng dẫn gửi kèm.

Trước nhu cầu đi lễ chùa, lễ hội và cung tiến tiền công đức của người dân ngày càng tăng, sau nhiều lần bàn thảo, đầu năm 2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thông tin, UBND thành phố Uông Bí được Ban trị sự chùa Ba Vàng phản hồi chưa nhận được văn bản số 1574 và chưa thực hiện nội dung nêu trong đó. Vì vậy, UBND thành phố Uông Bí chỉ đạo phòng, ban đơn vị liên quan kiểm tra quy trình việc chuyển nhận văn bản giữa các đơn vị. UBND thành phố Uông Bí gửi Công văn số 2240 ngày 24/7 đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức.

Chùa Ba Vàng là một trong số 328 di tích được kiểm kê của Bộ Tài chính. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2022, tiền công đức tại Quảng Ninh có tổng số thu 70,8 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), chi 54,4 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu 61 tỷ đồng, chi 29,4 tỷ đồng.

Năm 2024, công bố báo cáo tiền công đức cả nước

Hiện nay, cả nước có trên 54.000 di tích và tổ chức khoảng 9.000 lễ hội mỗi năm. Trong đó, khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng.

Trước nhu cầu đi lễ chùa, lễ hội và cung tiến tiền công đức của người dân ngày càng tăng, sau nhiều lần bàn thảo, đầu năm 2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

“Thông tư số 04/2023/TT-BTC là văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh về việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Quy định về mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép khoản thu, chi để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch, tạo niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng. Đây là nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý tiền công đức, tài trợ”, Bộ Tài chính cho biết.

Theo Bộ Tài chính, thông tư cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm “cung cấp kịp thời thông tin khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật”.

Bộ Tài chính nhận định, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích và lễ hội. Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương.

Vì vậy, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử văn hóa, đình chùa trên toàn quốc năm 2022 và 2023. Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính trong Quý I/2024. Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra; tổng hợp báo cáo của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2024.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc yêu cầu quản lý tiền công đức là cần thiết, tuy nhiên, do báo cáo tại đền chùa ở Quảng Ninh thí điểm lần đầu tiên nên khó tránh thiếu sót. Cơ quan quản lý và nhà chùa cần phải có cơ chế rõ ràng trong việc báo cáo quản lý tiền công đức để từ đó minh bạch, công khai và tạo thêm niềm tin cho Phật tử, nhà hảo tâm đóng góp.

“Cơ quan quản lý của Quảng Ninh cần làm rõ quy trình gửi công văn tới chùa Ba Vàng. Để từ đó, xác định liệu có sự thất lạc trong quá trình giao nhận công văn. Sắp tới, khi yêu cầu di tích trên cả nước báo cáo quản lý tiền công đức, Bộ Tài chính cần ban hành quy trình rõ ràng để đơn vị dễ dàng thực hiện”, ông Long kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại