Trong những năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu về sự chuyển đổi nhiệt năng của đại dương. Về cơ bản, ý tưởng khai thác điện năng từ chênh lệch nhiệt độ đã xuất hiện từ lâu. Công nghệ này hoạt động tương tự như cách các nhà máy điện than, khí đốt và địa nhiệt tạo ra điện bằng cách sử dụng hơi để làm quay tuabin.
Thách thức đặt ra là phải tìm đúng vị trí bởi nơi nhiệt độ càng khác biệt thì càng trở nên đáng giá. Những vùng biển tương đối gần với đường xích đạo có thể thoả mãn điều kiện này, điển hình như phía bắc Papua New Guinea, Philippines và ngoài khơi bờ biển phía nam Nhật Bản.
OTEC là chu trình phát điện dựa trên việc tận dụng sự khác biệt nhiệt độ giữa dòng nước lạnh dưới biển sâu và dòng nước ấm trên bề mặt biển. Theo phương pháp này, nước biển lạnh sẽ được hút lên từ một đường ống ở độ sâu 1.000 m trở xuống, nơi sức nóng của mặt trời không thể chiếu tới. Trong khi đó, nước biển ấm sẽ được hút lên từ bề mặt nông hơn. Nước biển ấm sẽ chạy qua một bộ trao đổi nhiệt với một loại hóa chất có điểm sôi thấp, như amoniac. Quy trình này sẽ tạo ra hơi nước hóa học và vận hành các tuabin phát điện.
Từ nghiên cứu đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên OTEC toàn cầu trong điều kiện biến đổi khí hậu, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, điện sản sinh từ công nghệ chuyển hóa nhiệt lượng đại dương có thể tăng tới 46% vào cuối thế kỷ này trong bối cảnh khí thải carbon tiếp tục tăng cao. Toàn bộ nghiên cứu đã được .đăng trên tạp chí chuyên ngành Nature Communications
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Trung Quốc đã đánh giá mức độ thay đổi các nguồn OTEC toàn cầu trong điều kiện khí carbon phát thải tăng cao. Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng ấm lên của bề mặt biển giúp gia tăng các nguồn OTEC toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu ứng này có được một phần nhờ tình trạng ấm lên ở dòng nước sâu dưới đại dương, do các xoáy đại dương giúp chuyển nhiệt từ bề mặt xuống.
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các xoáy nước đại dương trong việc điều chỉnh những thay đổi trong tương lai tại các tầng đại dương cùng nguồn OTEC, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển các mô hình khí hậu có độ phân giải cao để đưa ra dự đoán tốt hơn về những thay đổi khí hậu và đại dương trong tương lai.