Theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, từ ngày 1-1, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin (BTC) và các loại tiền ảo tương tự khác là phạm luật.
Núp bóng "quy đổi"
Để lách luật, các chủ sàn giao dịch tiền ảo đưa ra cách thức huy động, giao dịch khá lập lờ, trong đó có sàn Businesscoin (tạm gọi là sàn BNC, đóng tại tầng 9 tòa nhà 46 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) gắn liền với đồng tiền ảo BNC do Công ty CP Đầu tư phát triển doanh nghiệp điện tử Việt Nam (BNI) phát hành.
Buổi giới thiệu sàn BNC và kế hoạch xây dựng đồng tiền điện tử BNC tại Việt Nam
Theo đó, nhà đầu tư dùng VNĐ hay USD để mua - bán BNC, đồng thời có thể chuyển đổi BNC sang VNĐ để mua hàng hóa, dịch vụ, bất động sản... mà sàn BNC đã kết nối với nhiều doanh nghiệp khác.
Để tìm hiểu thêm về BNC, chúng tôi liên hệ với một nhóm trưởng "nhà đầu tư" sàn BNC. Người này cho biết nếu tham gia 1 ID 10.000 USD thì nhà đầu tư có thể đến sàn BNC nộp tiền. Khi đó, chủ sàn sẽ cung cấp phiếu thu và mã số tài khoản. Sau đó, người chơi sẽ được chủ sàn tặng 20.000 USD được chuyển thẳng vào ví BNC; đồng thời sau 500 ngày, người chơi còn nhận được lợi nhuận 100.000 USD.
Tại buổi giới thiệu sàn BNC và kế hoạch xây dựng đồng tiền điện tử BNC tại Việt Nam do BNI (chủ sàn) tổ chức mới đây, ông Phạm Văn Tuyên, Tổng Giám đốc BNI, cho rằng khi nhà nước chưa chấp nhận tiền ảo thì nhà đầu tư sử dụng VNĐ hay USD để mua BNC theo quy ước chuyển đổi sang một số điểm BNC nhất định, số điểm này sẽ tiếp tục chuyển đổi sang VNĐ để mua hàng hóa.
Anh Quỳnh, người đang tham gia sàn BNC, giải thích: "Một BNC hiện có giá hơn 2 USD (khoảng 45.000 đồng) tức là 2 USD được quy ước là 1 điểm BNC. Nhà đầu tư có thể sử dụng điểm BNC để chuyển sang VNĐ rồi mua hàng hóa tại các điểm bán hàng mà chủ sàn đã kết nối. Như thế, việc mua và sử dụng BNC đều bằng tiền thật chứ không phải là tiền ảo".
Để người chơi an tâm tính pháp lý của BNC, tại buổi giới thiệu, ông Tuyên cho rằng nhà nước chưa chấp nhận, nhà đầu tư tạm thời giao dịch BNC qua việc chuyển đổi VNĐ, USD là không phạm pháp. "Ví dụ, tôi có trái dưa hấu; anh có con gà giá trị 100 đồng nhưng tôi và anh quy ước trái dưa hấu mua được con gà. Như thế, giao thương này không phạm luật" - ông Tuyên lập luận.
Mặt khác, ông Tuyên cũng khẳng định người có BNC chuyển đổi sang VNĐ để mua hàng hóa tại chuỗi cửa hàng của các doanh nghiệp đã kết nối với sàn BNC cũng không phạm luật. Bởi lẽ, pháp luật không cầm chủ sàn BNC đưa ra quy ước chuyển đổi sang VNĐ, các đơn vị bán hàng đều là doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.
Nghi ngờ tính hợp pháp
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, chủ sàn đưa ra quy ước hoán đổi BNC sang VNĐ hay USD là một hình lách luật để giao dịch tiền ảo, nhằm né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Còn việc chủ sàn đưa ra thông tin mua BNC bằng USD là có dấu hiệu vi phạm về giao dịch ngoại tệ.
Bởi sau khi thanh toán bằng USD, nhà đầu tư mới được chủ sàn mở tài khoản, quy đổi USD sang BNC. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam không cho phép các cá nhân, tổ chức niêm yết, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ.
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM - đánh giá sàn BNC là loại hình lợi dụng làn sóng bitcoin để trục lợi từ những người thiếu hiểu biết về tiền ảo. Theo ông Bảo, chủ sàn gọi BNC là tiền điện tử là "lập lờ đánh lận con đen" bởi đồng tiền này không được tạo ra từ máy tính.
"Thực chất BNC chỉ là một ký hiệu giống như một tài sản ảo có biến động giá nhằm chiêu dụ người chơi dựa trên mức độ biến động của tài sản ảo này để thu lợi như đánh bạc. Mặt khác, người bỏ vốn vào BNC được chủ sàn phân chia lợi nhuận, đồng nghĩa chủ sàn đã huy động vốn trái phép.
Đến một một lúc nào đó, chủ sàn có thể biến mất giống như các sàn giao dịch tiền gửi gần đây. Lúc đó, người chơi trên sàn BNC sẽ không biết kêu ai để bảo vệ quyền lợi" - ông Bảo nhận định.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư - TS Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM) hoài nghi sàn BNC là lừa đảo. Bởi lẽ hoạt động của sàn này là một loại hình huy động vốn để phát hành tiền ảo (ICO), trong khi tiền ảo không được công nhận tại Việt Nam nên chủ sàn ICO là bất hợp pháp.
"Thống kê trên thị trường quốc tế cho thấy 99% hoạt động ICO là lừa đảo bởi ICO có hợp pháp hay không phải đáp ứng được các điều kiện như ICO được tạo ra từ công nghệ và được giới công nghệ thông tin công nhận, có giá trị thực tế thông qua các ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thanh toán, quản trị; đồng thời đồng tiền ảo đó phải tạo ra các ứng dụng cho tương lai" - luật sư Tín nói.
Sớm trình phương án quản lý
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với NHNN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo, trong đó có bitcoin tại Việt Nam trong tháng 1-2018.
Trước đó, theo đề án hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, xử lý với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam; NHNN chủ trì đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản pháp luật về thuế với loại tiền này.
Không nên chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán
Kết quả bình chọn trực tiếp tại buổi tọa đàm Cơ hội đầu tư - kinh doanh diễn ra tại Thanh Hóa ngày 5-1 cho thấy tiền ảo đang là kênh đầu tư có sức hút lớn. Cụ thể, với câu hỏi "Nếu có tiền bạn chọn kênh đầu tư nào?", 53% người được hỏi cho biết sẽ đầu tư vào chứng khoán, 17% đầu tư vào tiền ảo, 10% đầu tư vào bất động sản.
Các kênh đầu tư gửi tiết kiệm, kinh doanh và đầu tư khác đều chỉ được 7% lựa chọn và 0% chọn đầu cơ ngoại tệ.
Bàn về vấn đề quản lý tiền ảo bitcoin, các chuyên gia cùng nhận định Việt Nam không nên chấp nhận đây là phương tiện thanh toán nhưng không thể cấm kinh doanh, đầu tư tiền ảo. Thay vào đó, cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý để quản lý các loại tiền ảo, đồng thời cung cấp thông tin để xã hội biết về mức độ rủi ro của tiền ảo, từ đó có sự tính toán thận trọng khi đầu tư, đầu cơ.
T.HÀ