Thời gian gần đây, bà Nguyễn Phương Hằng, vợ đại gia Dũng "lò vôi" (Huỳnh Uy Dũng- Chủ tịch CTCP Đại Nam) đang là từ khóa được tìm kiếm bậc nhất trên các mạng xã hội ở Việt Nam.
Theo đó, những buổi livestream "bóc phốt" nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz Việt của nhân vật này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trực tiếp. Đáng nói, trước sức nóng khủng khiếp của bà Hằng, một đồng token tiền điện tử ‘ăn theo’ tên tuổi của nữ đại gia này đã bất ngờ xuất hiện chỉ vài ngày gần đây.
Có tên gọi là Mrs Phương Hằng Idol Token (tên mã là MPH), đồng token này được tạo ra dựa trên nền tảng blockchain Binance Chain, và được giao dịch trên PancakeSwap (1 nền tảng giao dịch vận hành dựa trên Smart Chain của Binance).
Đồng token 'ăn theo' Mrs Phương Hằng Idol Token đã bất ngờ xuất hiện sau buổi livestream phá kỷ lục lượt xem của bà Hằng trên Facebook.(Ảnh chụp màn hình)
Khi truy cập vào trang chủ của Mrs Phương Hằng Idol Token, nhóm phát triển đã mô tả MPH là một đồng token "của người yêu mến và ủng hộ cô Phương Hằng trừ gian diệt ác" (?!).
Theo thông thông tin tra cứu trên công cụ BSCScan, Mrs Phương Hằng Idol Token hiện được sở hữu bởi 496 địa chỉ ví, trong khi số lượng giao dịch token này đạt khoảng 1360 giao dịch, tính đến thời điểm 16h00 ngày 31/5/2021.
Không chỉ Mrs Phương Hằng Idol Token, một đồng token khác ‘ăn theo’ tên tuổi của nghệ sĩ Hoài Linh là Mr Hoài Linh Token cũng đã bất ngờ xuất hiện sau buổi livestream phá kỷ lục lượt xem của bà Hằng trên Facebook.
Trên một số hội nhóm về đầu tư tiền điện tử, một số người dùng đã nhận định một nhóm phát triển ẩn danh người Việt có thể là ‘cha đẻ’ đứng sau cả 2 token này.
Cần cẩn trọng trước những coin rác sinh ra để ‘dụ gà’, lừa đảo
Về cơ bản, những token như Mrs Phương Hằng Token hay Mr Hoài Linh Token được xếp vào loại ‘meme’ coin, tức những loại coin, token được tạo ra nhằm mục đích làm ‘trò đùa’.
Nổi tiếng nhất trong số Meme coin chính là Dogecoin, cùng loạt đồng coin ‘hệ động vật’ ăn theo như SHIBA Inu, AKITA. Bản thân việc tạo meme coin cũng cực kỳ đơn giản, khi một số công cụ giờ đây cho phép người dùng có thể tạo ra một token chuẩn BEP20 trên nền tảng Binance Smart Chain chỉ trong có vài chục phút.
Đáng nói, mặc dù không sở hữu bất kỳ ưu điểm nào như tiềm năng ứng dụng thực tế trong mảng tài chính hay công nghệ lõi trong khi nguồn cung lại quá lớn, Meme coin lại có sự biến động về giá cực lớn, thậm chí dễ dàng tăng gấp ba, gấp bốn lần giá trị chỉ sau 1 đêm.
Tất nhiên, rủi ro khi đầu tư vào Meme coin cũng rất lớn, khi chúng có thể nhanh chóng sụt giảm mạnh về giá trị trong thời gian cực ngắn, thậm chí là trở về 0.
"Sự tăng giá của các meme coin không đến từ nhu cầu thực sự của người dùng. Thay vào đó, đây có thể là hành động ‘làm giá’ của một cá nhân hay tổ chức có ảnh hưởng nào đó nhằm mục đích tạo hiệu ứng FOMO để "dụ gà’ đầu tư vào những coin rác này", Tùng Phạm, một nhà đầu tư tiền điện tử lâu năm ở Hà Nội, phân tích.
Với riêng Mrs Phương Hằng Idol Token và Mr Hoài Linh Token, cả 2 đồng token ăn theo này thậm chí còn bị cáo buộc ẩn giấu mã độc bên trong. Theo phản ánh từ một số nhà đầu tư tiền điện tử tại Việt Nam, đã có tới 200 ví tiền điện tử bị hack vì nhiễm mã độc sau khi kết nối và thực hiện giao dịch token này.
Một nhóm phát triển ẩn danh người Việt có thể là ‘cha đẻ’ đứng sau cả 2 token ăn theo này.
Mặc dù đây là thông tin chưa được kiểm chứng, nguy cơ bị mất quyền kiểm soát và ‘bốc hơi’ hoàn toàn số tiền điện tử mình sở hữu trong ví sau khi giao dịch Mrs Phương Hằng Idol Token vẫn đang hiển hiện trước mắt người dùng.
"Các đồng token như Mrs Phương Hằng Idol Token thường được xếp vào nhóm có nguy cơ rủi ro rất cao.
Những token kiểu vậy chưa trải qua quá trình Audit (kiểm tra các lỗ hổng bảo mật, các đoạn mã code) bởi các bên kiểm toán độc lập uy tín, vô hình trung khiến các nhà đầu tư dễ gặp các rủi ro như bị hack và chiếm quyền quản lý ví tiền điện tử", Ngô Hoàng Long, một lập trình viên blockchain tại TP.HCM, nhận định.
Cũng theo lập trình viên này, các dự án tiền điện tử ‘hàng thật giá thật’ luôn công khai mã nguồn mở, đồng thời được Audit một cách kĩ càng. Đương nhiên, do chi phí kiểm toán khá đắt đỏ, chỉ những dự án có tiềm lực tài chính tốt, được đầu tư bài bản mới có thể thực hiện quy trình này - điều mà các dự án token lừa đảo khó có thể làm được.
Thực tế, đây cũng được coi là một trong những ‘dấu hiệu’ giúp các nhà đầu tư tiền điện tử có thể phân biệt giữa các dự án tiềm năng và các dự án được tạo ra để lừa đảo.
"Các nhà đầu tư nên thận trọng với những dự án không được audit, hoặc audit bởi các bên không tên tuổi. Đặc biệt, cần tránh xa các dự án chưa niêm yết thông tin trên các trang xếp hạng và đánh giá tiền điện tử uy tín như Coinmarketcap hay CoinGecko", lập trình viên Hoàng Long cảnh báo.